Giao mùa là lúc nhiệt độ thay đổi, thời tiết biến chuyển bất thường, nếu hệ miễn dịch yếu, mọi người rất dễ mắc các bệnh liên quan đến da. Đặc biệt vào giao mùa, không khí lúc ẩm, lúc hanh khô có thể khiến cho các loại virus gây bệnh sinh sôi mạnh. Đây là khoảng thời gian cơ thể rất khó thích nghi với thời tiết, và bệnh da liễu giao mùa có cơ hội để phát triển.
Để cung cấp kiến thức phòng chống và điều trị các bệnh da liễu giao mùa, bác sĩ, thạc sĩ y khoa Đặng Bích Diệp – Phó Trưởng phòng phụ trách phòng Công tác xã hội - bệnh viện Da liễu Trung ương đã có những chia sẻ khách quan, khoa học về vấn đề này:
PV: Thưa bác sĩ Diệp, bác sĩ đánh giá như thế nào về các bệnh da liễu phát sinh trong thời điểm giao mùa năm nay?
Bác sĩ Diệp: Vào thời điểm giao mùa, khí hậu và thời tiết thay đổi góp phần ảnh hưởng trực tiếp đến mô hình bệnh tật trong cộng đồng. Đặc biệt vào giai đoạn chuyển giao thời tiết thu – đông có thể khiến một số bệnh da liễu xuất hiện hoặc bùng phát như:
- Nhóm bệnh da thông thường
+ Bệnh da dị ứng: Viêm da cơ địa, viêm da tiếp xúc, chàm, mày đay, sẩn ngứa...
+ Bệnh da do virus: thủy đậu, herpes, zona ...
- Nhóm bệnh da tự miễn: Vảy nến, xơ cứng bì hệ thống...
- Nhóm bệnh da hiếm gặp: Bệnh vảy cá bẩm sinh…
PV: Với các bệnh ngoài da thông thường, bệnh nhân thường điều trị ngoại trú và ghi nhận những kết quả khả quan. Tuy nhiên với những trường hợp đặc biệt, bệnh viện đã tiếp nhận bệnh nhân với tình trạng như thế nào?
Bác sĩ Diệp: Bệnh viện Da liễu là bệnh viện đầu ngành trong việc chữa trị các bệnh về da. Hàng ngày bệnh viện tiếp nhận khám và điều trị rất nhiều trường hợp bệnh nhân bị các bệnh da thường gặp. Đặc biệt, trong thời điểm giao mùa này, chúng tôi có tiếp nhận một số trường hợp bệnh nhân bị Hồng ban đa dạng, căn nguyên chủ yếu do virus.
PV: Bác sĩ có thể giải thích rõ hơn về căn bệnh Hồng ban đặc biệt này được không?
Bác sĩ Diệp: Bệnh hồng ban đa dạng chủ yếu gặp ở những người lớn trẻ tuổi từ 20 – 30 tuổi, thường khởi phát vào giao mùa, khí hậu lạnh. Bệnh với biểu hiện về da và niêm mạc được coi là phản ứng trực tiếp của hệ miễn dịch chống lại các tác nhân gây bệnh (chủ yếu do nhiễm trùng khoảng 90% hoặc do thuốc chiếm <10% và một số bệnh hệ thống). Các căn nguyên nhiễm trùng thường do virus (đặc biệt herpes simplexvirus-HSV1, HSV2), vi khuẩn (như Mycoplasma) hoặc nấm ít phổ biến hơn. Bệnh đặc trưng bởi các thương tổn da và niêm mạc
- Biểu hiện:
+ Các bệnh nhân vào viện thường có những biểu hiện trước đó như viêm long đường hô hấp, hắt hơi, sổ mũi đôi khi sốt, mệt mỏi.
+ Bệnh nhân xuất hiện các tổn thương dát đỏ, sẩn phù kèm mụn nước, bọng nước xen kẽ tạo thành tổn thương hình bia bắn trên da khu trú ở tay, chân hoặc thân mình.
+ Niêm mạc miệng hoặc cơ sinh dục có thể bị tổn thương trong trường hợp nặng.
- Cách xử trí:
+ Khai thác tiền sử dùng thuốc để loại trừ hồng ban đa dạng do thuốc
+ Thực hiện xét nghiệm PCRtìmHSV, PCR tìm Mycoplasma…
+ Điều trị triệu chứng, chăm sóc tổn thương
+ Điều trị theo nguyên nhân:
+ Thực hiện phác đồ điều trị theo bác sĩ để ngăn sự phát triển của bệnh như uống thuốc kháng virus hoặc uống thuốc dự phòng chống tái phát trong trường hợp hồng ban đa dạng do HSV tái phát ≥ 6 lần/năm.
+ Trường hợp nghi ngờ do Mycoplasma pneumonia thì điều trị bằng kháng sinh Rovamycin theo hướng dẫn.
+ Trường hợp hồng ban đa dạng do thuốc cần dừng ngay thuốc nghi ngờ, điều trị corticoid, kháng histamin theo chỉ định của bác sĩ .
+ Tiên lượng: Hồng ban đa dạng diễn biến cấp tính và thường diễn ra trong 2 – 6 tuần, hầu hết khi khỏi không để lại biến chứng. Tuy nhiên, bệnh có thể tái phát nhất là trường hợp hồng ban đa dạng có liên quan tới HSV.
PV: Vậy phương pháp điều trị dự phòng với bệnh da liễu giao mùa được thực hiện ra sao?
Bác sĩ Diệp: Trong những ngày thời tiết thay đổi, để phòng chống các bệnh viêm da dị ứng, bệnh nhân được khuyến cáo cần: Tăng cường thể trạng, uống đủ lượng nước, bôi kem dưỡng ẩm thường xuyên, hạn chế tắm nước quá nóng và không sử dụng sản phẩm tẩy rửa quá mạnh để da có được hàng rào bảo vệ, hạn chế bệnh bùng phát.
Thứ hai, để phòng chống các bệnh viêm da do virus như thuỷ đậu, sởi… chúng ta cần tiêm phòng vaccine đầy đủ và có những biện pháp sát khuẩn trước và sau khi tiếp xúc với người bệnh. Với bệnh nhân đã mắc bệnh, cần cách ly và có biện pháp điều trị phù hợp để hạn chế sự phát tán tạo thành dịch bệnh.
PV: Thưa bác sĩ, thời tiết thay đổi trở thành điều lo ngại của nhiều bà mẹ có con nhỏ bởi đây là thời gian trẻ dễ mắc các bệnh da liễu truyền nhiễm đặc biệt là bệnh Chân tay miệng. Bác sĩ có những chia sẻ như thế nào xung quanh vấn đề này?
Bác sĩ Diệp: Bệnh viện cũng đã tiếp nhận các bệnh nhi bị bệnh chân tay miệng thể nhẹ và khuyến cáo khi bệnh nhi có tổn thương nặng thì cần điều trị tại chuyên khoa truyền nhiễm nhi. Tổn thương của bệnh chân tay miệng là những mụn nước, bọng nước tập trung tại chính các vị trí chân, tay, miệng, đầu gối, mông. Căn nguyên của bệnh là do virus EV71 hoặc Coxsackie A. Hiện nay chưa có vaccine để phòng bệnh này. Do hiệu giá kháng thể sau nhiễm virus không kéo dài nên bệnh có khả năng tái phát, song bệnh thường khỏi sau 1-2 tuần. Tuy nhiên nếu không điều trị, theo dõi, bệnh chân tay miệng thể nặng có thể biến chứng thành viêm phổi, viêm não gây nguy hiểm đến trẻ nhỏ.
PV: Người dân có thể liên lạc, chữa trị cũng như có phương án dự phòng với bệnh da liễu giao mùa tại cơ sở y tế nào?
Bác sĩ Diệp: Bệnh nhân có thể đến khám tại các bệnh viện, cơ sở chuyên khoa da liễu để điều trị. Bệnh viện Da liễu Trung ương là cơ sở y tế tuyến cuối, tiếp nhận điều trị tất cả các trường hợp mắc bệnh về da. Để phổ biến kiến thức, bệnh viện Da liễu Trung ương có triển khai dịch vụ tư vấn qua tổng đài chăm sóc khách hàng 19006951.
Bệnh nhân và người nhà có thể gọi điện để được nhân viên y tế tư vấn, hướng dẫn điều trị, đăng ký khám cụ thể tại Bệnh viện Da liễu Trung ương số 15A, Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội
PV: Thời điểm giao mùa với thời tiết khí hậu khó đoán là một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh da liễu. Sự tư vấn và điều trị kịp thời sẽ phần nào ngăn chặn việc lây lan một số bệnh trở thành dịch.
Cảm ơn bác sĩ với những chia sẻ khoa học trong câu chuyện này.
Minh Anh - Hữu Thắng