TS. Nguyễn Huy Quang – Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế đã có những chia sẻ thẳng thắn với PV báo Người Đưa Tin về vấn đề này.
Thưa ông, hiện nay theo báo cáo, tại nhiều bệnh viện tuyến trung ương có tình trạng nhiều bác sỹ xin nghỉ việc tại bệnh viện công. Ông đánh giá sao về vấn đề này, liệu nó có thể thành xu hướng… “chảy máu trắng”?
Trước hết, cá nhân tôi cho rằng, đây có thể lại là đòn bẩy rất tốt để kích thích y tế công phát triển. Khi y tế tư nhân ra đời với cơ sở vật chất tốt, có đội ngũ bác sĩ giỏi từ bệnh viện công ra làm việc, chất lượng khám chữa bệnh cao sẽ thu hút được nhiều người bệnh.
Khi đó các bệnh viện công sẽ thiếu bác sĩ giỏi, chất lượng khám chữa bệnh đi xuống, người bệnh quay lưng... sẽ ảnh hưởng đến sự tồn tại của bệnh viện và không còn cách nào khác bệnh viện công phải đầu tư, đổi mới chất lượng cũng như cung cách phục vụ bệnh nhân.
Thứ 2, tôi cho rằng “chảy máu trắng” khó có thể là “cơn bão” được. Bởi ở thành phố nào đó hay tỉnh nào đó xuất hiện một nhu cầu nhân lực cho y tế tư nhân với mức thu nhập cao thì nơi đó sẽ xuất hiện việc dịch chuyển bác sĩ từ y tế công sang y tế tư nhân theo quy luật cung cầu.
Ông có thể giải thích và những nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng bác sỹ rời bỏ bệnh viện công như hiện nay?
Tôi cho rằng đây là một hiện tượng xã hội. Ai cũng mong muốn có việc làm tốt, môi trường làm việc thuận lợi, an toàn để có thể phát huy hết khả năng, để cống hiến hết mình.
Với bác sĩ hiện nay môi trường làm việc đang rất vất vả, áp lực lớn, luôn phải đối mặt với kiện cáo.
Làm tốt mọi việc thì không sao nhưng chỉ một sai sót là to chuyện. Bởi ngành y là ngành nhạy cảm, liên quan đến tính mạng con người. Vì vậy nhiều bác sĩ cảm thấy môi trường làm việc tại bệnh viện công không thuận lợi, quá nhiều áp lực.
Liệu áp lực công việc có phải là nguyên nhân chính không thưa ông?
Tôi nghĩ lý do chính mà các bác sĩ quyết định rời bệnh viện công chính là bởi thu nhập quá thấp. Một bác sĩ học tập mải miết 9-10 năm mới có thể hành nghề độc lập nhưng lại được hưởng mức lương, phụ cấp không hề tương xứng.
Sẽ rất phi lý khi một bác sĩ có năng lực, trình độ chuyên môn cao nhưng thu nhập lại không đủ để nuôi vợ, nuôi con. Vậy làm sao bác sĩ có thể yên tâm làm việc, hết mình vì người bệnh được. Vì thế bác sĩ phải mở phòng khám tư, làm thuê cho các bệnh viện tư... và tệ nạn nhận phong bì của bệnh nhân cũng từ đó mà ra.
Thực tế, không ít bệnh viện, bác sĩ hiện đang giàu lên nhanh chóng, vậy tại sao cứ mãi kêu ca về thu nhập thấp. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?
Đúng là có một bộ phận nhỏ bác sĩ đang ngày một giàu lên. Số bác sĩ này chủ yếu tập trung ở các bệnh viện lớn ở tuyến trung ương, tuyến tỉnh có chuyên môn giỏi và ở các chuyên khoa ngoại, chẩn đoán hình ảnh, sản, nhi, răng...
Họ giàu bằng chính sức lao động của mình. Mở phòng khám tư ngoài giờ hay làm thuê cho các bệnh viện tư đồng nghĩa với việc họ phải làm việc nhiều hơn, vắt kiệt sức lao động hơn.
Một bác sĩ chuyên khoa ngoại ở TP.Hồ Chí Minh vào hai ngày nghỉ cuối tuần bay lên Gia Lai để mổ dịch vụ cho 3-4 bệnh nhân để kiếm thêm tiền là chuyện rất chính đáng.
Người bệnh ở vùng đó họ có nhu cầu được bác sĩ giỏi phẫu thuật tại bệnh viện quê nhà để gần gũi người thân, sẵn sàng trả phí cao thì bác sĩ không ngần ngại về với bệnh nhân. Thực tế cho thấy, bác sĩ giỏi sẽ luôn đông bệnh nhân và nhận được nhiều lời chào mời về các bệnh viện tư nhân.
PV: Xin cảm ơn ông!
Vi Hậu