Tờ New York Times giành được 4 giải thưởng cho các hạng mục gồm phóng sự điều tra, phóng sự giải thích, chuyên đề và phóng sự quốc tế. Trong đó, đáng chú ý nhất là ở mục phóng sự quốc tế, tờ báo này đã ghi được dấu ấn với bài viết gây tranh cãi của phóng viên David Barboza, về tài sản của gia đình cựu Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo.
Trong số báo 26/10/2012, cả hai bản điện tử tiếng Anh và tiếng Trung Quốc của New York Times đều đã đăng tải một bài viết, trong đó nói rằng, gia đình ông Ôn Gia Bảo giàu bất thường với các khoản đầu tư trên nhiều lĩnh vực như ngân hàng, khu nghỉ dưỡng, hãng viễn thông... Tổng số tài sản của gia đình quan chức này là 2,7 tỷ USD.
Bài báo đã khiến giới chức trách Trung Quốc nổi giận và cho rằng nó có mục đích “bôi nhọ”, do “những tiếng nói” phản đối trước sự phát triển của Trung Quốc dựng lên.
Ngay sau khi New York Times đăng bài viết này, tờ Bưu điện Hoa Nam loan báo, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã mở một cuộc điều tra nội bộ về những cáo buộc của tờ báo này. Cuộc điều tra được tiến hành theo đề nghị của chính Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Trong bức thư gửi đến Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, ông Ôn Gia Bảo đã yêu cầu tổ chức tiến hành điều tra để xóa bỏ những nghi vấn liên quan đến cáo buộc tài sản bí mật của gia đình.
Trích một nguồn tin giấu tên, báo trên cho hay, "Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc đã chấp thuận yêu cầu của Thủ tướng Ôn Gia Bảo".
Khi đó, nhiều nhà phân tích cho rằng, yêu cầu của ông Ôn Gia Bảo cho thấy, ông đang thúc đẩy luật minh bạch, công khai tài sản của gia đình các lãnh đạo cấp cao.
Tờ New York Times cho hay, kết quả điều tra được dựa trên các hồ sơ doanh nghiệp và cơ quan quản lý trong 10 năm, từ 1992 đến 2012, gồm các giao dịch bị nghi là của con trai, con gái, em trai, em rể và thân mẫu của ông Ôn Gia Bảo. Theo New York Times, người thân của ông Ôn Gia Bảo đã trở nên giàu có trong thời gian ông làm lãnh đạo.
Vài giờ sau khi tờ báo trên đăng tin tài sản của gia đình cựu Thủ tướng Trung Quốc, chính phủ nước này đã tiến hành chặn truy cập trong nước tới cả hai phiên bản điện tử tiếng Anh và tiếng Trung Quốc của tờ New York Times. Giới chức nước này nghiêm cấm đề cập đến tên thủ tướng hoặc từ The Times trong các bài viết trên mạng Sina Weibo.
Trong một tuyên bố đưa ra ngày 27/10, các luật sư của gia đình ông Ôn Gia Bảo đã bác bỏ những nội dung trên báo New York Times. Họ khẳng định, những người thân của ông Ôn Gia Bảo không hề lợi dụng cương vị của ông để trục lợi, cũng như không có ảnh hưởng gì về việc ông Ôn Gia Bảo “hoạch định và thực thi các chính sách”.
Nhóm luật sư khi đó cũng khẳng định mẹ của cựu Thủ tướng Trung Quốc không bao giờ nhận bất kỳ khoản thu nhập nào khác ngoài tiền lương và lương hưu, cũng như không sở hữu bất kỳ bất động sản nào. Đồng thời, nhóm luật sư "sẽ có biện pháp cần thiết làm sáng tỏ những báo cáo dối trá khác" và khởi kiện tờ New York Times ra tòa án.
Tuy nhiên, theo các giám khảo của giải thưởng Pulitzer, bài phóng sự điều tra của phóng viên David Barboza là một sự phanh phui đáng chú ý về người thân của ông Ôn Gia Bảo đã kiếm được hàng tỷ USD từ các vụ làm ăn.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngay lập tức có phản hồi về sự kiện này. “Quan điểm của chúng tôi đối với vấn đề này đã rất rõ. Chúng tôi tin rằng bài báo liên quan của phóng viên tờ New York Times có động cơ ngầm”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết trong cuộc họp báo thường kỳ vào ngày hôm qua.
Trưởng văn phòng đại diện của tờ New York Times tại Thượng Hải, David Barboza, cho biết ông rất “vinh dự” sau khi bài báo được trao tặng giải thưởng Pulitzer cho hạng mục Tường thuật quốc tế. Ủy ban trao giải Pulitzer ngày 15/4 gọi bài báo là sự “phơi bày ấn tượng” và đã phải chịu “sức ép lớn” của giới chức Trung Quốc.
Giải Pulitzer được trường Đại học Columbia trao hằng năm. Mỗi giải thưởng trị giá 10.000 USD (ngoại trừ giải phục vụ cộng đồng chỉ được nhận huy chương vàng). Những người đoạt giải năm nay được chọn lựa từ hơn 2.500 tác phẩm dự thi.
Hải Anh (tổng hợp)