Rớt nước mắt khi thấy thú bị thương
Nằm trong khuôn viên Vườn quốc gia Pù Mát, tại huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An, một khu vực khá rộng được bao kín bằng tường vây là trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Pù Mát.
Nhắc nhở chúng tôi sát trùng trước khi bước vào, anh Nguyễn Tất Hà (SN 1979) cho biết: “Để vào nơi này, kể cả bác sĩ, nhân viên trung tâm, đều phải thực hiện sát trùng ở ngay cửa ra vào để phòng ngừa dịch. Phía trong đều là động vật hoang dã, có nhiều con bị thương nên chúng tôi phải cẩn trọng”.
Anh Nguyễn Tất Hà vốn quê gốc ở xã Tân Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Vì vậy anh cũng không ngờ mình lại “lạc lối” lên huyện Con Cuông để làm tại trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Pù Mát.
Trung tâm này ra đời sau khi Vườn quốc gia Pù Mát được thành lập (năm 2002). Tuy nhiên, nơi đây thực sự thành bệnh viện thú rừng từ năm 2018, khi được trung tâm bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam tài trợ kinh phí để mua sắm thêm thiết bị và bổ sung thêm nhân sự.
Dẫn những vị khách vào khu điều trị cho thú rừng là những căn phòng rất thoáng mát và sạch sẽ, anh Hà cho biết, khu này về chức năng và bố trí thiết bị không khác bệnh viện điều trị cho người.
“Các loại máy móc hiện đại cũng đã được sắm để khám bệnh cho thú rừng. Khi thú rừng được đưa đến, nếu trong tình trạng bị thương nặng, kiệt sức do bị nhốt lâu ngày, sẽ được đưa đến phòng cấp cứu hồi sức, được các bác sĩ thú y thăm khám, hội chẩn tìm phương án điều trị phù hợp. Sau đó, khi con thú có dấu hiệu hồi phục, sẽ được đưa đến khu chăm sóc đặc biệt và được theo dõi hằng giờ”, anh Hà nói.
Hằng năm, trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Pù Mát tiếp nhận hàng chục cá thể thú rừng từ các cơ quan chức năng và người dân, trong đó có nhiều loài thuộc nhóm 1B (nhóm nguy cấp, quý, hiếm) như vượn, tê tê, cu li...
Một số cá thể sau khi được điều trị, chăm sóc đã được thả về rừng. Tuy nhiên, một số cá thể do bị nuôi nhốt quá lâu nên sau khi được đưa đến trung tâm, không thể tái thả về rừng do chúng không thể thích ứng được với môi trường hoang dã nữa và những cá thể này hiện đang được nuôi nhốt tại trung tâm.
Chỉ vào một con gấu bị mất một bàn chân trái đang cuộn tròn nằm ngủ, anh Hà cho hay: “Con gấu Moly được đưa về từ năm 2013, bị dính bẫy nên dập chân trước. Do vết thương quá nặng, chúng tôi phải cắt bỏ. Nhìn nó đau đớn nên ai cũng chảy nước mắt. Thời điểm đó nó chỉ khoảng 6kg, giờ nó đã nặng hơn 1 tạ. Sống với nhau 7 năm, nó là động vật mà tôi thương nhất. Nó cũng rất khôn, khi biết tôi đến thì đều rất vui mừng, luôn ra chào đón”.
Mặc dù vậy, do phải chăm sóc những động vật hoang dã nên tính chất nguy hiểm cũng cao hơn rất nhiều so với các loài thú khác. Năm 2016, anh Hà đã bị một con khỉ tấn công tổn thương rất nặng, tỉ lệ thương tích lên đến 51%.
“Con khỉ đó mới được cơ quan chức năng giải cứu, rồi đưa về đây cho chúng tôi chăm sóc. Vì vậy nó rất hung dữ. Khi tôi đưa thức ăn vào thì bất ngờ nó chộp lấy, cào xé đôi tay của tôi. Khi được đồng nghiệp cứu ra thì tôi đã ngất xỉu rồi”, anh Hà nhớ lại.
Bị thương nặng như vậy nhưng sau khi khỏi thì anh Hà lại tiếp tục quay lại công việc chăm sóc thú như trước. Anh cười giải thích, chắc do có duyên với nghề nên không thể bỏ được, cứ nghĩ đến việc ở nhà chúng không có ai cho ăn thì trong lòng lại bứt rứt, nóng ruột.
“Tại trung tâm này hiện đang điều trị, nuôi hàng chục cá thể gồm các loài: vượn, tê tê, cầy vòi, gấu, khỉ, rái cá... Sau điều trị, việc chăm sóc thú để chúng phục hồi hoàn toàn không phải là chuyện dễ bởi chế độ ăn của chúng rất đặc biệt. Thậm chí mùa hè, chúng tôi còn phải làm kem rồi giấu đi nhiều nơi cho chúng tìm ăn”, anh Hà kể.
Đặc biệt, một số loài thú ăn rất sang, như tê tê chỉ ăn kiến nên khi đưa về đây điều trị, chăm sóc, chế độ ăn uống của chúng cũng rất kỳ công. Các nhân viên trung tâm không thể đi bắt kiến nên phải mua trứng kiến về làm thức ăn cho chúng với giá không hề rẻ.
Anh Nguyễn Sĩ Quốc, phụ trách trung tâm cho biết thêm, sau khi được điều trị, chăm sóc, thú rừng khỏe mạnh trở lại, các nhân viên ở trung tâm cứu hộ này phải truy xuất nguồn gốc con thú để quyết định có thể thả về rừng hay không.
Với những con thú có nguồn gốc đánh bắt từ rừng đang thích nghi được môi trường tự nhiên, khi đã hồi phục hoàn toàn, chúng được thả về khu vực có phân bố loài của nó. Trước khi thả về rừng, các con thú đều được gắn chip theo dõi.
“Với những loài như tê tê, rùa, thiết bị được gắn để theo dõi có phát sóng radio. Trong tầm thu phát sóng, các cá thể này di chuyển đến đâu đều có thể phát hiện được. Sau khi được thả về rừng, chúng tôi khoanh vùng để bảo vệ, theo dõi đặc biệt cho đến khi chúng hoàn toàn thích nghi được với môi trường thì mới an tâm”, anh Quốc nói.
“Chúng tôi đang nỗ lực cứu lấy động vật hoang dã”
Ông Trần Xuân Cường, Giám đốc Vườn quốc gia Pù Mát cho biết, diện tích rừng nguyên sinh quốc gia khoảng 94.000 ha, trải dài ở các huyện Anh Sơn, Con Cuông và Tương Dương. Đây là khu rừng nguyên sinh không chỉ được biết đến là khu vực ưu tiên về bảo tồn đa dạng sinh học mà còn là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn, có hệ thực vật và động vật phong phú của thế giới, được tổ chức UNESSCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An.
Pù Mát hiện có 132 loài thú, 361 loài chim, 55 loài bò sát, ếch nhái, 1.084 loài côn trùng và hơn 2.400 loài thực vật, trong đó có 37 loài nằm trong Sách đỏ VN và 20 loài trong Sách đỏ thế giới.
“Trong số các loài động vật, có nhiều loài quý hiếm đang được ưu tiên bảo tồn cấp quốc gia, quốc tế như: sao la, hổ, gấu, voi, tê tê, thú móng guốc, linh trưởng...”, ông Cường nói.
Điều đáng báo động, cũng bởi vì vậy nên trung bình một năm có gần 100 cá thể động vật bị chết do bẫy của những kẻ săn bắt trộm tại rừng nguyên sinh quốc gia Pù Mát. Chúng bị tàn sát một cách vô tội vạ. Khi những động vật hoang dã tiếp tục bị sát hại, các loại động vật quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng, hệ sinh thái mất cân bằng và môi trường sống bị đe dọa.
Ông Cường cho biết thêm: “Chúng tôi đã rất nỗ lực tuyên truyền về công tác bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã nhưng vẫn có nhiều người vô ý thức vẫn vào rừng đặt bẫy. Vì vậy, vấn đề đặt ra rất cấp bách là Pù Mát phải thiết lập các khu bảo vệ đặc biệt nhằm mục tiêu khôi phục lại các quần thể động vật hoang dã”.
Nhiệm vụ đặt ra cho mỗi nhóm phải thực hiện đó là thông tin số lượng khi phát hiện và xử lý bẫy, lán trại, súng, đối tượng vi phạm, số lượng động vật chết từ săn bắt, giết thịt và lập bản đồ vị trí mỗi trường hợp, số lượng kích cá ở các khe suối.
Bên cạnh đó, thông tin về khai thác gỗ và lập vị trí bản đồ về khai thác gỗ, phát hiện các dấu vết tác động của con người. Ngoài ra, thông tin về vấn đề theo dõi, quan sát trực tiếp các động vật hoang dã và thông qua dấu vết, lập danh sách cung cấp về Vườn quốc gia Pù Mát, lập vị trí trên bản đồ để nắm rõ, danh sách nguyên nhân động vật rừng bị chết.