Cho con bú – việc làm tưởng như dễ dàng, bản năng nhưng không hẳn vậy, muốn cho con bú đúng cách bạn vẫn cần phải học. Cho con bú đúng cách thì sữa mẹ sẽ về nhiều và bạn không thấy mệt mỏi, em bé có thể bú thoải mái không bị gò bó. Vậy cho con bú như thế nào là đúng cách?
Trước câu hỏi này, bác sĩ Trần Vũ Quang (bệnh viện Phụ sản Trung ương) cho biết: "Tôi đã từng chứng kiến và biết đến nhiều câu chuyện đau lòng về những bà mẹ không biết cho con bú đúng cách và đã gây ra nhiều hậu quả khôn lường. Vì vậy, tôi đã đưa ra những cách để giúp các bà mẹ hiểu hơn và cho con bú đúng cách”.
Trước hết phải nhận biết dấu hiệu trẻ đòi ăn
Em bé có bản năng tự nhiên cho phép tìm thấy vú mẹ từ khi sinh. Những hành vi bản năng này được nhìn thấy sớm nhất là 1-2 giờ và tiếp tục ít nhất 3 tháng sau sinh. Chính những hành vi bản năng này giúp mẹ có thể nhận thấy dấu hiệu bé muốn ăn sớm nhất như: Xoay đầu từ mặt sang bên để tìm vú, nút lưỡi. Miệng chuyển động như đang bú mẹ. Rúc, tìm ngực mẹ hoặc quằn người, cho tay vào miệng,…
Khóc là một dấu hiệu đòi ăn muộn của việc bé cảm thấy đói, vì vậy thay vì đợi đến khi bé khóc quấy vì đói, mẹ nên nhận ra tín hiệu bé đòi ăn, cho bé ăn sớm hơn để trẻ không bị đói mẹ nhé.
Sau đó các bà mẹ cũng cần biết trẻ sơ sinh bú bao nhiêu là đủ?
Khi mới chào đời, dạ dày của trẻ sơ sinh rất nhỏ, kích thước chỉ bằng một quả anh đào, lúc này bé chỉ cần khoảng 7ml sữa cho mỗi cữ bú. Kích thước dạ dày của bé sẽ tăng dần theo từng ngày, đến ngày thứ 3 sau sinh, dạ dày của bé đã có kích thước tương đương một quả óc chó và có thể chứa được khoảng 22-27ml cho mỗi cữ bú. Phải đến cuối tuần đầu tiên, dạ dày của bé sẽ lớn tương đương bằng quả đào, có thể chứa được khoảng 45-60ml sữa.
Sau hai tuần đầu, trẻ có thể bú trung bình từ 60ml – 100ml/cữ. Khi đã được 3 tháng lượng sữa của bé mỗi lần bú có thể tăng từ 600-900 ml tương đương với khoảng 90-150 ml sữa/lần bú. và duy trì tiếp tục lượng này cho đến những tháng kế tiếp.
Khoảng cách cho bú các bà mẹ cũng cần chú ý
Khoảng cách bú phụ thuộc nhiều vào cân nặng của trẻ và tuổi thai của trẻ. Các trẻ sơ sinh có cân nặng nhỏ hơn 2000gr và dưới 37 tuần tuổi thai thì bú nhiều lần hơn để đảm bảo có được lượng dinh dưỡng đủ và cần thiết để phát triển.
Khoảng cách cho con bú thường xấp xỉ 1,5 giờ ban ngày và 2 giờ vào buổi tối.
Khoảng cách cho bú quan trọng vì nó sẽ cung cấp đủ cho trẻ nhu cầu về dinh dưỡng. Quyết định chế độ ăn thường ngày, đảm bảo cho mẹ và trẻ việc bổ sung nguồn năng lượng làm khỏe xương (người mẹ thông qua ăn uống, con thông qua bú). Trẻ càng sinh non thì việc cho trẻ bú càng khó khăn.
Năng lượng dành cho việc bú mút không đủ với lượng Calo mà trẻ nhận được do bú mẹ. Trẻ càng gần đủ tháng thì việc bú mút cũng tốt hơn. Do đó, nặng lượng nhận được do bú mẹ nhiều hơn năng lượng tiêu tốn cho việc bú mút vì lượng sữa bú được nhiều hơn so với trẻ non tháng. Khoảng cách bú vì thế cũng xa hơn.
Kỹ thuật bú sữa mẹ là điều quan trọng
Kỹ thuật bú sữa mẹ sẽ bao gồm một số quy tắc dưới đây:
Vị trí của mẹ: Người mẹ có thể nằm hoặc ngồi khi cho bú. Người mẹ sẽ tìm vị trí thuận tiện và thoải mái nhất để ôm trẻ. Bà mẹ có thể luyện tập các vị trí cho trẻ bú khác nhau.
Vị trí của con: Con có thể được ôm ở nhiều tư thế nhưng phải tuân thủ nguyên tắc sau: Đầu và mình của trẻ cần nằm trên một đường thẳng. Mặt của bé đối diện với ngực của mẹ, mũi của trẻ ngay trước núm vú (môi trên phải nằm dưới núm vú). Cơ thể của con nằm sát mẹ. Đối với trẻ mới sinh, người mẹ phải đỡ cả đầu, vai và mông trẻ.
Các tư thế cho bú là điều cuối cùng cần ghi nhớ
Khi cho bé bú ngồi thì mặt của em bé đối diện với mẹ trong khi cơ thể của em nằm trên một tay của người mẹ. Lưng em bé tì lên cánh tay của mẹ trong khi bàn tay mẹ nâng đỡ cổ em bé. Hoặc có thể ôm ru cho bé bú
Với tư thế bú nằm thì cả bé và mẹ cùng nằm song song, đối diện với nhau và bụng áp vào nhau. Tư thế này phổ biến với các bà mẹ sinh mổ hoặc bị đau ở đáy chậu, hoặc cũng phù hợp với các bà mẹ cần nghỉ ngơi khi nuôi con bằng sữa mẹ.
Mai Thu