Trên cả nước nhất là ở TP.HCM, ung thư phổi là loại bệnh ác tính thường gặp nhất ở nam giới. Khoảng 90% liên quan tới thuốc lá. Trong các loại bệnh mạn tính đe doạ mạng sống con người thì ung thư do thuốc lá lại nhiều tiềm năng phòng tránh nhất.
Đại dịch thuốc lá
Chưa từng gặp. Ngày xưa dịch hạch, dịch tả, đậu mùa gây đại dịch giết thật nhiều người. Ngày nay nhân loại đang vừa nuôi dưỡng vừa chống chọi đại dịch thuốc lá, mối đe doạ sức khoẻ lớn nhất loài người từng gặp. Thuốc lá gây chết sớm cho hơn phân nửa số người hút lâu hút nhiều. Tính chung thuốc lá làm giảm thọ 8 – 10 năm.
Theo tổ chức Y tế thế giới, hiện nay trên thế giới khoảng 1,3 tỉ người hút thuốc, xấp xỉ 1/3 dân số toàn cầu, tính từ tuổi 15. Mỗi năm hơn 5 triệu người chết vì hút thuốc và hơn 600.000 ca chết do hít khói ké. Năm 2030, sẽ có 2 tỉ người hút. Tử vong sẽ lên đến 8,3 triệu, hơn 70% ở các nước nghèo. Dẫn đầu hút thuốc là Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Nga – năm nước chiếm khoảng phân nửa số hút toàn cầu. Thuốc lá gây 100 triệu ca tử vong trong thế kỷ 20. Ước tính con số sẽ lên đến 1 tỉ vào thế kỷ 21.
Sát thủ nặng tay. Là sát thủ hàng đầu trên hành tinh, thuốc lá không chỉ gây ung thư phổi mà tới khoảng 15 loại ung thư gồm thanh quản, bao tử, hốc miệng, họng, môi, vòm họng, thực quản, thêm tuỵ tạng, bọng đái, cổ tử cung, ung thư máu và vú... danh sách dài dằng dặc. So với người không hút, người ghiền thuốc lá có nguy cơ ung thư gấp bội (mười lần ở phổi và thanh quản, bảy lần ở họng, bốn lần ở với miệng, thực quản…) Không chỉ ung thư, thuốc lá còn gây đủ thứ bệnh tim mạch, xáo trộn sinh dục, cườm mắt, viêm phổi, viêm nướu răng, phình động mạch chủ bụng. Nên nhớ các bệnh tim mạch, giết người cái rụp còn nhanh hơn ung thư.
Chồng hút vợ hít con ké. Không ngậm điếu thuốc mà vẫn hít khói gọi là hút thụ động. Chỗ vui chơi đông người (quán bar, quán càphê), khói thuốc được phân phối đều, mọi người “cùng hưởng”. Trong nhà hàng tiệc cưới ít người hút, nhưng ngoài hành lang, trong toalét mịt mùi khói thuốc, ai nấy vẫn thản nhiên hít khói. Môi trường sống bị cố tình làm ô nhiễm. Hút thuốc thụ động tăng nguy cơ ung thư phổi 20 – 50%. Trẻ sơ sinh của các bà mẹ hút thuốc hoặc hút ké có tăng nguy cơ sinh thiếu cân và chết trong tuổi trẻ em. Trẻ em cơ thể non nhạy bệnh đường hô hấp, hen suyễn và thường quặt quẹo.
Sát thủ ở bên ta
Vào nơi sâu thẳm.“Nhớ nhà châm điếu thuốc. Khói huyền bay lên cây” (Chiều của Hồ Dzếnh). Hình ảnh đẹp quá!
Không phải vậy đâu! Ở cận kề bên ta, sát thủ dịu dàng gây 1/3 ung thư của loài người. Khói thuốc kích hoạt nhiều chất sinh ung (carcinôgen) mạnh nhất, thôi thúc từ từ đột biến gen của các tế bào lót đường hô hấp rồi dẫn đến ung thư. Các carcinôgen không chừa tế bào nào trong cơ thể, tấn công phân tử DNA, nơi sâu thẳm của sự sống. Thuốc lá đầu lọc, bớt chất nhựa làm khói nhẹ hơn lại đưa các carcinôgen vào sâu hơn trong phổi. Thuốc đời mới chứa nhiều nitrat, đốt cháy tạo nhiều nitrôsamin sinh ung mạnh hơn. Đổi sang hút điếu thuốc nhỏ xíu ít nhựa, ít nicôtin cho yên tâm thì lại hút nhiều điếu. Đâu vào đấy thôi. Nguy cơ ung thư tăng với tuổi bắt đầu hút, số lượng thuốc và thời gian hút.
Kiều nữ dịu dàng. Không gây ung thư, nhưng chính nicôtin quyến rũ làm người hút ghiền thuốc, khói thuốc thành sát thủ dịu dàng. Ra tay thật nhanh, trong 15 giây nicôtin đã tới não. Không có nicôtin, các công ty thuốc lá sẽ tiêu tùng. Lượng nicôtin vào người nhiều cũng gây hại (ói mửa, động kinh, suy sụp thần kinh, chậm lớn). Nên biết nicôtin được dùng nhiều trong thuốc diệt côn trùng.
Thuốc ngon nửa điếu. Nhớ lại chàng cao bồi quảng cáo thuốc đầu lọc Marlboro những năm 1954 – 1992. Thật mỉa mai, hai chàng đóng vai cao bồi Marlboro (Marlboro man) đều chết vì ung thư phổi. Wayne McLaren và David McClean bị ép hút tới năm gói mỗi ngày để quay phim và chụp ảnh. Cả hai đều chết khoảng mười năm sau khi giải nghệ. Đó là chuyện cũ. Còn chuyện mới. Vài hôm trước tôi có xem bệnh cho một nhà kinh doanh uy tín độ tuổi 50 – đang xuân! Hạch cổ di căn từ một đốm trong phổi. Sợ quá, bỏ hút ba tháng. Muộn rồi, anh hút từ năm 23, mỗi ngày sơ sơ một gói. Bộ veston trang nhã, chiếc Mercedes đời mới giúp gì nữa đâu.
Cả thế giới chống dịch. Ở các quốc gia số người hút tăng cao thì bệnh tật càng nặng trĩu cho nền kinh tế và sức khoẻ. Thật khó khăn cho mỗi quốc gia chiến đấu đơn độc với đại dịch thuốc lá, nhiều nước đã đoàn kết nhằm giảm sự tiêu thụ thuốc và giảm mối đe doạ ô nhiễm trên hành tinh. Nhiều nước thực hiện các biện pháp: pháp lệnh phòng chống thuốc lá, tăng thuế trên giá thuốc, cấm quảng cáo thuốc lá và cấm hút thuốc nơi công cộng, thiết lập các điểm tư vấn bỏ thuốc, giáo dục tác hại thuốc lá trong học đường. Bước đầu có hiệu quả tích cực ở Anh, Hoa Kỳ và một số nước công nghiệp khác. Nhà nước ta cần thực hiện có hiệu quả hơn nữa chiến lược chống tác hại thuốc lá. Mới mấy năm nay các bao thuốc có ghi hàng chữ “Hút thuốc có thể gây ung thư phổi” hoặc “Thuốc lá có thể gây viêm tắc đường hô hấp”. Có tiến bộ rồi! Nhưng chưa nhằm nhò.
Tin mừng là ngưng hút làm giảm các tổn thương tiền ung thư và giảm dần nguy cơ ung thư phổi. Bỏ hút một mình hoặc hay nhờ sự giúp đỡ, tuỳ thuộc vào ý thức và ý chí. Có nhiều người bỏ thuốc cái rụp. Hay quá. Thấy hiệu quả liền. Hơi thở trở lại thơm thơ, lưỡi thấy nước miếng có vị ngọt, giấc ngủ êm hơn. Lâu hơn thì răng bớt vàng khè. “Vào phi trường khỏi phải chui vào cái lồng khỉ, hít khói muốn chết”. Phải biết lo cho mình và gia đình và đừng quên những người quanh mình. Tạo môi trường sạch khói thuốc không phải là cuộc đấu tranh giữa người ghiền thuốc và người không hút thuốc, mà cùng tạo cho chúng ta và con cháu bầu không khí trong lành.
Giáo sư, bác sỹ Nguyễn Chấn Hùng
Theo Sài Gòn tiếp thị
Các phản ánh của độc giả về bệnh tật, dược phẩm, thực phẩm chức năng, thái độ thầy thuốc trong quá trình điêu trị...xin vui lòng gọi vào đường dây nóng của Người đưa tin theo số 0903 405146 hoặc email:bandoc@nguoiduatin.vn. |