Ngày 13/7, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế và sự phân công của sở Y tế Tp. Hồ Chí Minh, đoàn công tác gồm 59 cán bộ, bác sĩ, nhân viên thuộc các đơn vị sự nghiệp Y tế tỉnh Thanh Hoá do bác sĩ Nguyễn Viết Hải làm đội trưởng lên đường chi viện cho bệnh viện Hồi sức Covid-19 (thuộc bệnh viện Ung bướu Tp. Hồ Chí Minh, cơ sở 2 ở Tp. Thủ Đức).
Tranh thủ được khoảng thời gian ít ỏi khi nghỉ ngơi giữa ca trực, chia sẻ với PV Người Đưa Tin, bác sĩ Nguyễn Viết Hải cho biết: “Vào Tp. Hồ Chí Minh chia lửa cùng các đồng nghiệp ở trong này, cùng chiến đấu chống lại bệnh dịch, cùng giành giật sự sống cho các bệnh nhân Covid-19, nhất là những bệnh nhân nặng, nguy kịch ở bệnh viện Hồi sức Covid-19, chúng tôi lại có dịp thấu hiểu thêm về tình người”.
Gần 8 tuần trôi qua, bác sĩ Hải cùng các đồng nghiệp luôn phải làm việc bằng hơn 100% sức lực. Hằng ngày, phải giành giật sự sống cho hàng trăm bệnh nhân nặng và nguy kịch từ tuyến dưới chuyển lên.
Khoa Hồi sức tích cực, được xem là nơi áp lực, cam go nhất lại có rất ít giường bệnh và hầu như lúc nào cũng trong tình trạng quá tải. 100% bệnh nhân đều phải thở máy, nhiều người bệnh phải can thiệp lọc máu, tình trạng sức khỏe liên tục diễn biến xấu.
Ngoài ra, công việc thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân mắc Covid-19 nặng thông qua hút dịch, đặt ống đội khí quản, thậm chí là cấp cứu ép tim ngoài lồng ngực đó là những lúc nguy cơ lây nhiễm bệnh cao nhưng các y, bác sĩ đã chuẩn bị tinh thần và sẵn sàng đối đầu với thử thách để hoàn thành nhiệm vụ.
“Để công việc suông sẻ hơn thì đầu tiên là đoàn công tác, hỗ trợ phải luôn chủ động trong công việc, chuyên môn vững; thứ hai là chúng tôi phải có tinh thần thép để cứu chữa bệnh nhân, nếu tinh thần yếu thì sẽ không thể chiến đấu lâu dài trong môi trường có nhiều áp lực mỗi ngày phải chăm sóc cho hàng trăm bệnh nhân nặng. Thứ ba là luôn đảm bảo mình có sức khỏe một cách tốt nhất thì mới có điều kiện để giúp đỡ mọi người, cách bảo vệ tốt nhất là thực hiện nguyên tác phòng hộ một cách triệt để, đúng quy trình về mặt chuyên môn”, bác sĩ Hải chia sẻ.
Không riêng gì bác sĩ Hải mà các y bác sĩ khác đang từng ngày giành giật lại sự sống cho bệnh nhân Covid-19 cũng lựa chọn đối đầu để chinh phục những khó khăn, dịch bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng (Phó trưởng đoàn), người trực tiếp điều trị các bệnh nhân nặng ở bệnh viện Hồi sức Covid-19 cho hay: "Đội ngũ y, bác sĩ chúng tôi làm việc không kể ngày đêm, một ngày có 3 ca: ca sáng 7h30h-14h30; ca chiều:14h30-21h30; ca tối: 21h30-7h. Công việc chăm sóc bệnh nhân nặng khá là áp lực, trong điều kiện dịch bệnh phức tạp thì áp lực lại càng nhiều hơn".
“Có những bệnh nhân, ngày đầu mới vào phòng cấp cứu thở oxy với tinh thần lo lắng, hoang mang, nhưng có bác sĩ cận kề động viên nên đã yên tâm điều trị... Có bệnh nhân diễn tiến nặng và tử vong khi không có người thân bên cạnh, nhân viên y tế là người chăm sóc cuối cùng; rất may có các đội tình nguyện, phật tử cầu nguyện giúp bệnh nhân trước lúc mất, trong hoàn cảnh như vậy chúng tôi đều không cầm được nước mắt”, bác sĩ Dũng tâm sự.
Cũng theo chia sẻ của bác sĩ Dũng, cuối tuần này, đoàn công tác gồm 59 cán bộ, bác sỹ, nhân viên thuộc các đơn vị sự nghiệp Y tế tỉnh Thanh Hoá sẽ hoàn thành nhiệm vụ và lên đường trở về nhà sau thời gian hơn 2 tháng làm nhiệm vụ. "Tuy nhiên, với tinh thần tương thân, tương ái, tiếp tục cùng chung tay hỗ trợ Tp. Hồ Chí Minh chống dịch, tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục cử đoàn y bác sĩ khác vào để thay đoàn chúng tôi tiếp tục nhiệm vụ", bác sĩ Dũng nói.
Chia sẻ về công tác điều trị, tiến sĩ, bác sĩ Chuyên khoa 2 Nguyễn Trí Thức, Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy kiêm Giám đốc bệnh viện Hồi sức Covid-19 cho biết: “Hiện nay, áp lực lớn nhất của bệnh viện Hồi sức Covid-19 là hoạt động với một cường độ cao nhất, công suất lớn nhất nên ban đầu cũng có một số vấn đề về hậu cần điều trị chưa đảm bảo. Vì vậy, chúng tôi đều cố gắng vượt qua hoàn cảnh với nỗ lực bản thân ở mức độ cao nhất”.
“Hiện tại tất cả mọi người đều quán triệt không kể ngày giờ mà chỉ quan tâm đến các trường hợp bệnh nhân nặng, vì nhiệm vụ quan trọng của các bác sĩ bệnh viện Hồi sức Covid-19 là phải giành lại sự sống cho các bệnh nhân. Tuy nhiên, muốn giành lại sự sống cho bệnh nhân thì phải đánh chặn từ xa, không để cho bệnh nhân chuyển nặng.
Các y, bác sĩ xác định khổ cỡ nào cũng được, miễn bệnh nhân khỏe lại là chúng tôi vui và tinh thần cũng như được sống lại cùng bệnh nhân. Ngoài ra, các nhân viên y tế nhận được rất nhiều tin nhắn điện thoại, chia sẻ động viên và hỏi thăm từ miếng ăn, giấc ngủ và tất cả sự hỗ trợ của cộng đồng doanh nghiệp, của bà con. Đây là nguồn động viên tinh thần, là sức mạnh tiếp sức cho các đội ngũ y, bác sĩ trong bệnh viện. Đặc biệt, động lực lớn nhất của các bác sĩ điều trị là nhìn những bệnh nhân nặng đã dần hồi phục và được chuyển viện về những bệnh viện thấp hơn”, bác sỹ Nguyễn Tri Thức cho biết.
Cũng theo bác sĩ Thức, việc các đoàn y, bác sĩ của các tỉnh, trong đó có đoàn công tác gồm 59 cán bộ, bác sĩ, nhân viên thuộc các đơn vị sự nghiệp Y tế tỉnh Thanh Hoá chi viện cho Tp. Hồ Chí Minh vào thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại Tp. Hồ Chí Minh là điều rất đáng quý. Sự hỗ trợ của đội ngũ y, bác sĩ này sẽ góp phần giúp Tp. Hồ Chí Minh sớm vượt qua đại dịch.