“Hàng trăm câu hỏi … bác sĩ ơi giúp em với”
Số lượng bệnh nhân mắc Covid-19 ngày càng nhiều, số F0 điều trị tại nhà ở các tỉnh, thành cũng ngày một tăng, tại Hà Nội số ca mắc chạm mốc 3.000 ca/ngày, nên hàng ngày càng có nhiều bệnh nhân F0 điều trị tại nhà cần sự giúp đỡ của bác sĩ hơn lúc nào hết.
Xuất phát từ trách nhiệm của người thầy thuốc, BS. Phạm Thành Sơn, từng công tác tại Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (hiện đang làm tại một phòng khám sản phụ khoa) đã tham gia hỗ trợ cho các bà bầu là F0 đang điều trị tại nhà.
Nhận kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 khi đang mang bầu ở tuần thứ 10 nhưng chưa được y tế địa phương hỗ trợ, chị Nguyễn Hương Lan vội đăng đôi dòng “cầu cứu” lên nhóm với nội dung: “Bác sĩ ơi em hiện tại đang mang bầu ở tuần thứ 10, có tiền sử dọa sảy nên vẫn đang phải uống thuốc nội tiết. Em test 2 vạch lên dương tính và người có nhiều triệu chứng như: sốt, nóng, lạnh, đau họng, ho, người đau nhức ê ẩm. Bác sĩ cho em hỏi em cần bổ sung thuốc gì được không ạ? Em đã khai báo y tế nhưng vẫn chưa nhận được cuộc gọi hỗ trợ nào. Em rất mong nhận được sự tư vấn của bác sĩ”.
Chỉ ít phút sau, bác sĩ Thành Sơn trả lời: “Nếu sốt trên 38,5 độ thì em dùng hạ sốt bình thường nhé”.
Một tài khoản Facebook có tên N.B thắc mắc: “Em đang bầu 24tuần bị dương tính cách đây 3 ngày hiện đang điều trị tại nhà, sau 3 ngày hiện em vẫn còn các triệu chứng hơi đau họng, húng hắng ho, nghẹt mũi, mất khứu giác... Theo tư vấn ở phường, em dùng bổ phế và ngậm alpha choay cùng xông mũi họng gừng sả và nước muối. Bác sĩ tư vấn giúp có cần bổ sung thêm thuốc hay trị liệu gì để mau khỏi không?”.
Đó chỉ là số ít trong hàng trăm câu hỏi mà BS.Thành Sơn nhận được mỗi ngày khi tham gia hoạt động tư vấn online miễn phí cho các bà bầu là F0 đang điều trị tại nhà. Hoàn toàn miễn phí và tự nguyện, BS. Thành Sơn đã chung tay cùng các đồng nghiệp san sẻ áp lực với lực lượng y tế nơi tuyến đầu. Chia sẻ với Người Đưa tin, BS. Thành Sơn cho biết, anh tham gia tư vấn online cho các F0 đang điều trị tại nhà với mục tiêu giúp đỡ bệnh nhân bớt lo lắng và yên tâm điều trị một cách tốt nhất.
“Tôi hy vọng có thể hỗ trợ tối đa cho các F0 điều trị tại nhà, đặc biệt các bà bầu là F0 những kiến thức về dinh dưỡng, trấn an tâm lý, giúp họ điều trị tốt các triệu chứng. Đối với các bệnh nhân nặng, tôi hướng dẫn họ liên hệ trực tiếp với y tế địa phương hoặc nhập viện nếu có nguy cơ cao. Mục tiêu của tôi là tư vấn cho bệnh nhân hướng giải quyết tốt nhất về vấn đề họ gặp phải”, BS. Thành Sơn cho hay.
Là một bác sĩ chuyên về sản phụ khoa, BS. Thành Sơn cho biết, kể từ khi tham gia hỗ trợ tư vấn điều trị online miễn phí cho F0 tại nhà, mỗi ngày anh nhận đến 50 cuộc gọi cùng 40-60 tin nhắn của các bà bầu là F0. Trong đó, tới 70% các bệnh nhân cần được tư vấn để ổn định tâm lý.
“Gần đây dịch bệnh đang bùng phát nên số lượng bệnh nhân cần hỗ trợ cũng tăng lên khá nhiều. Trước đây, hầu hết các bệnh nhân cần tư vấn là trong khu vực miền Nam tuy nhiên những ngày gần đây thì bệnh nhân tại Hà Nội nhiều hơn. Trung bình, tôi nhận khoảng 50 cuộc gọi và 40-60 tin nhắn từ các mạng xã hội như Facebook, Zalo. Đa phần, bệnh nhân cần tôi hỗ trợ là các bà bầu và đều xuất hiện những triệu chứng thông thường như sốt, ho, đau họng, mất khứu giác,…
Bên cạnh đó,một số cặp đôi có mong muốn sinh con nhưng lại mắc Covid-19 hoặc vừa tiêm vắc-xin xong nên cần hướng dẫn về khả năng sinh sản với những câu hỏi như: Tiêm vắc-xin có ảnh hưởng gì không? Bao lâu có thể sinh con? Nhiễm bệnh có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản không? Theo tôi đánh giá thì rất ít bệnh nhân có triệu chứng nặng hay dấu hiệu trở nặng. Thế nhưng, đến 70% các bà bầu đều có chung tâm lý hoảng loạn, lo lắng và cần được bác sĩ trấn an”, BS. Thành Sơn cho biết.
Kỷ niệm khó quên
BS.Thành Sơn luôn tâm niệm “Phải sống một cuộc đời có ích và hành động liên tục để đạt được điều đó”, không chỉ hoạt động với 100% nhiệt huyết, anh còn quyết tâm không để F0 bị bỏ lại phía sau mà còn sẵn sàng túc trực điện thoại đến tận đêm khuya. Tâm sự về những cuộc gọi lúc nửa đêm, BS. Thành Sơn khẳng định đó là khi bệnh nhân hoang mang, cần sự giúp đỡ của bác sĩ nhất và chính những cuộc gọi đó đã để lại cho anh nhiều cảm xúc đặc biệt.
“Kỷ niệm tôi nhớ nhất là một thai phụ mang thai lần 2, thai 37 tuần trên nền vết mổ đẻ cũ. Nửa đêm, bệnh nhân gọi điện cho tôi báo bị ra máu, rỉ ối và đau bụng. Thêm nữa, bệnh nhân đang ở nhà cách ly cùng con nhỏ 3 tuổi cũng đang là F0. Con còn bé, quấn mẹ và quấy khóc trong khi bệnh nhân càng ngày càng đau bụng dữ dội không biết phải làm thế nào. Với những dấu hiệu như vậy, nếu không nhập viện kịp thời thì thậm chí có nguy cơ vỡ tử cung do có sẹo mổ đẻ cũ.
Qua điện thoại, nghe thấy bệnh nhân thở gấp, tôi ngay lập tức trấn an để bệnh nhân bình tĩnh. Đầu tiên, tôi tư vấn bệnh nhân cần liên hệ người nhà tới chăm sóc cháu bé 3 tuổi. Sau đó, tôi nhanh chóng liên hệ với bạn bè, người quen ở trong bệnh viện và nhờ họ cử xe cấp cứu đến đón bệnh nhân vào viện. Rất may là bệnh nhân ở Hà Nội và đã được chỉ định mổ lấy thai ngay trong đêm. Sau đó, khi biết tin bệnh nhân đã “mẹ tròn con vuông” tôi mới có thể thở phào nhẹ nhõm. Đây cũng là trường hợp bệnh nhân nặng nhất đã gọi điện cầu cứu tôi ngay trong đêm”, BS. Thành Sơn kể về cuộc gọi cầu cứu của bệnh nhân khiến anh không thể quên.
Tham gia hoạt động tư vấn, hỗ trợ các bà bầu là F0 với hình thức online, BS. Thành Sơn cho biết anh không gặp trở ngại gì lớn mà chỉ áy náy khi không thể ở cạnh động viên và hỗ trợ bệnh nhân ngay lập tức khi những cuộc gọi, những tin nhắn luôn tăng lên mỗi ngày.
“Đối với tôi, việc tư vấn điều trị cho các bà bầu là F0 không gặp trở ngại gì quá nhiều bởi phần lớn các bệnh nhân cần được trấn an về tâm lý chứ không có triệu chứng nặng. Vì vậy, tôi luôn động viên tinh thần cho bệnh nhân và tư vấn những trường hợp có dấu hiệu trở nặng nên liên hệ trực tiếp với y tế khu vực để được điều trị kịp thời, tránh những tình huống xấu. Có lẽ, khó khăn lớn nhất là khi số lượng bệnh nhân liên hệ xin tư vấn tăng lên mà mình không thể giải đáp một cách nhanh chóng. Đó là điều khiến tôi thấy áy náy và lo ngại nhất”, BS. Thành Sơn nói.
Với mục tiêu là không để ai bị bỏ rơi giữa lúc khó khăn, BS. Thành Sơn luôn tìm cách sắp xếp công việc cá nhân và kêu gọi các cộng sự cùng tham gia tư vấn, giúp đỡ bệnh nhân.
“Tôi đã tìm ra giải pháp là đào tạo chuyên sâu kiến thức cho 5 bác sĩ và điều dưỡng. Chúng tôi cùng nhau chung tay hỗ trợ bệnh nhân, tạo giá trị cho xã hội, giúp ích cho đời và lan tỏa tinh thần cả nước cùng nhau đẩy lùi Covid-19. Tôi cùng các cộng sự tạo themmột nhóm nhỏ, chia nhỏ số điện thoại, phân công người phụ trách để có thể trả lời và hỗ trợ được 100% các bệnh nhân gọi tới hay nhắn tin trên Zalo, Facebook,... Trong trường hợp số lượng bệnh nhân cần hỗ trợ quá đông, tôi cũng mời các bác sĩ khác tham gia để cùng nhau giúp đỡ bệnh nhân chiến thắng Covid-19”, BS. Thành Sơn chia sẻ thêm về cách xử lý công việc của mình.
Thu Lan