Sự việc xảy ra tại Phú Yên hôm 11/12, khi Hội đồng thi hành án yêu cầu bác sĩ và điều dưỡng của Bệnh viện Đa khoa Phú Yên theo đoàn xác định tĩnh mạch và đưa kim tiêm vào người phạm nhân để thi hành án, sau đó, năm người của Đội thi hành án Công an tỉnh nhấn nút máy tiêm thuốc độc khiến nhiều người làm trong lĩnh vực y tế phản ứng.
Theo đó, ngày 22/05/2012 Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi Sở Y tế, đề nghị giám đốc Sở Y tế các tỉnh thành phố chỉ đạo giám đốc các bệnh viện thuộc tỉnh, thành phố cử bác sĩ hỗ trợ cán bộ thi hành án xác định tĩnh mạch trong trường hợp cần thiết theo yêu cầu của chủ tịch hội đồng thi hánh án tử hình.
Còn nghị định 82 cũng quy định, cán bộ trong ngành y tế nếu có tham gia thì chỉ là hỗ trợ để xác định tĩnh mạch (ven). Bởi việc xác định ven là nhiệm vụ của các đội thi hành án. Trách nhiệm tiêm thuốc độc cho tử tù không phải là nhiệm vụ của nhân viên y tế.
Theo ông Khang, sự việc xảy ra tại Phú Yên là do hiểu sai quy định và đã xảy ra chắc chắn ảnh hưởng đến tâm lý của cán bộ y tế. Tuy nhiên, sự việc đã qua đành phải chấp nhận, nhưng từ nay về sau chắc chắn không có chuyện cán bộ y tế phải tham gia trực tiếp lấy ven trong việc thi hành án tử tù mà chỉ hỗ trợ xác định ven trong những trường hợp khó, còn nhiệm vụ chọc ven là của đội thi hành án.
Bộ Y tế sẽ làm công văn gửi cho Sở Y tế 63 tỉnh thành để nhắc lại hai nội dung, 5/2012 và điều 9 của thông tư liên tịch 05, tinh thần bác sĩ hỗ trợ cho đội thi hành án trong trường hợp khó tìm ven, chứ không phải trực tiếp lấy ven. Còn người lấy ven phải là đội thi hành án, được hỗ trợ đào tạo xác định ven, lấy ven.
Theo Hồng Hải (Dân trí)