Báo Thanh Niên có bài phỏng vấn vị bác sĩ nổi tiếng “bất đắc dĩ” vì đã dùng bia để cứu bệnh nhân ngộ độc rượu hồi cuối năm ngoái - BS Lê Văn Lâm (Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị).
Hơn 2 tháng, sau khi nổi tiếng bất đắc dĩ với phương pháp dùng bia để cứu bệnh nhân bị ngộ độc rượu, bác sĩ Lâm vẫn nói lúc đó ông chỉ nghĩ đến việc cứu người, chứ không nghĩ về hậu quả nếu... thất bại.
Nói về cơ sở khoa học của phương pháp điều trị nói trên, bác sĩ Lâm cho biết, không phải là ngộ độc rượu vì rượu có nhiều loại, ở đây là cồn công nghiệp. Rượu mình uống là rượu thực phẩm là Etylic.
Ngoài ra có nhiều rượu khác. Rượu bệnh nhân ngộ độc là rượu Methanol cái đó mới ngộ độc. Đương nhiên về mặt khoa học thì ngộ độc các loại rượu Methanol thì mình dùng chất đối kháng là Etylic. Vấn đề là phải dùng Etylic để làm đối kháng lại ngộ độc kia. Còn lúc sử dụng bia, chúng tôi không phải sử dụng bia, chỉ là cái tên gọi thôi. Mục tiêu của mình là lấy Etylic từ trong bia. Cái bệnh nhân cần là Etylic.
Hay nói rõ hơn, khi có Etylic gan sẽ ưu tiên chuyển hóa Etylic, ngưng chuyển hóa Methanol (Metylic, thứ sẽ cho ra Andehit Formic, ở hàm lượng cao sẽ gây ngộ độc, nguy cơ tử vong rất cao), điều đó có đủ thời gian cho việc lọc máu.
Trước đó, như báo Người Đưa Tin đã đưa tin, ngày 25.12.2018, ông N.V.N (trú xã Triệu Độ, H.Triệu Phong, Quảng Trị) được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị do bị ngộ độc rượu, nguy kịch. Các bác sĩ đã làm xét nghiệm và dựa vào biểu hiện lâm sàng chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc methanol có trong rượu.
Để cứu bệnh nhân, ê kíp của bác sĩ Lâm đã truyền 15 lon bia (khoảng 5 lít) kết hợp việc lọc máu, điều trị tích cực, đến sáng 26/12/2018 (sau 24 giờ) bệnh nhân Nhật tỉnh và được xuất viện.
Cách điều trị của thạc sĩ - BS Lê Văn Lâm (Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị) đã tạo nên "cơn sốt" trong dư luận vào thời điểm đó. Thậm chí có báo nước ngoài còn dẫn lại câu chuyện này và Bộ Y tế phải tổ chức họp báo, nói lại cho rõ.
Báo VnExpress thông tin thêm, hôm 9/1/2019, sau khi bệnh nhân Nhật xuất viện, bác sĩ Lâm chia sẻ với báo chí một phần lý do là vì Bệnh viện Quảng trị không có sẵn ethanol : "Bệnh viện Quảng Trị không có sẵn chế phẩm ethanol y tế, tình trạng bệnh nhân lại đang nguy kịch. Chúng tôi phải nhanh chóng quyết định, dùng rượu hoặc bia có ethanol để giải độc, kết hợp lọc máu mới cứu được".
H.Y (tổng hợp)