Bác sĩ ‘giỏi nhất Đông Nam Á’ càng mổ càng liệt

Bác sĩ ‘giỏi nhất Đông Nam Á’ càng mổ càng liệt

Thứ 4, 04/09/2013 16:32

Mổ với hy vọng khỏi bệnh nhưng thực chất, ông lại trả giá bằng cả đôi chân.

 Chữa lợn lành thành lợn què?

Ông Nguyễn Văn Nghệ (55 tuổi) là giám đốc một công ty TNHH nước uống tinh khiết ở quận Thủ Đức, TP.HCM. Ngay từ nhỏ, ông Nghệ đã bị một khối u mỡ nhỏ bẩm sinh ở vùng thắt lưng. Khối u này lớn dần theo thời gian khiến người đàn ông này vô cùng lo sợ và đến nhiều bệnh viện để khám. Một số nơi, trong đó có bệnh viện chấn thương chỉnh hình cho biết, đây là u lành tính, thời gian lâu nữa mới ảnh hưởng đến tính mạng, đồng thời đưa ra lời khuyên, không nên động đến dao kéo, vì có thể để lại hậu quả nghiêm trọng.

Mặc dù vậy, sự lo sợ vẫn hiện hữu trong lòng nên vào đầu năm 2005, ông Nghệ tìm một bệnh viện khác. Bác sĩ ở đây cho biết không thể chữa trị khối u này được và giới thiệu đến bác sĩ, tiến sĩ nổi tiếng Võ Xuân Sơn, lúc đó, đang công tác tại bệnh viện Chợ Rẫy. Nghe đến danh tiếng vị bác sĩ nổi tiếng, ông Nghệ liền tìm đến.

Sau một hồi kiểm tra, xem xét, trò chuyện, ông Sơn lên lịch hẹn vói ông Nghệ tại phòng khám riêng của mình. Lúc này, ông Sơn khẳng định, mình là bác sĩ giỏi nhất Đông Nam Á về bệnh mà ông Nghệ đang mang. Nghe đến đây, ông Nghệ vui mừng như kẻ chết đuối bắt gặp phao. Sau đó, ông Sơn tư vấn và khuyên ông Nghệ nên phẫu thuật cắt bỏ khổi u.

Phẫu thuật lần đầu xong, ông Nghệ cảm giác khỏe hơn trước một tí. Tuy nhiên, niềm vui mừng chưa kịp ráo mồ hôi thì ông cảm nhận đôi chân khó điều khiển, yếu ớt hơn rất nhiều. Nghi ngờ có điều gì đó không hay xảy ra, ông Nghệ vội vàng quay lại tìm đến bác sĩ.

Lúc này, ông Sơn lại khám, tư vấn và khuyên ông Nghệ nên phẫu thuật lần hai. Qúa lo lắng cho sức khỏe của mình, ông Nghệ đành vay mướn tiền khắp nơi được 40 triệu nộp cho ông Sơn để đến bệnh viện STO Phương Đông phẫu thuật. Không như lần trước, lần phẫu thuật thứ hai, ông Nghệ tự cảm nhận không thành công và đôi chân trở nên khó kiểm soát.

Được sự tư vấn của ông Sơn, ông Nghệ đến một trung phục hồi chức năng điều trị nhưng cũng không thành công. Sau đó, nhận được lời khuyên của ông Sơn, ông Nghệ quay lại bệnh viện STO để điều trị. Lúc này, đôi chân của ông Nghệ bỗng nhiên bị liệt luôn. Sau đó, ông Sơn “lơ” dần. Ông Nghệ nhận thấy có dấu hiệu không hay nên yêu cầu vị bác sĩ bồi thường, hỗ trợ kinh phí mình chữa trị nhưng không được. Cuối cùng, ông đã viết đơn kiện vị bác sĩ này.

Gia đình - Bác sĩ ‘giỏi nhất Đông Nam Á’ càng mổ càng liệt

Ông Nghệ nay đã trở nên tàn phế

Sự thật ở đâu?

Sáng 4/9.2013, TAND TP.HCM đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ kiện của ông Nghệ. Cả ông Nghệ và ông Sơn đều ủy quyền người khác đến tham dự phiên tòa, bên cạnh đó còn có đại diện của bệnh viện STO.

Đại diện của ông Nghệ cho biết, trước đây, ông Nghệ là một giám đốc, nhưng vì bị bại liệt nên phải dừng kinh doanh từ năm 2009. Trước đây thu nhập mỗi tháng lên đến chục triệu đồng, nhưng nay thì trở thành gánh nặng của gia đình, chỉ ngồi xe lăn, không vệ sinh được. Bên cạnh đó, cũng vì đôi chân tật nguyền, ông đành bán căn nhà mặt tiền chuyển vào hẻm sâu. Nợ nần của gia đình cũng trở thành con số khổng lồ.

Trong phiên tòa hôm nay, phía ông Nghệ không đòi bồi thường với con số 2,6 tỷ đồng như cấp sơ thẩm mà chỉ là 200 triệu đồng. Người này nói: “Thời gian trôi qua quá lâu, chúng tôi cũng muốn mọi chuyện chấm dứt. Đến lúc này, chúng tôi không muốn khẳng định ai sai, ai đúng. Cũng vì bệnh tật, ông Nghệ đã tán gia bại sản, bị thiệt hại cả về vật chất lẫn tinh thần quá lớn. Chỉ mong phía ông Sơn mở lòng từ bi, giúp đỡ cho ông Nghệ một số tiền để sống tiếp”.

Đại diện của ông Sơn đến phiên tòa với áo sơ mi trắng đóng thùng quần tây một cách nghiêm chỉnh. Vị này cho biết, trước đây, trong phiên tòa sơ thẩm, chỉ chấp nhận “hỗ trợ” (không phải bồi thường) 15 đến 30 triệu đồng. Ông này cũng cho biết, trước khi mổ, ông Sơn đã tư vấn đúng như nhiệm vụ của mình. Bên cạnh đó, ông khẳng định: “Ông Sơn là bác sĩ nổi tiếng, chỉ vì chuyện này mà phải lên mặt báo, mang danh không tốt, mất rất nhiều danh dự”.

Phía bị đơn chấp nhận tăng tiền “hỗ trợ” cho bị hại lên 100 triệu đồng nếu ông Nghệ viết đơn khẳng định ông Sơn không có lỗi và tăng lên 130 triệu đồng nếu ông Nghệ xin lỗi. Tất cả những điều này chỉ cùng một lý do là: “Lấy lại danh dự cho ông Sơn”. Tuy nhiên, phía nguyên đơn cũng không chấp nhận xin lỗi.

Sau một hồi xét xử, HĐXX nhận định, ở phiên sơ thẩm đã mắc nhiều sai phạm nghiêm trọng luật tố tụng dân sự nên quyết định hủy bản án sơ thẩm, trao trả toàn bộ hồ sơ cho TAND quận 10 xét xử lại từ đầu.

Theo Tri thức thời đại

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.