“Tết mà như không Tết”
Trò chuyện với chúng tôi là Ths.Bác sĩ Phạm Thế Thạch, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực bệnh viện Bạch Mai – người đã có 13 năm gắn bó với nghề y. Bác sĩ Thạch nói rằng công việc của các bác sĩ tại khoa Hồi sức tích cực là ngày đêm chiến đấu với tử thần, chạy đua với thời gian để giành lại sự sống cho bệnh nhân.
“Là bệnh viện tuyến cuối của ngành, tiếp nhận nhiều bệnh nhân nặng, mắc các bệnh hiểm nghèo... nên cường độ làm việc của các bác sĩ lúc nào cũng ở mức cao. Nhưng, cứ đến dịp Tết là những người làm nghề y lại có những cảm xúc khó tả, đặc biệt những người làm ở ngoại khoa chấn thương gần như Tết mà không có Tết”, bác sĩ Thạch cho biết.
Chia sẻ về cường độ trực Tết, bác sĩ Thạch cho hay: “Với những người làm một số ngành nghề khác Tết thì được nghỉ, nhưng với những bác sĩ trực Tết lại không có ngày nghỉ Tết trọn vẹn. Ngày Tết các đơn vị đều nghỉ, duy chỉ có bệnh tật là không nghỉ ốm, Thứ Bảy, Chủ Nhật cũng không nghỉ ốm nên thầy thuốc phải trực, kể cả Tết.
Một ca trực Tết của chúng tôi bắt đầu trong khoảng 12 giờ đồng hồ, hết ca trực trở về nhà nghỉ ngơi là cũng hết một ngày. Bởi, trong ngày Tết, lực lượng bác sĩ làm việc mỏng, bởi ai cũng muốn được nghỉ ngơi sau một năm làm việc vất vả”.
Hơn 10 năm công tác trong ngành y, bác sĩ Thạch cho hay, trực Giao thừa tại bệnh viện thì hai- ba năm bác sĩ thay nhau luân phiên, còn trực các ngày mùng 1, mùng 2 Tết... thì năm nào hầu như vị bác sĩ này cũng tham gia trực Tết.
Ấm lòng tình cảm anh em ruột chăm nhau ngày Tết
Bác sĩ Thạch nhớ lại: “Đến bây giờ, đã 7-8 năm trôi qua, tôi vẫn nhớ câu chuyện của một bệnh nhân nam ngoài 30 tuổi ở Hà Nội nghiện ma tuý, hút chích rất nặng, bị nhiễm khuẩn huyết, suy tim, suy thận nặng dẫn đến hôn mê. Nằm điều trị tại khoa tôi được gần 2 tháng, chỉ có duy nhất một người anh trai tự tay chăm sóc em từ trước Tết đến xuyên qua Tết. Tôi chưa bao giờ thấy người anh trai ấy phàn nàn, kêu ca nề hà gì.
Tôi chợt nhận ra đó là một tình cảm sâu sắc của người anh dành cho em mình khiến tôi suy nghĩ về những điều tốt đẹp đang diễn ra xung quanh. Bởi, thông thường một người nghiện ma tuý thì gia đình sẽ xa lánh, bỏ bê chăm sóc, nhưng trường hợp này thì ngược lại. Về sau, nam bệnh nhân ấy vẫn sống được nhưng tàn tật, và hình ảnh của anh ấy đã để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc”.
Kể về không khí đón Giao thừa tại bệnh viện bác sĩ Thạch vui vẻ cho biết: “Thầy thuốc trực Tết cũng có một chút rượu vang, bánh kẹo, bánh chưng như bình thường. Tuy không khí không được như ở nhà, thậm chí có khi đang Giao thừa, bệnh nhân lại suy tim, ngừng tuần hoàn... bác sĩ lại phải làm nhiệm vụ. Nhưng, cũng có đủ thời gian để bác sĩ, người nhà kịp chia sẻ với nhau giây phút thiêng liêng đón chào năm mới.
Chúng tôi mời người nhà bệnh nhân vào phòng giao ban, khoảng 20-30 người và cũng mừng tuổi nhau, người trực trưởng kíp thì mừng tuổi cho bác sĩ, điều dưỡng hoặc người lớn mừng tuổi cho người bé, hy vọng mọi ốm đau bệnh tật sẽ qua trong năm tới”.
“Cũng có những ca bệnh không thể qua khỏi được và phải ra về cả ngay vào những ngày Tết, đó là điều khiến những người làm Hồi sức như chúng tôi nặng lòng, lực bất tòng tâm”, bác sĩ Thạch tâm tư.
Phải thường xuyên trực Tết, ít có thời gian dành cho gia đình vào những ngày lễ Tết hơn những ngành nghề khác, nhưng, bác sĩ Thạch cho hay, vợ và các con anh đều hiểu và thông cảm. Đó là nguồn động lực rất lớn, hậu phương vững chắc giúp anh luôn yên tâm cống hiến hết mình vì người bệnh.
Kết thúc cuộc trò chuyện với PV, nói về mong muốn trong năm mới, bác sĩ Thạch chia sẻ: “Ngành hồi sức như chúng tôi cảm xúc trái ngược nhau, khi cứu được cho một người mà bệnh nặng tưởng không qua khỏi thì đấy là hạnh phúc, tự hào vì đã làm một điều gì đó lớn lao cho một gia đình. Nhưng, khi có bệnh nhân vào viện cấp cứu và chúng tôi cố cứu đến một ngày nào đó không thể cứu được, như vậy lại thất bại. Cảm xúc trái chiều vui có, buồn có nên đó cũng là lý do vì sao tôi lại chọn ngành Hồi sức”.
Hoàng Bích