Clip: Nỗi niềm bác sĩ trực tiếp cấp cứu cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo bị sốc phản vệ
Khi chúng tôi tìm tới khoa Hồi sức tích cực, bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, nơi 1 bệnh nhân đang trong tình trạng nặng sau khi bị sốc phản vệ trong quá trình chạy thận tại khoa Thận nhân tạo của bệnh viện vào sáng ngày 29/5, Ths.BS Hoàng Công Tình – Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực vẫn đang tất bật với hồ sơ bệnh án trên tay.
BS.Tình là người có nhiều năm gắn bó với các bệnh nhân chạy thận và cũng là bác sĩ trực tiếp cấp cứu cho các bệnh nhân mạn tính chạy thận nhân tạo khi họ bị sốc phản vệ.
Đã hơn 1 ngày sau khi sự cố y khoa hi hữu trên xảy ra, Ths.BS Hoàng Công Tình chưa có được một giấc ngủ sâu hay một miếng ăn ngon, cũng đã hơn 1 ngày bác sĩ không biết tới bữa cơm.
Bác sĩ Tình bảo rằng, từ hôm qua tới nay, bác sĩ nhận được rất nhiều cuộc điện thoại hỏi thăm từ người nhà bệnh nhân, người trong và cả ngoài ngành về tình trạng sức khỏe người bệnh, kết quả điều trị, sự phối hợp với các ban ngành liên quan, bác sĩ chuyên môn để hỗ trợ cứu người bệnh…
“Ở khoa chúng tôi, có những bệnh nhân đã gắn bó với bác sĩ gần 10 năm, người ít nhất cũng 1 – 2 năm. Chúng tôi biết hết tên tuổi, địa chỉ, hoàn cảnh gia đình bệnh nhân; thậm chí cả tính cách, tâm lý người bệnh.
Người mắc bệnh mạn tính họ rơi vào trạng thái nhiều khi như trầm cảm, chán nản, nhiều trường hợp không muốn lọc máu, họ bỏ lọc vì thấy việc gắn bó với bệnh viện liên tục như vậy là cái gì đó tồi tệ.
Nhưng người thầy thuốc như chúng tôi cũng động viên họ rằng, bệnh nhân suy thận mạn tính chiếm khoảng 7/1.000 dân số. Điều đó có nghĩa, số người dùng tới máy chạy thận và phải chạy thận rất nhiều. Khi họ tới chạy thận 1 - 2 ngày và thấy đông người hoàn cảnh như mình nên có nghị lực để cùng thầy thuốc tiếp tục cuộc hành trình lọc máu”, bác sĩ Tình chia sẻ.
Nhớ lại giây phút chứng kiến các bệnh nhân bị sốc phản vệ với các triệu chứng buồn nôn, đau bụng… bác sĩ Tình nghẹn giọng: “Khi xảy ra sự cố y khoa này tôi không biết dùng từ nào để nói hết tâm trạng, sự đau xót của người thầy thuốc. Nếu có thước đo về cảm xúc ấy của chúng tôi, có lẽ cũng không kém gì sự đau đớn của người nhà bệnh nhân. Một cảm giác đau đớn như mất đi người thân mình”. Nói tới đây, Ths.BS Hoàng Công Tình im lặng trong giây lát như cố che giấu đôi mắt đỏ hoe của mình.
Cố nén lòng, bác sĩ Tình tâm sự tiếp: “Tôi được cấp cứu bệnh nhân từ đầu và theo bệnh nhân tới giờ phút này cảm giác mình mất đi một cái gì đó rất lớn mà không tả được. Từ trưa qua tới giờ tôi không có cảm giác muốn ăn gì dù nhân viên cũng mua đồ ăn tới và động viên.
Ngay lúc làm chuyên môn phối hợp các bên liên quan, người nhà bệnh nhân để cấp cứu bệnh nhân tôi vẫn phải cố gắng can đảm, cố gắng làm sao công việc thực sự suôn sẻ. Lúc này, tôi rất thèm khát được khóc, được giải tỏa, được chia sẻ với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân nhưng tôi không thể làm như thế được vì dưới mình còn 40 nhân viên, họ cần một chỉ huy, cần người kết nối công việc cho thật tốt”. Nói rồi, bác sĩ Tình chỉ cho chúng tôi những chiếc bánh mì để gọn trong ngăn tủ.
Bản thân bác sĩ Tình cũng động viên mình trong giờ phút này phải can đảm, nhất là những lúc có mặt bệnh nhân và hay khi làm việc với các y, bác sĩ, các bên liên quan. Cố gắng can đảm, cố gắng bình tĩnh là thế nhưng những lúc ngồi một mình hay ngồi với các nhân viên, bác sĩ Tình lại xúc động, niềm xúc động sâu sắc của một người làm nghề y.
Bảy bệnh nhân nặng họ không ra đi cùng lúc vì diễn biến bệnh của mỗi bệnh nhân khác nhau. Bác sĩ bảo rằng, lúc cấp cứu cho bệnh nhân bị sốc phản vệ, nhiều điều dưỡng nữ khóc và bản thân anh cũng phải trấn an để các nữ điều dưỡng ấy có thể thể hiện sự quyết tâm hơn sự bi quan.
“Những người bệnh họ vừa nói chuyện với chúng tôi nhưng chỉ trong chốc lát đã đột ngột ra đi. Ngay bản thân tôi cũng nghĩ đó là giấc mơ, là cơn ác mộng. Nhưng đó lại là cơn ác mộng có thật và sự thật mà mình phải chấp nhận”, Ths.BS Hoàng Công Tình trải lòng.
Cũng theo bác sĩ Tình, từ sau khi xảy ra sự việc tới giờ phút này, chưa có bất cứ phản ứng tiêu cực nào từ phía người nhà bệnh nhân.
“Người nhà có thể trách móc, có thể hỏi về chuyên môn, có thể phản ứng cảm xúc mạnh nhưng họ chưa nói với tôi câu nào nặng lời”, Ths.BS Hoàng Công Tình nói thêm.
Khi được hỏi về nỗi lo của mình với những bệnh nhân bị sốc phản vệ đã qua cơn nguy kịch và chuyển xuống bệnh viện Bạch Mai tiếp tục theo dõi, điều trị cũng như bệnh nhân đang có diễn biến nặng nằm cấp cứu tại khoa Hồi sức tích cực của bệnh viện, bác sĩ Tình cho hay, bản thân bác sĩ còn đang lo bệnh nhân của mình làm sao có thể về đây chạy thận.
“Có lẽ họ đang cần và nhớ tôi, nhớ những cái bắt tay với bác sĩ Tình mà như một thói quen khi hai bên gặp nhau phải thể hiện.
Hôm nay, tôi cũng phải làm tư tưởng cho số bệnh nhân chạy thận chu kỳ được chuyển xuống Hà Nội để được hỗ trợ việc lọc máu. Bởi lẽ, số ít trong số họ muốn đi. Có 2 bệnh nhân nhất định không đi, chúng tôi phải liên hệ với bệnh viện Đa khoa thành phố Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) để 2 người đó có thể lọc ca 4 (ca đêm – PV).
Chúng tôi chưa tìm hiểu nguyên nhân tại sao họ không muốn đi mà chỉ biết họ nói một câu chung: “Bác sĩ cho tôi ở lại”. Sự việc hôm qua tôi thấy hụt hẫng và mất mát lớn nhưng tôi có nguyên tắc để giữ cảm xúc cho riêng mình. Hơn nữa, người bác sĩ làm hồi sức tích cực không được phép lưu lại những hình ảnh ám ảnh mình", Ths.BS Tình trải lòng.
Nguyễn Huệ