Trước việc Chính phủ đồng ý bỏ sổ hộ khẩu và chứng minh thư thay vào đó mỗi công dân sẽ có mã số định danh cá nhân, Chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, quyết định này sẽ đảm bảo sự công bằng giữa các chủ thể. Đồng thời, việc này sẽ giúp tiết kiệm được rất nhiều chi phí về thủ tục hành chính cũng như nhân lực quản lý, thời gian.
Ông Thịnh đánh giá, trước đây, việc quản lý xã hội dựa vào sổ hộ khẩu, chứng minh thư là biện pháp quản lý xã hội tương đối chặt chẽ và nghiêm ngặt. Dựa vào đó, các cơ quan quản lý Nhà nước, quản lý xã hội có thể quản lý chặt chẽ con người. Như việc ai đó chuyển địa điểm sinh sống từ địa phương này sang địa phương khác, nếu có vấn đề gì cơ quan quản lý sẽ truy về nguồn gốc của cá nhân đó.
Thế nhưng, theo ông Thịnh đồng thời với đó, nhiều khi nó lại tạo ra sự đối xử giữa các chủ thể không công bằng.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chỉ rõ điểm không công bằng như việc đòi hỏi học sinh, lao động phải có sổ hộ khẩu ở chỗ nọ, chỗ kia mới được đi học, mới được nhận vào làm việc. Điều này là vật cản cho người lao động khi họ muốn di chuyển từ địa phương này đến địa phương khác tìm kiếm công ăn, việc làm. Còn đối với người sử dụng lao động cũng cảm thấy khó khăn trong việc tiếp nhận lao động.
Ông Thịnh nêu quan điểm, tuy việc bỏ sổ hộ khẩu, chứng minh thư đem lại sự công bằng hơn cho mọi người nhưng không phải không có những khó khăn, thách thức.
Theo ông Thịnh, sau khi bỏ sổ hộ khẩu, chứng minh thư sẽ có một lực lượng cán bộ quản lý nhân khẩu, hộ khẩu dôi dư và đặt ra vấn đề giải quyết công ăn việc làm cho bộ phận này như thế nào.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc quản lý nhân khẩu sẽ phải thay đổi cách thức từ hành chính như trước đây sang hệ thống điện tử. Thêm vào đó, cần có tính liên thông, kết nối giữa các địa phương và đòi hỏi cán bộ am hiểu công nghệ để khi có vấn đề cần tra cứu có thể tìm được ngay.
Ông Thịnh cũng lưu ý thêm, nên quy định rõ ràng hơn về quyền lợi và nghĩa vụ của các bộ phận khác nhau. Vì trong thời gian qua có một số dấu hiệu của việc lạm quyền ở lực lượng chuyên trách, cán bộ UBND xã, phường, như sự việc phê vào lý lịch hoặc giấy xin xác nhận không đúng quy định.
Cùng với đó, phải tôn trọng quyền công dân nhất là quyền riêng tư trong phạm vi không ảnh hưởng đến cái chung cả xã hội.
Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị quyết 112/NQ-CP của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của bộ Công an. Theo đó, Chính phủ giao bộ Công an nghiên cứu phương án quản lý cư trú thông qua mã số định danh thay vì sổ hộ khẩu, trong đó nêu phương án đơn giản bãi bỏ một số thủ tục liên quan đăng ký thường trú. Cụ thể, với nhóm thủ tục Đăng ký thường trú (tại cấp huyện, cấp xã) sẽ bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng sổ hộ khẩu và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân... Tương tự, với phương án được Chính phủ thông qua, các thủ tục cấp mới, cấp đổi và cấp lại giấy chứng minh nhân dân (9 số) đang được thực hiện tại công an cấp tỉnh, cấp huyện cũng sẽ được bãi bỏ. Trong một số tờ khai về lý lịch cá nhân, người dân sẽ không còn phải cung cấp các thông tin như ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi đăng ký thường trú. Sau này, khi bãi bỏ sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân, người dân sẽ sử dụng số định danh cá nhân khi thực hiện các thủ tục liên quan đến cá nhân. |