Dấu hiệu bệnh đột quỵ
Nhiều người thường nghĩ đột quỵ là bệnh của người lớn nhưng thực tế, tỷ lệ trẻ em hoặc người trẻ tuổi mắc căn bệnh này dù không nhiều nhưng vẫn có thể xảy ra. Với trẻ em, phòng ngừa đột quỵ hiện đang là một thách thức rất lớn và khó khăn. Vì ở người lớn, đa phần các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ như: hút thuốc lá, xơ vữa động mạch, rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp, tiểu đường, béo phì... Còn ở trẻ em, nguyên nhân gây đột quỵ lại hơi khác với người lớn. Đột quỵ ở trẻ không liên quan đến lối sống mà chủ yếu là do bệnh lý tim bẩm sinh, bất thường mạch máu não...
“Bệnh nhi đột quỵ có thể mất ý thức, bị nôn trớ, co giật gây ảnh hưởng đến hô hấp và tim mạch. Chúng ta nên cho bé nằm cao đầu, nới lỏng quần áo làm thông thoáng đường thở, nếu không bệnh nhân có thể tử vong trước khi đến bệnh viện. Nếu cơn co giật kéo dài, phải đưa các bé đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí kịp thời”- TS.BS Nguyễn Hồng Quân.
Lý giải về điều này, TS.BS Nguyễn Hồng Quân, Phó Chủ nhiệm khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết: Nguyên nhân gây đột quỵ ở trẻ em thường liên quan đến các bệnh lý về tim mạch, bệnh lý về mạch máu, hay gặp như bệnh lý bóc tách động mạch, dị dạng động mạch, viêm động mạch. Ngoài ra, còn có các bệnh lý về máu, có thể dẫn đến tình trạng tăng đông hoặc tình trạng giảm đông máu. Tình trạng tăng đông hay gây ra huyết khối, tắc mạch, còn tình trạng giảm đông máu sẽ gây ra đột quỵ chảy máu ở trẻ em. Một số có thể có liên quan đến ung thư, gen,… làm gia tăng tình trạng đột quỵ ở trẻ em.
Cũng theo bác sĩ Quân, các dấu hiệu đột quỵ ở trẻ em không khác gì ở người lớn, đều là đột ngột xảy ra với những dấu hiệu thần kinh khu trú. Đối với những trẻ lớn, dấu hiệu đột quỵ tương tự người lớn, như: méo miệng, nói ngọng, liệt nửa người, rối loạn về thị giác và thăng bằng. Còn ở trẻ nhỏ, những dấu hiệu này rất khó có thể nhận ra. Hoặc do các bé còn quá nhỏ, chưa biết đi, chưa biết kêu đau. Có nhiều trường hợp đột quỵ không có biểu hiện rõ ràng mà chỉ đau đầu, nôn trớ, lơ mơ, lừ đừ. Những triệu chứng này rất chung chung và có thể nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Có trường hợp có thể nhầm lẫn với viêm màng não, vì đôi khi bé có sốt kèm theo, hoặc có thể nhầm lẫn với bệnh động kinh nếu bé có biểu hiện co giật; thậm chí, có thể nhầm lẫn với các bệnh lý đường tiêu hóa do bé có nôn trớ. Không ít các trường hợp gia đình phát hiện muộn đã khiến tình trạng trẻ bị đột quỵ không được chữa trị kịp thời. Do vậy, khi trẻ có các dấu hiệu trên, cần nhanh chóng đưa đến khám tại các bệnh viện có chuyên khoa thần kinh để được cấp cứu kịp thời.
“Để giảm nguy cơ tử vong và tàn phế thì thời gian “vàng” cấp cứu bệnh nhi đột quỵ tại các cơ sở y tế càng sớm càng tốt. Nếu đến viện trong khoảng 4 - 5 giờ, có thể dùng thuốc tiêu sợi huyết, nếu trong khoảng từ 6 - 24 giờ vẫn có thể xem xét để thực hiện can thiệp lấy huyết khối đối với những bệnh nhân nhồi máu”, bác sĩ Quân lưu ý.
Ăn uống như thế nào để tránh đột quỵ?
Phải ăn uống với cường độ và hàm lượng vừa phải. Với những người có nguy cơ đột quỵ cao thì việc sử dụng thức ăn cũng phải tùy thuộc vào đặc điểm bệnh tật của bạn.
Những loại thức ăn có thể sử dụng được giúp phòng nguy cơ đột quỵ đó là:
Cam, chanh: Rất tốt cho sức khỏe tim mạch và trong cam chanh có các hoạt chất giúp giảm được các yếu tố nguy cơ đột quỵ.
Đậu: Các nhà nghiên cứu đã cho thấy rằng các chất có trong đậu có khả năng hỗ trợ giảm được chứng xơ vữa mạch đặc biệt là giảm được LDL cholesterol. Theo các nghiên cứu ở châu Á (Nhật Bản) nếu sử dụng khoảng 130-150g đậu/ ngày sẽ làm giảm được xơ vữa có ý nghĩa so với nhóm ít dùng hoặc không dùng.
Các loại rau xanh thuộc họ cải: Súp lơ, cải bắp, …
Cá: Ăn cá rất tốt vì trong cá có axit béo không no đặc biệt là Omega-3 rất tốt cho sức khỏe tim mạch.
Cà chua: Thực phẩm có khả năng hỗ trợ làm giâm xơ vữa mạch, tăng HDL cholesterol (cholesterol tốt) có tác dụng cải thiện và giảm xơ vữa mạch
Socola đen và các loại hạt: Đây là những thực phẩm rất tốt giúp ích cho việc cải thiện sức khỏe của mạch máu đặc biệt là giúp giảm xơ vữa mạch.
Trúc Chi (t/h theo VOV, Sức khỏe & Đời sống)