Thế là một dấu chấm hết đã được định giữa cuộc đời anh, không cho anh bước tiếp mà anh cũng chẳng còn cơ hội cho anh bước lùi. Mưa thổi vào chiều nay những cơn tưởng chừng bất tận. Trời đang nắng lanh lảnh như thế, bỗng chỗng tối sầm lại, đầy bất trắc. Rồi mưa... Mưa đem đến đầy giông tố trong những chuỗi ngày nắng đã tắt. Giống cuộc đời anh thế quá chứ!
Anh tỉnh dậy lần đầu tiên trong phòng giam ngột ngạt với màn đêm đặc quánh bao quanh. Một mình anh trong căn phòng hoang lạnh. Nhịp thở trở nên bình tĩnh hơn sau cơn mơ ngập máu đỏ. Trong đầu anh thoáng qua hình ảnh về một gia đình tan vỡ.
Tối đó, sau khi đưa người bạn về giữa trời mưa mịt mùng. Đường ngập ứ nước. Chỗ nào cũng ngập.
Vòng vèo mãi, rồi phải vào đường Nguyễn Thượng Hiền. Thấy ai giống bố anh đang dắt xe đằng trước. Anh đuổi theo vì mưa gió thế này ông ấy đi cùng ai? Không phải mẹ. Gần đến nơi, chưa kịp gọi thì thấy một người phụ nữ ôm lấy bố. Họ nói cười đẩy xe trong làn nước ngập đến bắp chân.
Anh đi theo như họ có lực hấp dẫn. Đến phố Nguyễn Trãi thì họ dừng lại... Rồi họ ôm hôn nhau. Trong mưa. Họ không biết đến mưa, họ đứng đó như đất trời và mưa dung hòa họ. Nhưng anh thì không. Anh quay xe, đi nhanh về nhà. Khuya rồi ông ta mới về, người ướt rượt. Mẹ anh vừa ra mở cửa thì ông ấy đã chửi ầm lên cứ như thể mẹ anh là người phải tội! Chửi rằng mẹ con anh là gánh nặng của ông ấy.
Chửi rằng mẹ anh chỉ biết ngồi ở nhà, mưa không đến mặt nắng không đến đầu, rút cạn xương máu ông... Không biết đây là lần thứ bao nhiêu ông ấy gào lên như thế. Ngoài trời cây rung lên theo từng hạt mưa nặng hạt như cơn giận dữ của anh lúc này. Anh ném vỡ nọ hoa, đập tan chiếc cassette. Rồi... chửi bố. Ông ấy lao vào đánh anh... anh đỡ rồi đấm ông ấy một phát. Sau đó thì sao? Ông ta mở tủ lấy tiền và đồ dùng cá nhân rồi đi. Vội quá, mặc nguyên chiếc áo dính đầy máu. Phố khuya, mưa đã tạnh. Sau cơn mưa, tất cả sạch bong như vừa tắm kĩ. Trăng sáng xanh như khuôn mặt anh và pha thêm vài chút đỏ như bàn tay anh dính máu bố. Bầu trời lạnh lẽo màu cô đơn.
Nghĩ lại chi thêm buồn. Anh cố nhắm mắt, mong chờ cơn mơ tới sẽ xóa tan đi nỗi đau ngày nào.
Anh lại chìm vào một khung cảnh khác. Anh nhìn thấy anh, thấy mẹ, thấy bà, và không hề có bóng dáng người cha dữ dằn, phản bội mà anh thầm khinh bỉ.
Trước ngày anh đi Liên Xô học, anh đã sắp đặt hết đâu vào đấy cho mẹ rồi. Anh đã chắp tay lạy người đàn ông đó - bác Khoa về ở với mẹ mình. Người đàn ông mẹ yêu. Và ông cũng yêu mẹ. Nhưng sợ anh. Mọi người bảo anh là thằng nghịch tử. Đến bố đẻ còn đánh hộc máu mồm nữa là bố dượng? Làm đàn ông như bố anh chỉ giỏi đánh vợ chửi con, tự va mồm vào bàn lại vu khống thằng con trai độc đánh. Trong lòng anh đã sớm chẳng còn người cha như thế. Bác ấy ôm anh rồi khóc. Anh cũng khóc. Lâu lắm rồi, anh mới được ôm như thế, cái ôm của một người đàn ông, của... người bố thứ 2. Nước mắt của hai người đàn ông trưởng thành rơi xuống vì cuộc đời của người hạnh phúc - kẻ khổ đau. Anh còn bà ngoại. Bà bảo: "Bà già rồi, cách cháu mấy thế hệ, bà chẳng biết khuyên cháu như thế nào. Xa lắm. Bà chỉ kể cho cháu một câu chuyện làm vốn trước khi xa nhà thôi". Câu chuyện đấy đến giờ anh nhớ mãi nhưng anh lại mắc phải sai lầm không thể thứ tha.
Chuyện kể về một vị thông thái ở nước nọ rất thông minh, trung thành, nhìn thấu lòng người, được dân yêu quý, vua tin cậy nhưng vị vua này lại mắc tính đa nghi và ích kỉ. Ông biết trong đám cận thần của vua có kẻ muốn hãm hại mình để chiếm sủng ái. Mà vua lại sẵn lòng tiếp tay cho chúng. Tuy rất buồn nhưng ông vẫn muốn vua nhìn thấu sự tình.
Ông bèn nhờ nhà bếp viết vào tất cả những chén, bát ăn hàng ngày trong cung vua dòng chữ: "Làm việc này được gì?". Kế hoạch đầu độc vị thông thái đã xong. Trong bữa ăn, phần căng thẳng vì hành động tội đồ của mình, phần vì chút lương tâm nhỏ nhoi cắn rứt khi mình sắp sửa giết người cận thần, vua không ăn, ông ta thẫn thờ ngồi bất động nhìn chằm chằm vào bát cơm và thấy dòng chữ. Ông ta nghĩ vị thông thái là cận thần giỏi giang nhất của mình, tin tưởng mình, hết lòng vì mình. Đất nước thịnh trị có công không nhỏ của ông.
Nay mình thất đức giết hại ông ta. Nếu sự không thành tuy mình chẳng sao nhưng sẽ bị thần dân dị nghi về cái chết của nhà thông thái và nhân cách của nhà vua. Còn nếu ông ta chết? Chắc gì bọn cận thần sau khi mình giết ông sẽ giữ lời hứa? Có khi nó giết mình luôn vì thực chất mình là một kẻ ích kỉ và ngu dốt.
Đã một lần mắc mưu thì sẽ mắc mưa lần thứ hai? Mà đất nước mình đang cần những người thông thái như vậy. Làm việc này được gì? Chẳng được gì mà sẽ mất hết, mất thần giỏi coi như mất nước rồi. Vị vua đã nghĩ kĩ và cho mời cận thận của mình đến, xin ông tha lỗi và xử tử tất cả kẻ gian thần hiểm độc.
Anh đi. Bà cho anh câu chuyện "làm việc này để được gì?". Mẹ cho anh nước mắt mặn đắng và tiếng thở dài chua xót.
Năm năm sau, anh về. Lạc Hồng Viên chiều đông xám xịt. Những bia mộ co ro, khép mình dưới mưa phùn. Trời đất giao nhau đẫm nước. Núi đồi như trôi giữa những đám mây xa xôi. Vài đứa trẻ con "cò mồi" loanh quanh cố mời anh mua hương, mua hoa quả. Anh phát cho mỗi đứa vài nghìn, nói nhỏ: "Cút!". Thoáng cái chỉ còn mình anh với những tấm bia nhấp nhô trong màn sương trắng xóa. Vừa thắp hương anh vừa thì thầm như trách bà: "Nếu bà không bị trượt chân, bà nhất định sẽ sống trăm tuổi." Làn khói hương thả mình nhè nhẹ vào tầng không, đặc quánh trong làn mưa lây phây. Mùi thơm thấm vào tận lòng anh, nhức nhối. Anh xếp đồ ra đĩa, đặt ngay ngắn lên mộ bà. "Bà làm việc này để được gì? Bà trèo lên đó để làm gì? Được căn phòng sạch sẽ, gọn gàng hơn để cho đứa cháu đến chơi nhưng nó có cần đâu. Còn bà thì ngã và chết." Một cơn gió thổi qua. Mưa xiên xẹo kéo cả làn hương nghiêng về đằng này, đằng kia. Anh đốt bó hương thăm cho hàng xóm của bà. Có họ, bà đỡ buồn biết mấy cho gần hai nghìn ngày không có anh bên này. Anh lúi cúi cắm hương trên các bia mộ. Đất chật, người đông. Dường như có anh đến mang theo khói hương này khiến góc nghĩa trang ấm hẳn lên. Anh đứng trước mộ bà phân trần: "Con biết bà chỉ thích cháo củ mài. Con lại chẳng biết làm hay tìm đâu ra một người nấu ngon như bà năm ấy. Thôi con gửi tiền bà tiêu, áo ấm bà mặc".
Đống lửa hóa vàng bùng cháy. Thỉnh thoảng những tàn tro nhỏ bứt ra, bay lên rồi lại lụi tàn vào hư không.
Anh về hẳn Việt Nam và có một công ty xuất nhập khẩu khá phát triển. Anh vẫn về thăm mẹ và bác Khoa nhưng ít hơn trước nhiều lắm. Mặt anh nhiều nếp nhăn hơn, già hơn. Mỗi lần đến anh đều đưa bác một bọc giấy. Những tờ đô-la xanh biếc mà lạnh. "Bố cứ cầm tiền mua thuốc Pháp cho mẹ con uống. Bệnh mẹ con rời thuốc ra là đi đấy. Bố cũng nên chăm sóc cho mình nhiều hơn nhé!". Anh về, mẹ và bác Khoa không ăn được, vì nhìn anh. Mâm cơm giản đơn. Bát canh cua đồng. Bát cà muối. Khoai tây xào. Ớt cay. Anh ăn bốn bát. Nói là nửa năm mới được thỏa mãn kiếp người. Mẹ nhìn anh ngập yêu thương mà chua xót vào tận đáy mắt: "Con thành công rồi. Việc gì mà vất vả thế." Anh bật cười rồi tắt lịm: "Con vào guồng rồi mẹ ạ. Trong một dây xích, mình là một mắt xích. Cỗ máy đang vận hành, không thể thiếu được mắt xích nào. Vả lại, cái guồng này của con khắc nghiệt lắm".
Trước khi rời đi, anh thường tản bộ trên con đường dẫn qua nhà. Phố dài, con phố này đi qua con phố khác. Con đường này có 108 cây bằng lăng tím xòe tán, hoa nở từng chùm rất đẹp, con đường có nhà lao Hỏa Lò một thời thuở nhỏ anh thường bị ám ảnh. 108 cây hoa, đối với lũ trẻ tụi anh là 108 vị anh hùng đứng bảo vệ công lý. Anh đi dưới những hàng cây trong đêm tối. Có chùm hoa dày, bỗng nở tung như chỉ dành cho riêng anh. Ánh trăng thập thò sau những chùm lá. Hoa tím. Màu tím mong manh. Ngọn đèn đã bật nhưng sao chẳng đủ cho anh nhìn rõ. Chỗ đậm, chỗ nhạt trên hè phố.
Anh căm thù bất kì thằng đàn ông nào đánh đàn bà. Đây là lần thứ hai anh phạm tội gây thương tích. Không may, nạn nhân đã chết trong cơn điên đã trở thành tiềm thức của anh mỗi lần anh trông thấy. Anh đã tự hỏi ngay sau khi đánh chết thằng đó rằng: Tại sao mình lại làm thế?
Mình làm việc này để được gì? Sao lúc sắp giết nó, anh không tự hỏi - Thằng này chết anh được gì? Anh chứng kiến cảnh nó đánh vợ. Nhiều lần. Mỗi lần nhìn thấy thằng nào đánh vợ, anh lại nhớ ông ấy... và mẹ anh. Ừ, đến bố đẻ anh đánh mẹ, anh còn không chịu nữa là... Anh nhớ bà ngoại, anh nhớ Người đã cho anh câu chuyện "Làm việc này để làm gì?". Nhưng có phải lúc nào anh cũng đủ tỉnh đê tự hỏi và trả lời được thế đâu, nhất là khi từ đỉnh đầu đang bốc lên cơn điên nghi ngút.
Đêm nữa lại đến. Đêm sâu thẳm, đen đặc như chính anh giờ đây. Ngày mai, anh bị tử hình. Anh thèm nghe thấy những tiếng cười vỡ ra trong khu phố ngập sắc tím. Đi hết giữa hai bên đường có nhánh hoa tím đậm, nhạt rung rinh trong gió.
Anh thèm được đi dọc con phố một trăm linh tám cây bằng lăng, mà cuối đường có ngôi nhà, mẹ và bà ngoại của anh đứng đợi. Một trăm linh tám người bạn canh phố đứng lặng trong góc thành phố ồn ào. Anh muốn đi. Nhưng anh sẽ làm điều đó khi anh đã hóa vào đống tàn tro.
Văn Khánh Huyền