Chưa ai kết luận
Bác sỹ Kim Văn Mừng - phó giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh Vĩnh Phúc, giám định viên, là người trực tiếp tham gia khám nghiệm tử thi Nguyễn Tuấn Anh vào trưa ngày 17/3.
Qua trao đổi, bác sỹ Mừng cho hay: Khi cơ quan CSĐT Công an tỉnh Vĩnh Phúc có Quyết định trưng cầu giám định “tìm nguyên nhân chết của nạn nhân”, Trung tâm pháp y đã cử ông cùng 3 kỹ thuật viên đi làm nhiệm vụ.
Tham gia khám nghiệm tử thi của nạn nhân Tuấn Anh có cả đại diện Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, chính quyền địa phương, VKSND tỉnh. Việc khám nghiệm còn có sự chứng kiến của đại diện tổ dân phố và đại diện gia đình nạn nhân .
Đưa Biên bản khám nghiệm tử thi của Tuấn Anh với đầy đủ chữ ký của những người tham gia, bác sỹ Mừng cho biết: đây chỉ là Biên bản nhằm mô tả quá trình khám nghiệm, xem xét dấu vết bên ngoài, bên trong (sau khi mổ) và thu thập mẫu (thức ăn trong dạ dày, máu, gan.., của nạn nhân) để phục vụ công tác xét nghiệm. Hiện vẫn phải đợi kết quả xét nghiệm vi thể, độc chất.., thì mới có thể đưa ra kết luận về nguyên nhân gây tử vong cho nạn nhân.
Cảnh khám nghiệm tử thi nạn nhân.
Phân biệt “khám nghiệm” với “kết luận giám định”
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, việc khám nghiệm tử thi để phát hiện dấu vết của tội phạm, vật chứng và làm sáng tỏ các tình tiết có ý nghĩa đối với vụ án. Còn để xác định nguyên nhân tử vong thì cần phải dựa vào nội dung kết luận giám định của cơ quan giám định.
Biên bản khám nghiệm tử thi.
Bác sỹ chuyên khoa 1 Ngô Hường Dũng- phó viện trưởng Viện pháp y quốc gia, cho biết: Về nguyên tắc, không bao giờ có chuyện vừa mới khám nghiệm tử thi xong mà giám định viên đã kết luận được ngay nguyên nhân chết của nạn nhân (trừ một số rất ít các trường hợp như nạn nhân bị đâm thẳng vào tim hay bị tai nạn giao thông, ô tô đè bẹp sọ thì có thể đưa ra kết luận sơ bộ).
Cần phân biệt Biên bản khám nghiệm hiện trường với Kết luận giám định vì để có được kết luận chính xác thì giám định viên phải tiến hành tổng thể nhiều biện pháp như: xét nghiệm đại thể, vi thể, hóa pháp (nếu có).., và có thể phải dựa vào cả dấu vết hiện trường hoặc hung khí gây án…Trong kết luận giám định pháp y thì chỉ có GĐV ký và đóng dấu. GĐV phải chịu trách nhiệm về việc làm của mình.
Đại tá Hồ Sĩ Tiến – cục trưởng CSHS (Bộ Công an) cho hay, đây là vụ án hình sự bình thường, nhưng diễn biến của nó lại bất thường. Qua kiểm tra, lãnh đạo Cục CSHS thấy công an tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện đúng và đầy đủ trình tự trong công tác điều tra.
Do nhầm lẫn và sự thiếu hiểu biết pháp luật của người nhà nạn nhân đã đưa sự việc diễn biến phức tạp, làm mất an ninh trật tự xã hội nghiêm trọng.
Theo Dân Việt