Lần đầu làm mẹ, bỡ ngỡ từ cách bế trẻ, tắm cho trẻ, dỗ con ngủ hay ngay cả việc thay bỉm, tã cũng trở nên lúng túng. Nhưng các mẹ hãy yên tâm, dù có lần đầu làm mẹ thì cứ nắm chắc các kỹ năng dưới đây, chuyện chăm con sẽ trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Cách bế trẻ
Trẻ mới đẻ, cơ cổ còn yếu, chưa đỡ nổi đầu thì phải bế trẻ cho thẳng đầu, lưng, mông, không để chân tay của trẻ buông thõng xuống. Khi bế trẻ lên hoặc đặt xuống phải làm từ từ, nhẹ nhàng, đừng để trẻ có cảm giác bị thay đổi đột ngột khiến trẻ hoảng hốt, sợ hãi.
Chăm sóc rốn em bé
Bác sĩ Nguyễn Quỳnh Hương – khoa sơ sinh bệnh viện Phụ Sản Hà Nội có những lời khuyên trong việc chăm sóc rốn cho em bé:
Khi rốn bé khô và rụng đi không đồng nghĩa với việc rốn đã lành, vì vậy bạn vẫn phải vệ sinh rốn cho bé hằng ngày.
Cách vệ sinh rốn đã rụng là bạn phải dùng 2 ngón tay của mình mở rộng phần chân rốn ra và vệ sinh sạch sẽ theo chiều từ trong ra ngoài.
Dung dịch để rửa rốn là dung dịch nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) và dụng cụ tăm bông vô khuẩn.
Cần lưu ý khi mình mở rộng phần chân rốn ra để vệ sinh cũng là cách mình nhìn xem rốn em bé mình có gì lạ hay không, có chồi hay không, với những trường hợp rốn bé có chồi phải đưa bé đến cơ sở y tế để bác sĩ khám và thực hiện thuốc nếu cần, chồi càng to thì rốn sẽ hay rỉ dịch và không khô được.
Rốn bất thường là rốn rỉ dịch nhiều và lâu ngày, có mùi hôi, chân rốn đỏ.... Bạn có thể cho bé đến cơ sở y tế gần nhất để yên tâm nhé nếu trường hợp bạn vệ sinh đúng cách mà vẫn không thấy cải thiện.
Đối với trẻ sơ sinh dưới 7 ngày tuổi thường mắc một số bệnh lí vàng da, nhiễm khuẩn, xuất huyết não – màng não… Việc phát hiện và xử lí kịp thời các bệnh lí trên cũng như theo dõi sự phát triển thể lực (cân nặng, chiều cao, vòng đầu, vòng ngực) và phát triển tinh thần rất cần thiết. Bố mẹ nên đưa trẻ đến để bác sĩ khám, phát hiện, xử lí kịp thời cũng như tư vấn các vấn đề về dinh dưỡng và các vấn đề khác, bổ sung kịp thời khi trẻ bị thiếu hụt.
Kĩ năng tắm bé
Điều quan trọng đầu tiên là trẻ sơ sinh chỉ cần tắm bằng xà bông nhẹ nhàng trong tuần đầu tiên sau khi chào đời. Sau khi bé rụng rốn và rốn hoàn toàn khô ráo thì mẹ mới nên cho bé tắm ngập trong chậu hoặc bồn tắm. Trước khi tắm cho bé, mẹ cần kiểm tra nhiệt độ nước tắm, chuẩn bị đầy đủ đồ dùng để tắm cho bé, tuyệt đối không để bé một mình trong chậu tắm.
Cách dỗ con ngủ
Do có sự thay đổi lớn từ không gian tối và ẩm trong bụng mẹ cho đến bầu không khí ngập ánh sáng và tiếng ồn bên ngoài, bé chưa thể làm quen ngay lập tức. Ban ngày mẹ cố gắng giữ cho căn phòng sáng sủa, thoáng mát và tắt đèn vào ban đêm để giúp bé phân biệt được giữa ngày và đêm. Không giao tiếp bằng mắt hay nói chuyện cùng bé khi đi ngủ. Có như vậy, bé sẽ dần đi vào giấc ngủ và có quy củ hơn.
Kĩ năng thay bỉm/tã
Khi bé chưa rụng rốn, mẹ tuyệt đối không để tã chạm vào hoặc đè lên cuống rốn. Khi vệ sinh cho bé, mẹ cần lau sạch từ trước ra đến phía sau, đặc biệt là bé gái để tránh nhiễm khuẩn vào vùng kín của bé. Lau khô tước khi đóng tã, bỉm mới cho bé. Nếu thấy bé có dấu hiệu bị hăm da, tấy đỏ cần tháo bỏ bỉm, tã, bôi kem chống hăm cho đến khi bé khỏi hẳn thì mới tiếp tục dùng tã, bỉm.
Xử lý khi trẻ bị hóc, sặc
Khi phát hiện trẻ bị hóc nghẹn, mẹ cần áp dụng thao tác khai thông đường thở, đẩy dị vật ra khỏi đường thở của trẻ bằng cách đặt trẻ úp lên đùi, đầu hơi chúc xuống dưới. Một tay giữ bé, một tay dùng lòng bàn tay vỗ thật mạnh 5 – 7 cái vào lưng bé – chỗ giữa hai xương bả vai, hành động này sẽ khiến áp lực trong lồng ngực trẻ tăng lên để tống đẩy dị vật ra ngoài.
Sau khi làm xong nếu trẻ vẫn khó thở, tím tái, cha mẹ cần đặt bé nằm ngửa, dùng hai ngón trỏ ấn nhanh, mạnh, đột ngột vào xương ức để đẩy dị vật ra.
Giúp bé ợ hơi
Trẻ sơ sinh có hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện, bé rất dễ bị đầy bụng sau khi ăn bú. Mẹ cần biết thao tác vỗ lưng giúp bé ợ hơi, thải ra hết khí thừa trong dạ dày để bé cảm thấy dễ chịu hơn, đặc biệt là trong vài tháng đầu sau khi sinh. Mẹ bế bé vác trên vai, người bé áp vào ngực mẹ, cằm bé dựa vào vai mẹ, chú ý giữ đầu và cổ bé ngả vào vai mẹ. Sau đó mẹ dùng tay xoa hoặc vỗ nhẹ nhàng vào lưng bé để đẩy hết khí ra.
>>>Xem thêm: Cách tăng cường sức đề kháng cho mẹ bầu để không bị ốm khi mùa đông về
Phong Linh (tổng hợp)