Bị cắn là chuyện bình thường
Có mặt tại bệnh viện thú y Hải Đăng của bác sĩ Hải Đăng (SN 1976, Giám đốc bệnh viện thú y Hải Đăng) đúng lúc anh đang khám cho một chú chó. Nhìn cử chỉ nhẹ nhàng đối với từng “bệnh nhân” có thể thấy được lòng yêu nghề và tình yêu động vật của vị bác sĩ tận tâm này.
Bác sĩ Hải Đăng cho biết, gia đình anh trước đây nuôi rất nhiều gia cầm và thường xuyên bị bệnh chết. Từ ngày học THCS bố anh đã mong muốn con mình trở thành bác sĩ thú y để có thể chữa bệnh cho vật nuôi trong nhà cũng như là của họ hàng, bà con làng xóm.
Khi anh Hải Đăng thi đỗ trường đại học Nông nghiệp I khoa Chăn nuôi thú y và sau đó công tác tại liên đoàn xiếc Việt Nam thì anh đã hiểu rõ hơn về mong muốn của bố.
“Ba thế hệ trong gia đình tôi làm nghề này vì thế tôi cũng thuận lợi hơn các bạn khác rất nhiều. Tôi được các bác, anh trong gia đình dẫn dắt để tiếp nối sự nghiệp.
Họ thường nói với tôi rằng: 'Mỗi con vật đều có tính nết và đặc điểm riêng, là một bác sĩ thú y cần phải coi chúng như một người bạn thì mới có thể chữa bệnh cho chúng được'. Giờ đây tôi vẫn giữ đúng tâm niệm, làm vì yêu động vật”, bác sĩ Hải Đăng chia sẻ.
Gắn bó với nghề bác sĩ thú y đã 20 năm nay, không ít lần anh bị chó, mèo bất ngờ quay ra cào cấu, tấn công.
Bác sĩ Hải Đăng nhớ lại: “Chăm sóc các bạn chó bị ốm khó hơn chăm người bệnh vì chúng không thể nói cho mình biết cơ thể chúng đang thế nào.
Bác sĩ sẽ phải tự cảm nhận, tự đọc tình trạng của chúng. Trước khi biết bệnh của một con chó thì phải có tác động về mặt tâm lý. Vì khi bệnh, con chó ấy sẽ bị stress, kêu nhiều và hay cào cắn người.
Có lần, một vị khách đưa thú cưng của mình đến, tôi chưa kịp quan sát mà khám ngay. Bị người lạ chạm vào, chú chó kêu inh ỏi rồi lao vào tấn công, may mà tôi né kịp nên không nguy hiểm gì.
Sau vài ngày chăm sóc, khi chú chó đã quen với bác sĩ rồi thì tình trạng tấn công cũng giảm bớt đáng kể. Tôi đã bị “bệnh nhân” cắn không ít lần, bù lại cơ thể tôi có sức đề kháng, miễn dịch tốt, những vết cắn có thể tự lành nhanh chóng”.
Không chỉ thường xuyên phải đối mặt với sự nguy hiểm đến từ phía “bệnh nhân”, bác sĩ thú y cũng phải “quen” với nhiều trạng thái tâm lý của chủ nhân vật nuôi. Người thì thái quá, thấy chó cưng của mình hắt hơi một chút là cuống cuồng giục bác sĩ, nhưng có người thì bỏ bê, đợi vật nuôi bệnh đến lê lết mới nhớ tới thầy thuốc.
Thậm chí khi thú cưng chết thì nhốn nháo rồi đổ lỗi cho bác sĩ. Khi nói chuyện với chúng tôi, các bác sĩ thú y bảo rằng, những lúc như thế họ rất buồn, nhưng rồi đều chấp nhận và tìm cách vượt qua để tiếp tục gắn bó với nghề.
Bác sĩ kiêm người nhà
Các bác sĩ thú y còn phải đối diện với sự quá tải, nhất là những ngày lễ Tết, bởi đây là thời điểm chó mèo “nhập viện” đông nhất. Thông thường, những ngày này các bác sĩ thú y phải làm việc thông tầm mới đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.
Không chỉ vậy, ngày Tết, có không ít chú chó lang thang cũng khiến các bác sĩ động lòng và đem về chăm nuôi, cứu chữa.
Chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ nhất bác sĩ Hải Đăng cho hay, vào Tết năm 2015, một nhóm ở đội cứu hộ chó mèo mang đến bệnh viện một chú chó ta đi lang thang khoảng 12-15 tuổi. Ngay lập tức, bác sĩ Hải Đăng cùng những người trực hôm đó đã không ngần ngại và bắt tay luôn vào việc kiểm tra, khám chữa bệnh cho chú chó. Và rồi, họ phát hiện chú bị ung thư di căn ở bụng rất nặng và cần phẫu thuật gấp.
Để cứu sống chú chó này là cực kỳ khó khăn, dù thế, các bác sĩ vẫn quyết tâm tiến hành phẫu thuật. Và ca phẫu thuật đã thành công ngoài mong đợi. Tuy nhiên chú chó đã chết sau 3 tháng có người nhận nuôi.
“Tôi rất buồn và hình ảnh đôi mắt tha thiết cầu cứu của chú chó cứ hiện hữu mãi trong đầu tôi”, bác sĩ Hải Đăng bày tỏ.
Hơn 2 năm theo nghề, bác sĩ Phạm Thị Hải Yến (SN 1993, Nghệ An) xác nhận, công việc của chị thường bận rộn vào những ngày lễ Tết.
Có những “bệnh nhân” còn đẻ ngày mùng một, bác sĩ thú y khi ấy phải lập tức lên đường. Ca mổ kéo dài đến gần sáng, thấy “mẹ tròn con vuông” cả nhà ai cũng phấn khởi, họ cảm ơn bác sĩ vì đã quá nhiệt tình.
“Giống như các bệnh viện dành cho người, “bệnh viện” thú y cũng phải phân chia lịch trực, vì ngoài những trường hợp cấp cứu còn có những trường hợp bệnh nặng phải gửi lại bệnh viện để theo dõi.
Với người bệnh, bác sĩ chỉ cần đảm bảo về mặt chăm sóc y tế, còn chăm sóc cá nhân sẽ có người nhà bệnh nhân hỗ trợ. Nhưng với thú y, chúng tôi phải lo cho chúng từ việc ăn uống đến vệ sinh rất vất vả”, bác sĩ Yến chia sẻ.
Để trở thành một bác sĩ thú y cần có đam mê nghề, họ phải là những người yêu động vật và tâm huyết. Khi đã nhận chăm sóc cho bất kỳ con vật nào thì phải coi chúng như những đứa con của mình. Nếu không có sự tận tâm, không có tình yêu nghề sẽ không thể theo đuổi công việc này bởi nó khá vất vả, đòi hỏi nhiều thời gian và công sức của người làm nghề.