Thông tin ban đầu trên báo Hà Tĩnh vào lúc 9h ngày 3/6, Trung tâm Y tế huyện Can Lộc tiếp đón bệnh nhân T.H.P. 5 tuổi, thị trấn Nghèn, Can Lộc) vào khám với triệu chứng sốt đơn thuần.
Tại viện cháu P. được các bác sĩ ở liên chuyên khoa nội soi tai – mũi – họng kiểm tra và phát hiện 1 cục tẩy (đồ dùng học tập) màu hồng chèn gần hết ống tai.
Ngay sau đó, các bác sĩ đã tiến tiến hành gắp dị vật ra khỏi tai. Hiện cháu T.H.P. đang được tiếp tục điều trị và theo dõi tại bệnh Trung tâm Y tế huyện Can Lộc.
Theo các bác sĩ tại Trung tâm Y tế huyện Can Lộc, cục tẩy nằm trong tai cháu P. từ lâu nên đã bị ẩm mốc, giãn nở che hết ống tai và gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của cháu.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh nên thường xuyên quan tâm chăm sóc, theo dõi, vệ sinh sạch sẽ các bộ phận trên cơ thể trẻ nhỏ, tránh những trường hợp tương tự.
Trước đó ở Hà Tĩnh cũng có một cháu bé bị dị vật rơi vào tai. Theo Đại Đoàn Kết bé gái 12 tuổi bị đau tai, chạy dịch kèm theo đau đầu. Sau khi thăm khám mới phát hiện một con gián đang còn sống chui vào tai.
Cháu bé được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, đơn vị vừa gắp thành công con gián còn sống chui vào tai một bé gái 12 tuổi.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, để ngăn ngừa nguy cơ côn trùng chui vào tai, mũi, người dân chú ý, trước khi đi ngủ cần mắc màn và thường xuyên vệ sinh sạch sẽ nhà cửa và chăn màn, chiếu; chủ động phun các thuốc diệt muỗi, côn trùng quanh khu vực sinh sống.
Trẻ nhét dị vật vào tai và nguy hiểm khôn lường
Thông thường với tính hiếu động và còn chưa ý thức được tầm nguy hiểm do những hành động của mình gây ra, trẻ nhỏ thường hay nhét đồ vào tai, vào mũi. Trong đó, dù được đánh giá là ít nguy hiểm hơn, nhưng việc trẻ nhét dị vật vào tai hiện nay khá phổ biến.
Những đồ vật trẻ hay nhét vào tai thường là những đồ vật xung quanh trẻ như: các mảnh đồ chơi của trẻ, đất nặn, giấy,… Trẻ khi lớn hơn một chút, trong quá trình học bài cũng thường có thói quen dùng các dụng cụ học tập chọc vào tai như eke, bút,….
Trong một số tình huống, trẻ sử dụng tăm bông ngoáy tai, khăn giấy ngoáy tai và cũng có thể bị tai nạn khiến các dị vật này bị giữ lại. Có thể nói, rất nhiều tình huống trẻ tự nhét dị vật vào tai.
Theo bệnh viện Thu Cúc, dị vật trong tai trẻ có thể là vấn đề bình thường, nếu được lấy ra ngay thì không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên những dị vật có tính nguy hiểm như pin, nam châm khi để lâu trong tai trẻ có thể gây những phản ứng hóa học và khiến tai đối mặt với nhiều vấn đề như viêm nhiễm, chảy máu,… Ngoài ra, các dị vật sắc nhọn có thể đâm sâu vào trong tai trẻ, gây thủng màng nhĩ…
Trúc Chi (t/h)