Cuộc hội ngộ sau 26 năm
Một cuộc hội ngộ thú vị của tác giả cuốn sách đã 18 lần tái bản (tính từ 1974) với hơn nửa triệu cuốn cùng các thế hệ bà mẹ khắp mọi miền đã diễn ra vào một chiều cuối hè tại nhà giáo sư Trần Văn Khê. Bất ngờ đầu tiên là sự hiện diện của chị Hồ Thị Hoàng Anh, người đoạt giải “Bà mẹ nuôi con khoẻ” cấp thành phố cách đây 26 năm (1987). Hồi đó, chị Anh bế đứa con trai thứ hai tên Nguyên Giáp đi thi, chị còn nhớ: “Câu hỏi nào mình cũng trả lời được, 26 tuổi nhưng nhìn mặt còn nhí lắm. Các vị giám khảo nói mình sao còn nhỏ mà cái gì cũng biết, mình nói nhờ đọc cuốn Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng. Mình đâu có biết BS Đỗ Hồng Ngọc, tác giả cuốn sách ấy trong ban giám khảo”.
Đi cùng chị là chàng trai vừa tốt nghiệp ngành y Nguyên Giáp, cậu bé năm nào oà khóc khi mẹ bế lên sân khấu nhận giải, giờ đi theo mẹ để nhìn mặt vị bác sĩ từng có những lời khuyên qua các trang sách giúp cậu khôn lớn thành người.
BS Đỗ Hồng Ngọc đang chia sẻ với những bạn đọc đặc biệt của mình.
Cô Kim Chi, mới lên chức bà kể lại câu chuyện cách đây hai mươi mấy năm. Lúc đó nhà chị ở một nơi hẻo lánh của huyện Đơn Dương – Lâm Đồng, sinh con thì bị thiếu tháng, khi bé mới rời bụng mẹ, sợ con chết vì lạnh, chị lấy hai chai nước sôi bọc vào quần áo để hai bên ủ ấm cho cháu. Nhờ người bạn cho cuốn sách của BS Ngọc nên khi con bị tiêu chảy, bị sởi, chị đều làm theo. Cuốn sách đó tới nay chị đưa lại cho con gái, dặn dò con đừng làm mất mà phải xem như một cứu tinh cho những lúc nuôi con một mình.
Hàng triệu thông tin không bằng một lần trò chuyện
Thiên Kim, một cô gái tuổi 30 lần đầu làm mẹ ngồi cạnh tôi thủ thỉ: “Em có thai đã hơn năm tháng nhưng ông xã cứ đi xa. Em vào mạng để tìm thông tin về bà mẹ mang thai, trẻ sơ sinh, các bệnh thường gặp… thì ôi thôi thấy hàng triệu kết quả mà mỗi nơi bày một cách, khiến em còn hoang mang hơn. Cuối cùng, em tra được cuốn sách của BS Ngọc. Sắp tới sinh con, nghĩ cảnh không có ông xã bên cạnh, nên quyết tâm đi theo... BS Đỗ Hồng Ngọc. Cuốn sách nào của ông em cũng có, buổi giao lưu nào ông nói chuyện em cũng đến. Em biết còn có nhiều kinh nghiệm khác cần học hỏi, vì vậy em mới đến đây gặp các bác, các chị, các bạn đã từng làm mẹ để nghe được nhiều chuyện hay, nhưng em vẫn mong được trò chuyện với bác sĩ một lần cho chắc ăn, để tự tin đi sanh con!”
Nhiều bà mẹ khác dù đã tham khảo hằng hà sa số thông tin trên internet như Kim, vẫn hỏi bác sĩ chuyện muôn thuở: “Thời buổi này có nên nằm than hay không?” Bác sĩ trả lời nhẹ nhàng: “Vì ngày trước người mẹ sanh con phải ra cái chòi ngoài đồng nằm nên sợ lạnh phải đốt than sưởi ấm cho cả con lẫn mẹ. Giờ đã có phòng ốc sạch sẽ ấm áp, nếu đốt than trong phòng, khí carbon độc hại sẽ làm khổ hai mẹ con. Lại còn nhiều ngày không tắm rửa, gội đầu, đánh răng thật mất vệ sinh. Nhiều người khoẻ mạnh, sinh con xong chỉ cần một tuần đã đi ta bà khắp nơi cả mẹ lẫn con. Trẻ con được ra ngoài, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, có vitamin D cũng cứng cáp hơn”.
Nuôi con bằng tình yêu thương
Chị Bùi Trân Thuý, người phụ trách một bản tin về nữ giới của đại học Hoa Sen chia sẻ: “Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc có ảnh hưởng lớn đối với tôi khi tôi nuôi con trong lúc nghèo khó và sau này, nuôi cháu ngoại với một vài bất đồng giữa bà ngoại (nuôi trẻ theo kinh nghiệm) và người mẹ (nuôi trẻ theo khoa học hiện đại). Trò chuyện với anh Ngọc, tôi luôn cảm thấy yên tâm vì anh là một bác sĩ biết lắng nghe, không phải chỉ để trị bệnh cho trẻ bớt “đau” mà còn chia sẻ nỗi “khổ” của những người thân. Nỗi khổ ấy sẽ vơi đi nếu được ai đó nghe và thấu hiểu”.
“Nuôi trẻ là một bản năng, nghệ thuật hay khoa học?” - Cả ba – BS Đỗ Hồng Ngọc trả lời như thế trong phần mở đầu cuốn sách. Là một bản năng, bởi không cần học hỏi ở bất cứ đâu, người mẹ cũng có thể nuôi con đến ngày khôn lớn. Nếu không bị lệch lạc đi, bản năng có thể là một hướng dẫn viên tốt. Là một nghệ thuật, bởi hơn bất cứ một nghệ sĩ nào khác, người mẹ đã tạo nên một tác phẩm sống: đứa con, một con người, một cá nhân. Săn sóc bé, dạy dỗ bé lớn lên là cả một nghệ thuật uyển chuyển đầy sáng tạo có mục đích cuối cùng là giúp bé phát triển trọn vẹn theo khuôn mẫu định sẵn, nhưng là một khuôn mẫu cá biệt, không giống một khuôn mẫu nào khác. Là một khoa học, bởi nếu có đôi lúc bản năng ngần ngại, nghệ thuật phân vân thì chính kiến thức khoa học sẽ soi sáng con đường phải chọn.
Yêu thương và chia sẻ cách yêu con mình sao cho vừa đúng bản năng chân thành, lại vừa khéo léo nghệ thuật mà còn phải thật khoa học, đó mới là tình yêu thương đúng nghĩa.
Bác sỹ Đỗ Hồng Ngọc (theo Sài Gòn Tiếp thị)