MacDougall, một bác sĩ đến từ Haverhill, Massachusetts, Mỹ, luôn tin rằng "linh hồn" của con người có trọng lượng nhất định. Để xác định chính xác thông số này, năm 1901, MacDougall cùng 5 vị bác sĩ khác đã thực hiện một thí nghiệm mà nhiều người cho là điên rồ: Cân linh hồn.
Đối tượng thực hiện thí nghiệm là 6 bệnh nhân lao, gồm 5 người đàn ông và 1 phụ nữ chỉ còn sống được vài ngày.
MacDougall sau đó đã chế tạo một chiếc giường đặc biệt. Trên chiếc giường này, ông lần lượt đặt 6 bệnh nhân và quan sát họ từ lúc trước, cũng như trong và sau khi họ qua đời, đồng thời liên tục đo mọi thay đổi tương ứng về cân nặng. Kết quả trả ra khiến tất cả đều bất ngờ.
Ở bệnh nhân đầu tiên, trọng lượng bị mất đi ngay sau khi nạn nhân vừa qua đời là 21 g. Các thí nghiệm tiếp theo cũng cho ra kết quả tương tự.
Bác sĩ MacDougall và cộng sự tin rằng số cân bị mất đi chính là phần “linh hồn” vừa tách ra khỏi cơ thể. Họ khẳng định lượng không khí trong phổi không phải là lý do trọng lượng của bệnh nhân thay đổi vì họ đã đưa không khí trở lại cơ thể của bệnh nhân nhưng kim trên cân vẫn giữ nguyên ở mức cũ.
Nhóm của ông MacDougall sau đó đã tổng kết các thí nghiệm và tìm ra trọng lượng mất đi trung bình của các bệnh nhân sau khi qua đời là 21 g. Từ đó họ kết luận "linh hồn" con người nặng đúng bằng con số này.
MacDougall sau đó còn thực hiện thí nghiệm của mình với 15 con chó. Kết quả, không con chó nào ghi nhận sự sụt giảm trọng lượng đáng kể, điều mà MacDougall lấy làm bằng chứng xác thực, phù hợp với học thuyết của ông cho rằng động vật không có linh hồn.
Sáu năm sau, MacDougall mới công bố phát hiện của mình với lý do thí nghiệm sẽ phải được lặp lại nhiều lần trước khi có thể đưa ra kết luận. Không biết MacDougall đã thực hiện bao nhiêu lần, tuy nhiên, đề tài này được xuất bản vào năm 1907 trên Tạp chí của Hiệp hội Nghiên cứu Tâm thần Hoa Kỳ, tạp chí y tế American Medicine và cả The New York Times.
Khi thí nghiệm của MacDougall được công bố trên tạp chí American Medicine, một cuộc tranh luận đã nổ ra giữa ông và Augustus P. Clarke, bác sĩ nổi tiếng lúc bấy giờ.
Clarke cho rằng vào thời điểm con người qua đời, nhiệt độ cơ thể tăng đột ngột do máu ngừng lưu thông qua phổi, nơi được làm mát bằng không khí. Sự gia tăng nhiệt độ cơ thể sẽ làm tăng tiết mồ hôi và bay hơi ẩm. Điều này có thể dễ dàng giải thích cho việc thiếu hụt 21 gram trong thí nghiệm của MacDougall.
Điều này cũng giải thích tại sao chó không giảm trọng lượng sau khi chết, vì loài động vật này không có tuyến mồ hôi và phải tự làm mát cơ thể bằng cách thở hổn hển.
Augustus P. Clarke cũng không phải là người duy nhất chỉ trích thí nghiệm của MacDougall. Vị bác sĩ này đã bị giới khoa học chế giễu rằng thí nghiệm của ông có nhiều thiếu sót, thậm chí là giả mạo.
Nhà khoa học nổi tiếng Karl Kruszelnicki cho rằng thí nghiệm trên có quy mô quá nhỏ và đặt câu hỏi làm thế nào MacDougall có thể xác định chính xác thời điểm một người qua đời dựa trên công nghệ vào thời điểm đó.
Bất chấp những chỉ trích, MacDougall chuyển sang giai đoạn tiếp theo của thí nghiệm - chụp ảnh linh hồn. Ông thực hiện vô số thí nghiệm với những người sắp chết bằng cách chiếu tia X qua cơ thể họ. Điều này được cho là sẽ phản chiếu lại “linh hồn” khi rời khỏi thể xác, vì bản chất tia X là một hình ảnh trong bóng tối, còn “linh hồn” được MacDougall cho là sẽ phát sáng, nhưng mắt người không thể nhìn thấy.
Tuy nhiên, trước khi MacDougall kịp có thêm khám phá nào liên quan đến “linh hồn”, ông đã qua đời vào năm 1920.
Mặc dù bị cho là phi thực tế, thí nghiệm của MacDougall đã tạo cảm hứng và xuất hiện trong nhiều tiểu thuyết, bài hát và phim điện ảnh. Tiêu đề của bộ phim phát hành năm 2003 là "21 gram" cũng được xây dựng dựa trên ý tưởng này.
Minh Hoa (t/h theo Dân Trí, VTC)