Ngày 7/4, Bệnh viện Chợ Rẫy vừa tiếp nhận một nữ bệnh nhân có tiền căn ho ra máu dai dẳng gần 2 năm nay, dù không có bệnh nền.
Đó là chị V.T.X.B., 28 tuổi, một công nhân đang làm việc tại tỉnh Bình Dương. Chị B. cho biết thời gian gần đây, tình trạng ho ra máu của chị ngày càng tăng lên.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, sau khi được CT-Scan ngực chẩn đoán, các bác sĩ phát hiện chị B. có tình trạng giãn phế quản ở thùy dưới của phổi trái. Bệnh nhân sau đó được chỉ định nội soi phế quản.
Ths.BS Phạm Thị Vân Thanh, Phụ trách Phòng Nội soi phế quản (khoa Nội soi Bệnh viện Chợ Rẫy) chia sẻ: “Trong lúc soi, chúng tôi tình cờ phát hiện một dị vật xếp thành nhiều lớp nằm ở phế quản thùy dưới bên trái.
Sau khi kéo được dị vật ra và kiểm tra, chúng tôi phát hiện đó là một… vỏ kẹo nằm xếp lớp, gây tắc một nhánh thùy dưới phổi trái, gây viêm nhiễm kéo dài, dẫn tới tình trạng giãn phế quản và bệnh nhân ho ra máu”.
Sau khi dị vật được gắp ra, bệnh nhân B. đã ổn định sức khỏe và xuất viện trong cùng ngày.
Theo Ths.BS Phạm Thị Vân Thanh, trong những trường hợp như vậy, nếu tắc nghẽn lâu ngày và viêm nhiễm kéo dài, bệnh nhân có thể sẽ bị áp xe phổi, ộc ra mủ và hoại tử phần phổi đó. Thậm chí, bệnh nhân có nguy cơ tử vong nếu nhiễm trùng phổi nặng, ho ra máu.
“Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, chúng tôi thường xuyên tiếp nhận những bệnh nhân bị dị vật trong phổi, thường gặp nhất là bị dị vật là hạt sapôchê”, Ths.BS Phạm Thị Vân Thanh chia sẻ.
Theo bác sĩ Thanh, cách đây hơn nửa tháng, Phòng Nội soi phế quản Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã tiếp nhận một trường hợp tương tự như bệnh nhân V.T.X.B. Đó là nữ bệnh nhân L.T.B. (63 tuổi).
Theo đó, chị B. bị ho dai dẳng một năm nay. Và trong suốt một năm đó, chị đã làm xét nghiệm COVID-19 rất nhiều lần vì nghi ngờ ho là do nhiễm SARS-CoV-2. Sau khi dịch COVID-19 tại Tp.HCM tạm lắng, chị đến Bệnh viện Chợ Rẫy thăm khám và được chỉ định nội soi phế quản.
Khi nội soi, các bác sĩ tình cờ phát hiện trong phổi bệnh nhân có một dị vật. Đội ngũ y bác sĩ đã gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình gắp dị vật ra.
“Chúng tôi không biết dị vật này là gì cả! Đưa dị vật cho bệnh nhân, một lúc sau chị mới nhớ đó chính là chiếc xương cổ vịt mà chị đã bị sặc cách đây một năm. Sau khi sặc thức ăn, dù có hội chứng xâm nhập, nhưng bệnh nhân không biết là xương cổ vịt đã rơi vào phổi…”, Ths.BS Phạm Thị Vân Thanh kể lại.
Theo bác sĩ Thanh, không may mắn như bệnh nhân B., trước đây Bệnh viện Chợ Rẫy từng tiếp nhận trường hợp bệnh nhân cắn bịch dầu gội đầu và bị mảnh bịch dầu gội này lọt vào phế quản. Với mảnh dị vật lâu ngày nằm trong phổi, bệnh nhân bị hội chứng đại thực bào sau đó tử vong vì hội chứng này.
“Khi ăn uống, mọi người cần tránh nói chuyện và cười đùa. Đặc biệt, khi ăn những loại trái cây có hạt, cần cẩn thận bóc tách hạt ra. Đặc biệt, hạt sapôchê rất trơn, dễ lọt vào phổi mà lại rất khó gắp ra.
Trong trường hợp bị sặc thức ăn và có hội chứng xâm nhập, mọi người cần lập tức đến các cơ sở y tế. Bởi nếu để lâu ngày, dị vật sẽ gây tắc nghẽn đường thở, gây viêm nhiễm, áp xe hoặc ho ra máu, nguy hiểm đến tính mạng…”, Ths.BS Phạm Thị Vân Thanh khuyến cáo.