Bác sỹ lo hậu sự cho người nghèo ở xứ Cù Lao

Bác sỹ lo hậu sự cho người nghèo ở xứ Cù Lao

Thứ 6, 08/03/2013 08:47

Nếu hộ gia đình nào trong xã có thân nhân không may qua đời, đội hòm sẽ đứng ra hỗ trợ hoàn toàn quan tài và đồ táng, còn như người ở làng khác tới xin đội cũng không ngần ngại giúp đỡ. Nhiều năm qua, trại hòm từ thiện ở xã Tấn Mỹ (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) là điểm đến nhân đạo của những người nghèo, mô hình tương trợ được chính quyền và nhân dân hết lòng ủng hộ. Ít ai biết được, người điều hành trại hòm là một bác sỹ đang công tác ở TP. Hồ Chí Minh.

Quê nghèo trong tim

Xã Tấn Mỹ (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) nằm trên dẻo đất Cù Lao Giêng, một cồn ụ nhô lên giữa bốn bề ngập nước của sông Tiền. Cuộc sống người dân quanh năm dập dềnh theo mùa nước đầy vơi. Dù còn bộn bề khốn khó, nhưng tình cảm con người nơi đây bao giờ cũng chân chất, chan hòa. Trên chuyến xe trở về quê nhà, bác sỹ Trần Hoàng Út (SN: 1967, Khoa Hồi sức - Chống độc, bệnh viện Nhi đồng I, TP. HCM). Anh - người được biết đến với những chuyến từ thiện cho bà con nghèo khó và là người sáng lập ra trại hòm nhân đạo dành cho người nghèo ở xã Tấn Mỹ tâm sự: "Không hiểu sao cái cồn đất nhỏ giữa sông quê tôi nghèo là vậy, nhưng đi đâu cũng thấy nhớ. Sau những ngày làm việc căng thẳng ở Sài Gòn đô hội, tôi thích nhất là được về thăm quê". Quê anh là Cù Lao Giêng, vùng đất nhỏ của Nam Bộ nổi tiếng cả trong văn chương, lịch sử và bề dày văn hóa.

Bác sỹ Út cho biết, lần này về quê mục đích là thăm hỏi trại hòm miễn phí dành cho người nghèo mà 2 năm trước anh chủ trương lập ra. Đồng thời trao đổi với lãnh đạo điểm trường tiểu học cơ sở E  Tấn Mỹ (xã Tấn Mỹ) để xem xét giúp đỡ kinh phí làm lại nền trường, vì chứng kiến cảnh các em chân trần đứng dưới cát phỏng chào cờ không đành lòng. Ở xã Tấn Mỹ của Cù Lao Giêng nhiều năm nay bác sỹ Trần Mạnh Út đã làm nhiều công việc thiết thực, được chính quyền hoan nghênh, bà con yêu quý.

Ngoài những công việc trên, bác sỹ Út còn tự bỏ kinh phí làm đèn đường công cộng cho bà con tiện đi lại, ý định trồng cây xanh cổ động phong trào giữ gìn môi trường, rồi mở quỹ khuyến học kêu gọi con em trong cù lao tới trường. Vậy nên gặp chúng tôi ông Phó chủ tịch xã Tấn Mỹ là Nguyễn Thanh Điền cứ xuýt xoa: "Xã hội không hiếm người giàu có, nhưng sống vì xã hội, gần với người nghèo như bác sỹ Út thì mấy ai, chúng tôi mang ơn anh nhiều lắm”.

Xã hội - Bác sỹ lo hậu sự cho người nghèo ở xứ Cù Lao

Bác sỹ Út 

Bác sỹ Út cho biết, bản thân anh sinh ra và lớn lên ở miền quê khốn khó này, ngày thành tài mong ước duy nhất của anh là quay về giúp đỡ cho người nghèo bằng những công việc thiết thực. Anh là người kiệm lời, nói năng điềm đạm, hiền lành và đặc biệt dễ đồng cảm với người nghèo. Ở bệnh viện Nhi đồng I, anh là thành viên năng nổ của đoàn từ thiện gồm những bác sỹ trong bệnh viện tự lập ra. Anh cùng đoàn đã tổ chức làm từ thiện bằng cách trích thu nhập cá nhân mỗi tháng để tổ chức những đợt khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho đồng bào vùng sâu. "Tại bệnh viện, nhiều trường hợp bệnh nhân nghèo đến khám chữa nhưng không qua khỏi, anh vận động đồng nghiệp cùng bản thân góp tiền, thuê xe cho họ về quê an táng. Người  nghèo vốn đã khổ, đi viện càng tốn kém, nằm viện hàng tháng trời vẫn không giữ được mạng sống, không còn tiền đưa xác về quê, chúng tôi thường gom tiền lại giúp đỡ họ. Gặp trường hợp như thế không chỉ riêng tôi mà bạn và mọi người cũng sẽ làm thế", bác sỹ Út chia sẻ suy nghĩ của mình.

Năm nay đã bước sang tuổi 46, vẫn độc thân, nhưng đó không phải là điều làm anh buồn. Như anh bảo, những chuyến từ thiện cùng đồng nghiệp đến nơi nào thiếu thốn, xa xôi, tận tay khám, phát thuốc cho người nghèo đó là niềm vui lớn nhất của anh. Lúc rảnh rỗi anh lại về quê gặp bạn cũ, trò chuyện với người già, thăm hỏi động viên các em nhỏ đi học. Nhiều người bảo anh có suy nghĩ khác người. Người ta sống là để thu vào, còn anh sống chỉ để cho, để quan tâm người khác. Anh bảo, khi con người rơi vào khốn khó mới cảm nhận được sự cần thiết của sẻ chia. 

Có lẽ tuổi thơ khổ ải đã hun đúc lên khối tình cảm chân thành của anh. Anh kể, sinh ra trên xứ cù lao này, nhà đông anh em, tuổi thơ của Út là những năm tháng khốn khó. Anh vẫn nhớ như in lời cha mẹ dặn: "Nghèo thì phải gắng học, dẫu sao cầm bút cũng nhẹ hơn cầm cái cuốc, cái cày. Muốn giúp được người thì con hãy tự giúp bản thân mình trước đã. Cha mẹ mất sớm, chàng trai bất hạnh quyết tâm đèn sách, chọn nghiệp cứu người để phấn đấu. "Ngày đó mình chỉ có ước mơ sau này làm bác sỹ đi chữa bệnh cho những người nghèo mà thôi", bác sỹ Út tâm sự.

Xã hội - Bác sỹ lo hậu sự cho người nghèo ở xứ Cù Lao (Hình 2).

Bác sỹ Út cùng đội hòm miễn phí ở Cù Lao Giêng (phải ngoài cùng)

Độc thân là để... giúp người

Là một bác sỹ thành đạt, nhưng anh vui vẻ với cuộc sống đơn hình độc bóng, không ràng buộc bởi gia đình, anh bảo đó là điều kiện để có thể dễ dàng thực hiện những chuyến từ thiện. Trong những lời nói của vị bác sỹ  luôn chứa chất lòng vị tha. Rất ít khi anh đề cập đến chuyện riêng tư của bản thân hoặc những việc làm tư lợi. Anh bảo giờ công việc ổn định ở bệnh viện, không còn nghèo khó như xưa nữa, có điều kiện thì nên để giúp người nghèo. Tất cả thu nhập hiện nay anh đều dành một ít cho quỹ từ thiện của mình, 7 năm nay anh đều âm thầm cùng đội từ thiện của mình làm những việc như thế.

Một trong những công việc thiện nguyện của vị bác sỹ này là thành lập trại hòm nhân đạo, hướng tới người nghèo đã hoạt động rất hiệu quả hơn 2 năm qua. Anh lý giải: "Ngày trước quê tôi nghèo lắm, người chết không có quan tài để táng, thấy cảnh bó chăn, chiếu đi chôn mà xót xa. Từ đó anh nảy sinh ý tưởng lập nên trại hòm bằng nguồn kinh phí của mình. Ngay từ lúc đưa ra ý tưởng thiết thực đó, anh được dân làng ủng hộ, mỗi người đóng góp một ít, không bao lâu quỹ táng liệm miễn phí nhanh chóng ra đời đi vào hoạt động. Việc làm đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được. Bác Hồ Văn Thượng (70 tuổi) thành viên nằm trong ban, đồng thời là người quản lý trại hòm cho biết, duy chỉ trong năm 2012 đội đã hỗ trợ mai táng cho 25 hộ gia đình khó khăn có người không may qua đời. Không những hỗ trợ quan tài, đội còn hỗ trợ thêm kinh phí nếu xét gia cảnh hộ gia đình nào đó quá khốn khó.

Mô hình trại hòm nhân đạo đã khích lệ lớn tinh thần vì người nghèo ở xứ Cù Lao Giêng. Từ ngày quỹ ra đời, quan tài được đóng sẵn không ngừng tăng về số lượng. Từ vật liệu đến thợ đóng và nhà chứa quan tài đều là công sức và tiền ủng hộ của nhân dân. Bác Thượng vui mừng cho biết thêm: "Hoạt động của đội không nhằm mục đích vụ lợi nên được bà con hưởng ứng. Từ việc phải mua gỗ đắt đỏ đến nay đã có người sẵn sàng bán giá rẻ hoặc tặng gỗ cho trại hòm. Thợ đóng cũng lấy công ít hơn. Điều vui mừng là chúng tôi còn vận động được 2 xe ô tô mai táng bằng số tiền quyên góp từ các nhà hảo tâm. Từ ngày thành lập trại hòm, những người chết phải cuốn chiếu, bó chăn đã không còn, đó là một nỗ lực của đội mà chính quyền xã Tấn Mỹ ghi nhận. "Tôi chỉ suy nghĩ giản đơn là không để người nghèo phải đơn độc khi gặp hoạn nạn", bác sỹ Út nói.

Trả lời câu hỏi, sống một mình chắc chắn có lúc anh buồn? Vị bác sỹ chỉ cười hiền điềm đạm trả lời: "Khi lấy hạnh phúc người khác làm niềm vui cho mình bạn sẽ thấy không còn cô đơn".                   

Bác sỹ Út tự hào mình được sinh ở Cù Lao Giêng. Đây là một cồn đất cổ tứ bề sông nước. Dù cuộc sống người dân nghèo khó nhưng nơi đây đã sản sinh ra nhiều tên tuổi lớn. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nguyên Bộ trưởng bộ Ngoại giao Việt Nam Ung Văn Khiêm, Giáo sư - Bác sỹ nhân dân Trịnh Kim Ảnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Quyền Sinh và nhiều nhân vật nổi tiếng khác. Đặc biệt, ở Cù Lao Giêng có những công trình kiến trúc cổ bề thế đặc biệt, Nhà thờ Cù Lao Giêng (thánh đường đầu tiên của xứ Nam Bộ), tu viện dòng nữ tu Chúa Quan Phòng, nhà thờ cổ dòng tu Phan- xi- cô và nhiều công trình cổ khác.

Đăng Văn

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.