Cháu bé bất hạnh và người bà vĩ đại
Tại Khoa nhi của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương (VHHTM-TW), nếu hỏi gia đình bệnh nhân nào có hoàn cảnh thương tâm nhất thì ngoài trường hợp của chị Đặng Thị Thơm mà chúng tôi đã đề cập ở bài viết trước, mọi người còn truyền tai nhau câu chuyện đắng lòng về một bà ngoại nghèo đã “chuyển khẩu” vào viện từ hơn 1 năm nay để chăm sóc đứa cháu đang mắc bệnh.
Đó là trường hợp của bà Nguyễn Thị Hóa, quê ở xóm Phú Lộc, xã Nghĩa Phú, Nghĩa Đàn, Nghệ An và cháu Nguyễn Đình Dũng vừa bước sang tuổi thứ 7.
Tháng 8/2011, khi bạn bè chuẩn bị bước vào học lớp 1 thì cháu bé khôi ngô ngày đã phải vào viện để điều trị căn bệnh ung thư máu quái ác.
Được sự chỉ dẫn của cán bộ Khoa nhi và người nhà các bệnh nhân đang điều trị tại đây, chúng tôi dễ dàng tìm đến căn phòng nơi bà hai bà cháu bà Hóa đang “ngụ cư”. Quả thực, nếu không được nghe qua về câu chuyện của bà Hóa trước đó, thì chúng tôi nghĩ bà chỉ là ở quê mới ra thăm cháu 1, 2 ngày rồi về như bao người ông, người bà nhớ thương con cháu khác.
Nhưng thực tế, kể từ khi cháu Dũng nhập viện từ tháng 9/2011 tới nay thì bà Hóa chính là người duy nhất thường xuyên ở bên cạnh cháu, lo cho cháu từng bát cơm, viên thuốc…
Ở tuổi 54, đáng ra bà phải được an nhàn nghỉ ngơi, xung quanh có con cháu quây quần chăm sóc, nhưng khi nhìn thấy vẻ mặt khắc khổ u buồn của bà Hóa ngày đêm túc trực bên giường bệnh vỗ về đứa cháu đau ốm, mọi người xung quanh không khỏi động lòng.
Chuyện bắt đầu kể từ ngày 30/4/2011, bố cháu Dũng qua đời sau một thời gian dài bị căn bệnh ung thư gan hành hạ, để lại cho người vợ (Thái Thị Thanh Huyền và cũng là đứa con gái duy nhất của bà Hóa) cháu Dũng và đứa con thứ hai vừa mới trào đời được vài tuần tuổi.
Bố cháu Dũng là con út trong một gia đình có tới 7 anh em nhưng ai cũng nghèo khó và phải chăm sóc cho gia đình riêng của họ. Bố mẹ chồng cũng nghèo nên không có điều kiện để nuôi con dâu và hai đứa cháu thơ dại. Không nỡ nhìn thấy con cháu mình khổ cực, bà Hóa đã đón cả ba mẹ con cháu Dũng về nhà mình chăm sóc.
Không biết “chuyện gia đình thông gia nghèo” nói trên có phải lý do khiến bà Hóa quyết định đón 3 mẹ con cháu Dũng về nuôi hay không, hay bà Hóa không muốn nói đến thái độ vô tâm hờ hững của gia đình đằng nội cháu bé. Bởi thực chất hoàn cảnh của bà thì cũng đâu có khá giả gì. Bà cũng “chỉ là người làm nông, nhà giờ chỉ trông vào 4 sào ruộng” thì biết lấy gì mà nuôi con cháu.
“Có lần anh em đằng nội gửi ra cho một con gà chứ ngoài ra không có một thứ gì khác và cũng không thấy ai đến thăm cháu cả. Nhà nội có 7 anh em mà lại để cho bà ngoại già cả như vậy cưu mang con cháu thì quả là lạ. Tôi thấy gia đình kia đã cố tình hắt hủi và đùn đẩy trách nhiệm nuôi dưỡng cháu bé!”, một người cùng phòng điều trị với bà cháu bà Hóa tỏ ra phẫn nộ.
Gia cảnh nghèo khó, tương lai mịt mờ…
Lại nói về điều kiện kinh tế của mẹ con bà Hóa hiện tại. Bà cho biết, mấy tháng trước, được người dân và cán bộ xã thương cảm cảnh ngộ éo le, mẹ cháu Dũng được sắp xếp cho một công việc văn thư trong xã với mức lương gần 2 triệu đồng mỗi tháng. Những ngày cuối tuần được nghỉ, chị lại đi làm thuê làm mướn để có thêm tiền chữa bệnh cho con.
Tuy nhiên số tiền chị Huyền kiếm được hàng tháng cũng chẳng thấm vào đâu so với khoản chi phí mà gia đình phải trả cho bệnh viện trong quá trình điều trị của cháu Dũng hơn một năm qua. Đó là chưa kể việc chị đang phải nuôi đứa con chưa đầy 2 tuổi cùng những khoản chi phí sinh hoạt hàng ngày.
“Khi nghe tin cháu bị bệnh, một số người bảo tôi là bệnh của cháu có bán tài sản của cả làng đi cũng không chữa được và họ khuyên tôi nên để cháu ở nhà. Nhưng tôi không thể nhẫn tâm nhìn cháu đau ốm như vậy mà không cứu chữa. Kể từ khi cháu Dũng bị bệnh, cái gì có giá trị trong nhà cũng đem đi bán cả, chỗ nào vay mượn được tôi cũng vay để chữa bệnh cho cháu. Dù có phải đi ăn xin ăn mày thì tôi cũng phải cho cháu đi chữa trị tới cùng,” bà Hóa tâm sự.
Vào thời điểm chúng tôi đến thăm, cháu Dũng khá yếu ớt, chân tay nhức mỏi và chỉ có thể nằm yên lặng trên giường bệnh. Tính đến nay, tổng số tiền mà gia đình vay mượn để chạy chữa cho cháu Dũng đã lên tới hơn 100 triệu đồng.
Bà Hóa luôn cầu mong rằng sẽ có một phép nhiệm màu nào đó có thể giúp cho cháu mình khỏe mạnh trở lại hoặc ít ra là có thể “chống chọi” với căn bệnh ung thư máu quái ác thêm càng nhiều năm càng tốt.
Nhưng nghĩ tới khoản nợ khổng lồ kia và những ngày tháng trước mắt chưa biết lấy tiền đâu ra để tiếp tục chữa bệnh cho chau, bà Hóa lại ngậm ngùi đưa tay lên lau những dòng nước mắt lăn dài trên hai gò má…
Nguyễn Minh