Bác sĩ có nên học thêm võ thuật?
Từ đầu năm 2018 đến nay, liên tiếp xảy ra các trường hợp bác sĩ bị người nhà hành hung khi đang làm nhiệm vụ. Để đảm bảo an ninh bệnh viện cũng như hỗ trợ các bác sĩ an tâm trong quá trình công tác, cứu chữa người bệnh, nhiều bệnh viện đã áp dụng biện pháp để tự bảo vệ mình.
Chia sẻ với báo Người Đưa Tin, BS. Vương Trung Kiên, Giám đốc bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất (TP.Hà Nội) cho biết, phía bệnh viện đã tiến hành rất nhiều giải pháp từ thay đổi cách ứng xử của nhân viên y tế, hợp tác cùng lực lượng công an xã, có hệ thống báo động, thường trực đường dây nóng... nhằm đảm bảo kịp thời giải quyết những vấn đề nảy sinh, giữ gìn hành lang an ninh bệnh viện. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những biện pháp đó chỉ có thể làm giảm thiểu nguy cơ. Với những đối tượng manh động, nghiện ngập, say xỉn, ngáo đá... thì sẽ khó khắc chế được họ.
“Khi thấy nhân viên phải tiếp bệnh nhân hay người nhà bệnh nhân say rượu, tôi rất lo ngại. Thực tế việc nói chuyện, giải thích hay làm công tác tư tưởng chỉ thích hợp với người có hiểu biết và đang trong trạng thái tỉnh táo, còn những người say rượu, dùng chất kích thích rất khó thuyết phục”, BS. Vương Trung Kiên nói. Ông vẫn còn nhớ như in trường hợp một bệnh nhân nằm viện nhưng con rể 3-4 ngày không tới thăm. Được hôm anh này vào thăm mẹ thì đã khoảng 11h đêm, trên người nồng nặc mùi rượu, đi chân nam đá chân chiêu, miệng không ngớt lời cục cằn, chửi bới bác sĩ, nhân viên y tá.
“Ngành y là ngành thường trực nguy cơ, rủi ro rất cần có lực lượng công an chính quy cắm chốt tại bệnh viện. Bởi lẽ, lực lượng công an xã còn nhiều hạn chế, khó trấn áp đối tượng.
Còn với việc bác sĩ đi học võ, theo quan điểm của tôi là không nên. Bởi, nhiệm vụ của bác sĩ để chữa bệnh không phải để đánh nhau. Hiện nay, công việc của ngành y đã quá tải, việc tập trung xử lý chuyên môn cho bệnh nhân đã vất vả, thêm việc rèn luyện võ thuật thì không biết chuyên môn sẽ tới đâu. Hơn nữa, học võ cũng phải mất thời gian dài mới có kỹ năng. Người học võ để đạt được kỹ năng phải có năng khiếu. Việc để bác sĩ phải đi học võ tự bảo vệ mình không bị hành hung, trong trường hợp này, theo tôi không phải là biện pháp căn bản để giải quyết vấn đề an ninh bệnh viện. Điều quan trọng nhất tôi muốn nhấn mạnh lại là, rất cần có hành lang chế tài cứng rắn để loại trừ bạo hành nhân viên y tế”, BS. Vương Trung Kiên chia sẻ.
“Dù bác sĩ bị chèn ép, vẫn phục vụ người đánh họ”
TS. BS Võ Tường Kha – Giám đốc bệnh viện Thể thao Việt Nam tán thành với đề xuất cắm chốt công an tại bệnh viện để bảo vệ y bác sĩ như bộ Y tế đề cập. Thậm chí, TS. Kha cho rằng, nên coi việc y bác sĩ khám chữa bệnh vào mục thi hành công vụ tương tự như công an. Việc hành hung bác sĩ là hành vi chống người thi hành công vụ. Nếu việc đó được thực hiện thì các bác sĩ, nhân viên y tế sẽ được bảo vệ an toàn hơn.
TS. Kha cũng chia sẻ, sau sự cố, bệnh viện Thể thao Việt Nam tăng cường lực lượng bảo vệ, lắp nhiều camera giám sát tại nhiều nơi để đảm bảo khi xảy ra sự việc sẽ can thiệp kịp thời tránh xảy ra tình huống xấu. Tuy nhiên, vị Giám đốc này cũng lo ngại trước việc đảm bảo an toàn của các y, bác sĩ bởi xã hội ngày càng có nhiều hành vi xấu, thiếu chuẩn mực. Trong đó không ít trường hợp hùa theo hiệu ứng đám đông, lợi dụng mạng xã hội để bêu xấu dẫn đến nhiều bác sĩ bị hiểu nhầm.
Ông Nguyễn Công Bình, Phó Giám đốc bệnh viện Việt Tiệp (Hải Phòng) chia sẻ, bệnh viện là tuyến cuối ở Hải Phòng, thường có 1.700 đến 1.800 bệnh nhân nội trú và hơn 1.000 bệnh nhân khám bệnh mỗi ngày. Do đó, viện rất dễ xảy ra những xung đột. Để đảm bảo an ninh, bệnh viện đã xây dựng các giải pháp: Chấn chỉnh, chỉnh trang, sắp xếp lại bệnh viện để người bệnh đến khám bệnh được an toàn nhất; nâng cao năng lực của cán bộ y tế, có đầy đủ trang thiết bị để hành nghề, nâng cao tinh thần ứng xử giao tiếp của nhân viên y tế với người bệnh và người nhà bệnh nhân; công tác bảo vệ người bệnh phải được tăng cường, kiểm soát, lực lượng bảo vệ phải tham gia cả công tác hướng dẫn người bệnh; kết hợp chính quyền địa phương kể cả chính quyền các quận, huyện, có những buổi giao ban hàng tháng, hàng tuần để xử lý các tình huống, quy chế phối hợp. Nhờ vậy, trong thời gian qua, bệnh viện này không xảy ra xô xát cũng như bạo hành y tế.
Tuy nhiên, ông Bình chia sẻ: “Bác sĩ bị hành hung ở bệnh viện Xanh Pôn có nói: “Sau khi người nhà khác của bệnh nhi bình tĩnh đến, đã tìm gặp tôi và xin lỗi. Tôi đã nói lại với họ, chúng tôi vẫn sẽ khâu cho cháu bé dù bố cháu có đánh tôi đi chăng nữa. Tôi muốn cho mọi người thấy, dù bác sĩ có bị chèn ép sao nữa thì họ vẫn phục vụ những người đánh họ”. Anh ấy nói rất đúng. Đôi khi, những người thầy thuốc có mặt tại hiện trường đông hơn, nhiều hơn thậm chí nhiều người trẻ khỏe hơn, họ có đầy đủ khả năng chống lại những người tấn công. Nhưng họ không làm việc đó mà họ dành sức để tấn công bệnh tật, cứu người bệnh. Vấn đề đặt ra ở đây chính là đạo đức xã hội”.
TS.BS Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cũng cho biết, bệnh viện đã tăng cường lực lượng bảo vệ ở các điểm nóng, đồng thời phối hợp với công an phường, cảnh sát giao thông tăng cường an ninh khu vực ngoài bệnh viện nhưng không bao giờ là đủ.
“Có một thực tế là, các vụ hành hung người đang làm nhiệm vụ không chỉ xảy ra trong ngành Y tế mà còn ở rất nhiều ngành nghề khác. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này phải kể đến là vấn đề đạo đức xã hội xuống cấp, sự manh động của một số đối tượng, trong khi cấu trúc hạ tầng an ninh bệnh viện chưa bảo đảm, khung pháp lý đối với hành vi này chưa đủ sức răn đe”, TS. Dương Đức Hùng nhấn mạnh.
Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay: “Trước sự việc xảy ra đối với cán bộ y tế đang làm nhiệm vụ bị người nhà hành hung, chúng tôi mong các ban, ngành, đặc biệt ngành Công an, chính quyền các cấp vào cuộc, đồng hành hỗ trợ cán bộ y tế, đừng để họ đơn độc trong việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe của mình, để họ cứu chữa người bệnh nói chung và người nhà các đối tượng đang hành hung bác sĩ nói riêng. Việc hành hung cán bộ y tế cũng như người đang thi hành công vụ là vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Qua đây, chúng tôi mong muốn ở địa bàn cần có lực lượng công an cắm chốt tại bệnh viện và liên hệ địa bàn gần nhất kết hợp đường dây nóng để mọi người thông báo sự việc nhanh nhất. Những việc này cần làm quyết liệt. Đối tượng hành hung bác sĩ cần được điều tra, xử lý nghiêm minh”.
Nguyễn Huệ - Nhất Nam