Những ngày gần đây, số lượng trẻ nhiễm Covid-19 gia tăng nhanh chóng, nhiều phụ huynh hoang mang, không biết nên chăm sóc, cho trẻ uống thuốc điều trị như thế nào cho phù hợp. Thạc sĩ, Bác sĩ Đỗ Thị Thái, Khoa Nhi - Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn đã chỉ ra một số lời khuyên hữu ích cho phụ huynh.
Những hiểm họa từ Covid-19 với trẻ
Thưa bác sĩ, trẻ sau khi mắc covid nhập viện thường có những biểu hiện gì? Những ngày qua, số lượng trẻ đến bệnh viện điều trị Covid-19 có tăng lên?
Thạc sĩ, Bác sĩ Đỗ Thị Thái: Hiện tại, Phòng khám Nhi – Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn tiếp nhận khá nhiều trẻ đến khám vì những vấn đề sau nhiễm Covid-19 và số lượng trẻ đến khám ngày càng tăng theo sự gia tăng của số ca nhiễm Covid.
Trẻ thường đến khám với các biểu hiện như: Cảm thấy khó thở hoặc mệt ngực sau khi vận động mạnh, tức ngực và hồi hộp, ho kéo dài, khò khè, cảm thấy mệt mỏi và ăn uống kém, đau đầu, mất ngủ, kém tập trung, … Một số ít trẻ đến khám và nhập viện vì sốt cao liên tục kéo dài và được chẩn đoán là hội chứng viêm đa cơ quan liên quan đến Covid-19, đây là một bệnh lý tuy hiếm gặp nhưng là một hậu quả nặng nề của nhiễm Covid-19, cần chẩn đoán và điều trị sớm.
Khác với người lớn, trẻ em bị nhiễm Covid-19 thường có triệu chứng nhẹ hơn và hồi phục nhanh hơn. Do đó, trẻ sẽ ít gặp những di chứng nặng sau nhiễm Covid-19, đặc biệt là nhiễm Covid-19 nghiêm trọng cần điều trị tại đơn vị hồi sức tích cực như rối loạn chức năng hô hấp (giảm độ khuếch tán phổi, hạn chế dung tích phổi; bất thường hình ảnh học, xơ phổi, giãn phế quản trên CT scan ngực), tăng men tim kéo dài, rối loạn đường huyết, rối loạn hormon giáp, giảm độ lọc cầu thận; rối loạn chức năng tâm thất qua siêu âm tim…
Tuy nhiên, trẻ em phải đối mặt với một hậu quả nặng nề khác là bệnh lý viêm đa cơ quan sau nhiễm Covid (MIS-C). Bệnh lý này có thể xảy ra ở cả những trẻ bị nhiễm Covid nhẹ hoặc không có triệu chứng. Tỷ lệ khoảng 1/3000-4000 trẻ, xảy ra khoảng 2-6 tuần sau nhiễm Covid.
Theo Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) thì tình trạng hậu Covid-19 ở trẻ em có thể bao gồm các vấn đề sau:
- Vấn đề về hô hấp: Ho, đau ngực, khó thở. Các triệu chứng này có thể kéo dài 3 tháng hoặc lâu hơn.
- Vấn đề về tim mạch: Các triệu chứng của viêm cơ tim có thể xảy ra, bao gồm: Đau ngực, khó thở, nhịp tim không đều và mệt mỏi.
- Mùi và vị: Khoảng 1/4 trẻ em từ 9-10 tuổi bị thay đổi mùi, vị giác kéo dài vài tuần sau nhiễm Covid.
- Các vấn đề về tâm lý và thần kinh: Trẻ em đã từng bị Covid-19 có thể có những thay đổi nhỏ về chú ý, ngôn ngữ, vận động và tâm trạng, đau đầu, đãng trí hơn, giảm khả năng chú ý, học tập khó khăn hơn.
- Mệt mỏi về thể chất: Trẻ có thể dễ mệt mỏi hơn và sức chịu đựng khi hoạt động kém hơn, ngay cả khi không có các tổn thương về tim mạch hoặc hô hấp do virus gây ra.
- Hội chứng viêm đa hệ cơ quan ở trẻ em (MIS-C): Trẻ có biểu hiện sốt cao liên tục > 24 giờ kèm tổn thương nhiều cơ quan trong cơ thể bao gồm tim, phổi, thận, não, da, mắt, các cơ quan tiêu hóa.
- Các triệu chứng của bệnh đái tháo đường: Đi tiểu thường xuyên, trẻ hay khát nước, nhanh đói, giảm cân, mệt mỏi, buồn nôn, nôn, đã được báo cáo ở một số trẻ em mắc Covid-19.
Phụ huynh cần đồng hành cùng con
Bác sĩ khuyến cáo gì cho phụ huynh khi có trẻ mắc Covid-19, nhất là trước tình hình số trẻ mắc nhiều, phụ huynh hoang mang, lo lắng?
Thạc sĩ, Bác sĩ Đỗ Thị Thái: Hầu hết trẻ em bị nhiễm Covid-19 sẽ có biểu hiện nhẹ hoặc không triệu chứng, đặc biệt là ở trẻ đã tiêm vắc-xin.
Nên điều đầu tiên bác sĩ khuyên các bậc phụ huynh là cần đồng hành cùng con vượt qua dịch bệnh, hết sức bình tĩnh, không hoang mang và lạc quan, cố gắng giảm bớt căng thẳng cho phụ huynh và trẻ, đặc biệt là những trẻ độ tuổi vị thành niên (lứa tuổi rất dễ tác động về mặt tâm lý và dễ stress). Nghỉ ngơi, tập thể dục nhẹ nhàng tuỳ sức, uống nhiều nước, ăn đầy đủ dinh dưỡng. Liên hệ với cơ sở y tế hoặc bác sĩ để được hướng dẫn sử dụng thuốc và theo dõi các triệu chứng tại nhà và những dấu hiệu cần nhập viện.
Sau khi trẻ mắc Covid-19, phụ huynh cần chăm sóc trẻ tại nhà như thế nào cho hiệu quả nhất?
Thạc sĩ, Bác sĩ Đỗ Thị Thái: Sau khi trẻ đã khỏi Covid, cơ thể sẽ hồi phục dần, trẻ có thể trở lại các hoạt động thường nhật, đến trường, tham gia các hoạt động thể chất. Tuy nhiên, vừa trải qua một đợt bệnh, cơ thể cần thời gian để hồi phục, do đó phụ huynh cần tiếp tục giúp trẻ bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, hoạt động thể lực nhẹ nhàng tăng dần, không nên vì quá vui sau khi đã hết bệnh mà hoạt động quá sức, giữ tinh thần thoải mái, và ngủ đủ.
Một số vấn đề như ho, chảy mũi, mệt mỏi, chán ăn, còn mất mùi mất vị, đau đầu, giảm tập trung, cảm giác khó thở hoặc mệt ngực khi vận động mạnh, … sẽ hết sau vài tuần.
Tuy nhiên, phụ huynh cần theo dõi sát trẻ, nếu các triệu chứng kéo dài hơn 4 tuần hoặc trẻ cảm thấy đau ngực nhiều, khó thở nhiều hoặc khó thở cả khi nghỉ ngơi, hoặc sốt cao liên tục >= 24h, trẻ mệt và li bì thì cần đưa trẻ đi khám ngay.