Ngày 29/9, mạng xã hội chia sẻ ảnh chụp bài giảng tại trường ĐH Hoa Sen, TP HCM. Khi trình bày về hiện tượng mưa gió, trên slide chiếu nội dung: “Mưa gió, trong quan niệm dân gian xưa, không phải là kết quả của sự bốc hơi nước được tích tụ, không phải do sự chênh lệch áp suất khí quyển mà chỉ là cuộc sinh hoạt tình dục của trời và đất mà thôi".
Lời giảng này được trích từ sách, Phong tục các dân tộc Đông Nam Á, NXB Văn hóa Dân tộc (1997),của các tác giả Ngô Văn Doanh - Vũ Quang Thiện.
Nội dung bài giảng đã gây nhiều tranh cãi cộng đồng. Có luồng ý kiến cho rằng bài giảng dùng ngôn từ không phù hợp. Người dùng Đức Phan bình luận trên Facebook: “Cái này là từ hoa mỹ của ông cha ta khi kể về thiên nhiên, nhưng tôi chắc chắn không dung từ thô kệch như vầy.”
Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng cách dùng từ không có gì sai vì trích dẫn đúng theo sách về quan niệm dân gian xưa.
Người dùng meou bình luận trên mạng XH nói: "Bài giảng chả có gì sai. Mưa gió, trong quan niệm dân gian xưa, không phải là kết quả của sự bốc hơi nước được tích tụ, không phải là do sự chênh lệch áp suất khí quyển, mà chỉ là cuộc sinh hoạt tình dục của trời và đất mà thôi, giúp Mẹ Đất sinh ra muôn loài cây trái.”
Người dùng Việt Hoàng Đào nêu ý kiến: “Bài giảng có ghi trích dẫn từ cuốn sách Phong tục các dân tộc Đông Nam Á, xuất bản từ năm 1997. Rất tiếc phần màn hình bài giảng ngắn, hoặc do phần trích dẫn chưa đầy đủ, nên không thể hình dung được quan niệm dân gian của dân tộc nào trong khu vực Đông Nam Á, nhưng chắc chắn đó không phải là quan niệm của người Việt”.
Theo VNE