Xem xét, nâng cao trình độ đào tạo chức danh y sĩ
Bên hành lang Kỳ họp thứ 3, dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được các đại biểu Quốc hội quan tâm nhiều về 2 vấn đề, đó là cơ chế tài chính y tế và cơ chế tự chủ bệnh viện.
Trước thực tế cơ chế tài chính y tế nhiều bất cập, bệnh viện phải tự trả lương cho y, bác sĩ, bên lề kỳ họp, Người Đưa Tin (NĐT) đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Nguyễn Thị Thu Dung, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình (Đoàn Thái Bình).
NĐT: Thưa đại biểu, Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đang được lấy ý kiến của các vị ĐBQH tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Theo bà, việc sửa đổi luật lần này cần khắc phục những điểm gì?
ĐBQH Nguyễn Thị Thu Dung: Theo tôi, dự án Luật lần này cần quan tâm hơn nữa, cần có những chính sách hơn nữa đối với tuyến y tế cơ sở.
NĐT: Vấn đề đại biểu vừa nhắc đến là y tế cơ sở, chúng ta cũng nhìn nhận rõ thực trạng của y tế cơ sở hơn khi mà trải qua 2 năm dịch Covid-19. Vậy, theo bà dự án Luật lần này có lấp được những lỗ hổng về chất lượng khám, chữa bệnh ở tuyến cơ sở hay không?
ĐBQH Nguyễn Thị Thu Dung: Dự án Luật lần này đã đề cập đến vấn đề phát triển y tế cơ sở, tuy nhiên như vậy vẫn chưa đủ và cần quan tâm hơn nữa, cần có những chính sách hơn nữa đối với tuyến y tế cơ sở.
Mặc dù, vấn đề phát triển y tế tuyến cơ sở đã được Đảng và Nhà nước quan tâm. Nhưng, trong việc khám chữa bệnh cần được nghiên cứu, có những chỉ điểm cụ thể hơn để tạo điều kiện cho y tế cơ sở thật sự phát triển.
NĐT: Theo đại biểu, để thực sự phát triển y tế cơ sở thì điều quan trọng nhất cần phải làm là gì?
ĐBQH Nguyễn Thị Thu Dung: Theo tôi, ngoài những chính sách đầy đủ, đồng bộ, tương đối thì trong việc khám chữa bệnh phải làm sao có thể nghiên cứu những chính sách cụ thể hơn, sát hơn vào tính thực thi của chính sách đối với y tế cơ sở.
Ngoài việc tập trung đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị thì vấn đề con người, lực lượng cán bộ y tế trong tuyến y tế cơ sở phải đảm bảo đồng bộ và đầy đủ.
NĐT: Theo nội dung của dự án Luật có nêu, không cấp mới giấy phép hành nghề cho đối tượng là y sĩ từ ngày 1/1/2025 nhưng vẫn cho phép: Y sĩ đã được cấp chứng chỉ hành nghề theo Luật năm 2009 tiếp tục hành nghề trọn đời; Lực lượng vũ trang tiếp tục được tuyển dụng, sử dụng y sĩ để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ của lực lượng vũ trang và của người dân tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, ý kiến của đại biểu như thế nào về nội dung này?
ĐBQH Nguyễn Thị Thu Dung: Cơ quan soạn thảo đề nghị ngừng cấp chứng chỉ hành nghề, theo tôi vấn đề này cần được cần tính toán lại. Đặc biệt, qua đại dịch Covid-19 vừa rồi, chúng ta thấy hiện nay, y tế cơ sở đang thiếu rất nhiều về số lượng, cán bộ y tế yếu về chất lượng.
Hiện nay, y sĩ là những người đang hoạt động rất tích cực ở tuyến này. Không những thế, tất cả các cơ quan, xí nghiệp, trường học đều thiếu nhân lực y tế, đối tượng y sĩ.
Tuy nhiên, cũng phải nhận định một điều, y sĩ đào tạo trong vòng 2-3 năm như trước đây sẽ không đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.
Vấn đề đặt ra, không phải ngừng cấp chứng chỉ hành nghề đối với đối tượng y sĩ, tức là cũng đồng nghĩa với bỏ chức danh này, mà phải xem xét, nâng cao trình độ đào tạo đối với chức danh y sĩ, để họ đáp ứng được nhu cầu trong tình hình thực tế hiện nay.
Tôi khẳng định một lần nữa, đây là lực lượng rất cần thiết trong bối cảnh mà chúng ta không đảm bảo được nhân lực bác sĩ cho tuyến y tế cơ sở như hiện nay.
Cải cách chế độ tiền lương
PV: Thêm một vấn đề được dư luận quan tâm đó là xã hội hóa trong các cơ sở y tế, theo bà trong thời gian tới việc thực hiện xã hội hoá y tế và các bệnh viện tự chủ thì cần kiểm soát như thế nào để đạt được hiệu quả? Bởi, có những tình trạng như: Bệnh viện Tuệ Tĩnh không có đủ tiền để trả lương cho cán bộ công nhân viên. Bên cạnh đó, cũng có những bệnh viện lớn lại xảy ra tình trạng ép người dân sử dụng dịch vụ y tế theo yêu cầu.
ĐBQH Nguyễn Thị Thu Dung: Về việc xã hội hoá trong các cơ sở y tế, đặc biệt là việc tự chủ trong các cơ sở y tế hiện nay thì xu hướng tự chủ là đúng. Tuy nhiên, hành lang pháp lý của tự chủ hoàn toàn là thiếu, bởi vậy các cơ sở tự chủ rất khó khăn.
Ví dụ, xã hội hoá y tế nếu là chính sách thì rất đúng, nhưng cách thực hiện do thiếu hành lang pháp lý nên dẫn đến những sai phạm.
Giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng, tính đủ cộng thêm việc tự chủ, đặc biệt là lương cán bộ y tế cũng nằm trong giá dịch vụ y tế. Qua đó, dẫn đến việc người ta sẽ tìm mọi cách để đảm bảo đủ lương của cán bộ y tế.
Vì thế, theo quan điểm của tôi vấn đề này cần xem xét lại. Các dịch vụ y tế cũng như giáo dục là vấn đề an sinh xã hội và Nhà nước cần đảm bảo rõ ràng.
Nghề y là nghề đặc biệt, nên việc tuyển dụng, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ phải đặc biệt. Như bác sĩ, học trong 6 năm, thực hành đào tạo 8 tháng. Chưa kể học chuyên khoa thì có chuyên khoa 1, chuyên khoa 2… nhưng bậc lương vẫn tính theo ngành nghề khác. Rõ ràng không tương xứng. Như việc bác sĩ kê đơn thuốc là sử dụng rất nhiều chất xám chứ không phải cứ kê lên là được.
NĐT: Như bà nói thì mức lương ở đây chưa tương xứng. Vậy, cần có giải pháp như thế nào để cho mức lương phù hợp hơn với trình độ, năng lực mà đội ngũ y bác sĩ bỏ ra trong suốt quá trình học tập cũng như hành nghề?
ĐBQH Nguyễn Thị Thu Dung: Theo tôi, cải cách chế độ tiền lương đối với ngành y nói chung và đối với cán bộ y tế công tác ở vùng khó khăn như miền núi, hải đảo nói riêng phải có những chính sách rõ ràng.
Trước tiên, họ phải có thu nhập đủ sống và đủ lo cho gia đình thì mới yên tâm công tác, khi bác sĩ có thu nhập đủ thì mọi tiêu cực khác liên quan sẽ được loại bỏ, bác sĩ sẽ chuyên tâm vào việc khám chữa bệnh.
NĐT: Xin cảm ơn đại biểu.
Hoàng Bích - Minh Tuyết