Mới đây, một bác sĩ ở bệnh viện Xanh Pôn bị người nhà bệnh nhân hành hung gây xôn xao dư luận và nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng do bác sĩ “làm việc quá nguyên tắc” nên khiến người nhà bệnh nhân khó chịu. Nhưng cũng không ít người chia sẻ với những khó khăn, áp lực mà đội ngũ y bác sĩ đang gặp phải.
Từ những ý kiến trên, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trò chuyện với bác sĩ Trần Vũ Quang (BV Phụ Sản Trung Ương), bác sĩ Quang cho biết: “Có thể bác sĩ trẻ kia đã có cách xử lý không được khéo với người nhà bệnh nhân, nhưng không vì thế mà bị họ đánh và xúc phạm như vậy. Bất kỳ bác sĩ nào cũng đã từng gặp rất nhiều trường hợp bệnh nhân như vậy và không thể đứng giãi bày hay tranh cãi với bệnh nhân được.
Vì thế chúng tôi thường có câu cửa miệng khuyên nhau: “Tránh voi chẳng xấu mặt nào”. Và làm bác sĩ không phải để giàu mà cái cần là sự trân trọng. Đấy mới gọi là điều mà bất kỳ y bác sĩ nào cũng hướng đến và cần được người nhà bệnh nhân tôn trọng”.
Cũng theo bác sĩ Quang, anh đã từng chứng kiến thai phụ hùng hổ đạp cửa, hò kêu nhóm xã hội đen uy hiếm bác sĩ đang điều trị cho mình ngay tại một bệnh viện tuyến trung ương, lý do đơn giản bởi bác sĩ đang khám cấp cứu bệnh nhân nặng trước. Mà bác sĩ ấy cũng trạc tuổi bác sĩ bị đánh ở bện viện Xanh Pôn. Khi ấy bác sĩ phải chạy vào phòng vệ sinh để “lánh nạn”.
“Nhìn khuôn mặt khóc lóc của bác sĩ trẻ tại bệnh viện Xanh Pôn khi bị người nhà bệnh nhân đánh mà tôi thấy có hình bóng chính mình trong đó, ở một khoảng khắc lúc nào đó trong nghề mình đã và đang trải qua. Điều đó sẽ là sự ám ảnh và tổn thương trong lòng của nhiều bác sĩ. Tuy nhiên, dù xảy ra chuyện gì cũng không cho phép bác sĩ được khóc. Phải đương đầu và rèn luyện hơn về khả năng giao tiếp với người nhà bệnh nhân.
Hãy học cách chấp nhận, thích nghi, nâng cao khả năng nhạy cảm hay kinh nghiệm về ứng xử thật tốt với bệnh nhân”, bác sĩ Quang bày tỏ.