"Bác sĩ" của đàn cò

"Bác sĩ" của đàn cò

Thứ 5, 27/12/2012 23:46

Gần 30 năm chung sống với đàn cò, ông hiểu hết những tập tính sinh sống của từng loài nên công tác chữa trị khi cò bị ốm, bị bỏ rơi, mắc nạn... rất thành thục.

Ông nông dân mát tay

Ông Nguyễn Ngọc Thuyền rất hiểu tập tính sinh hoạt của từng loại cò như vậy nên ông là người đang nắm trong tay rất nhiều phương pháp chữa trị cho cò mỗi khi mắc bệnh hoặc gặp phiền toái do nạn săn bắn.

Ông Thuyền cho hay: "Cò là loài tham ăn nhưng nhát lắm. Chúng thường kiếm ăn trên những cánh đồng rộng hoặc những nơi ít người qua lại. Nhưng chúng vẫn không tránh khỏi sự khôn ngoan của những kẻ đi săn. Con nào may mắn lắm thì bay về được nơi trú ngụ rồi cũng chết vì vết thương do mắc phải lưỡi câu. Con nào không thì bị người ta bắt nhốt, đem bán và làm thịt. Nhiều bữa chúng mang về cả lưỡi và dây câu còn dính trên miệng. Đặc biệt là cò nhạn, vì là loài to nhất, sải cánh rộng, sức bay khỏe nên nhiều khi bị mắc câu nó tha về luôn cả cần...".

Pháp luật - 'Bác sĩ' của đàn cò

Ông Nguyễn Ngọc Thuyền chủ nhân của vườn cò

Gần 30 năm gắn bó với đàn cò, ông Thuyền tận mắt chứng kiến không biết bao nhiêu cái chết của cò. Xót xa cực độ nhưng ông cũng chỉ biết đứng nhìn. Sau này, ông tìm hiểu nguyên nhân, rồi nảy ra cách chữa trị cho những con cò không may bị nạn ấy. "Suốt những năm qua, ngày nào tôi cũng phải đi một vòng quanh vườn để xem có con cò nào mắc câu không. Nếu có, phải cầm cây vợt (tự chế), vợt chúng xuống mà gỡ mắc câu ra, rồi lại thả chúng về với bầy đàn". Có những trường hợp đặc biệt nặng, cò mắc bẫy nuốt cả lưỡi câu vào trong diều tưởng chừng như không thể cứu chữa. Bằng kinh nghiệm và tình yêu đàn cò, ông Thuyền nghĩ ra cách mà từ trước tới nay chưa ai từng làm.

Theo ông, để lấy được lưỡi câu mắc trong diều của con cò, phải lấy tàu lá của cây đu đủ, bắt cò há miệng rồi từ từ đút tàu lá đu đủ vào theo cuống họng. Lúc này phải khéo léo và phải làm cẩn thận, vì chỉ cần một va chạm mạnh cũng có thể khiến cò bị tổn thương. Cứ thế làm cho tới khi tàu lá đu đủ chạm vào đầu lưỡi câu, khi lưỡi câu dính rồi thì phải ấn cho sâu, chắc chắn rồi mới kéo tàu lá ra từ từ, lưỡi câu sẽ theo tàu lá ra ngoài. Những con cò bị tổn thương nặng nên phải nhốt lại, chăm sóc vài ngày cho tới khi nó có thể tự mổ được thức ăn thì mới thả đi.

Do nạn săn bắn cò hoành hành ngày một tăng, trong vườn cò nhà ông Thuyền có rất nhiều trường hợp cò con bị mồ côi. Bởi khi sinh sản, cò mẹ thường kiếm ăn ở những nơi gần tổ để thuận tiện cho việc tha mồi về nuôi cò con. Mặt khác, thời kỳ này cò mẹ ham kiếm ăn nên bị trúng bẫy nhiều. Vì thế, cứ đến mùa sinh sản của cò, ông Thuyền thường xuyên kiểm tra, ngắm nhìn từ ổ để theo dõi. Nếu thấy cò mẹ không về chăm sóc cò con nữa thì đồng nghĩa với việc nó đã chết. Với những trường hợp như thế, ông phải trèo cây, bắt cò con về để thực hiện nghĩa vụ làm cha, làm mẹ thay chúng.

Ông tâm sự: "Với cò mồ côi, thông thường tôi phải nuôi chúng tới khi nào chúng biết tự mổ cá. Khi đó, cò mới thực sự sinh sống được ngoài môi trường tự nhiên".

"Yêu" quá cũng dễ chết

Ngoài nguyên nhân cò mẹ bị săn bắn ra, ông Thuyền còn kể cho chúng tôi nghe vô số nguyên nhân khác nữa dẫn tới việc cò con bị mồ côi. Vấn đề bênh con của cò mẹ cũng là nguyên nhân dẫn đến những cái chết thương tâm nhất. Chúng mổ nhau tới khi nào kiệt sức mới thôi, thế là bỏ lại cò con côi cút... Song, chuyện cò cái bị cò đực "đạp" chết nhiều làm chúng tôi ngỡ ngàng nhất.

Nghe ông Thuyền giải thích, chúng tôi đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Ông Thuyền cho hay: "Vào mùa sinh sản, vì số lượng đông nên cò thường phải làm tổ gần nhau, mỗi tổ cò cái đẻ từ 2-4 trứng, rồi ấp. Trong quá trình cò cái ấp trứng, cò đực luôn đứng bên cạnh để canh chừng.

Chính vì điều này nên các con cò đực có thời gian ngắm nghía, rồi ưng ý cò cái khác mà dẫn đến ghen tị với nhau. Chúng sẵn sàng tấn công để "đạp" con cái bên cạnh mặc cho nó đang thời kỳ ấp trứng, cũng mặc luôn con đực đang đứng đó canh chừng. Thấy vậy, cò đực có cò cái bị đạp sẽ xông tới bảo vệ, mổ nhau cho đến chết, nhiều khi chiến thắng thuộc về kẻ tấn công, và cả cò bố lẫn cò mẹ đều bị thương nặng, không còn khả năng chăm sóc trứng (hoặc cò con), hệ quả của việc này dẫn đến cò con bị mồi côi, không ai chăm sóc... Nhiều khi tôi còn phải mang trứng về nhà nhờ gà mái ấp giùm, khi nào nở thì mang cò con ra chỗ khác chăm sóc". Ông cho biết thêm, nếu nuôi khoảng 20 con cò con như thế, sự vất vả còn hơn nuôi cả đàn lợn.

Đăng Văn - Nguyễn Việt


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.