Bài học thất bại của tờ báo Mỹ mang tên The Times-Picayune (New Orleans) đang “nóng” trên xa lộ thông tin những ngày này là bằng chứng.
Cú sốc của một năm về trước
Cách đây tròn một năm, tháng 5/ 2012, làng báo Mỹ được phen choáng váng trước việc tờ Times-Picayune - nhật báo duy nhất tại New Orleans, thành phố lớn nhất bang Louisiana, Mỹ, ra đời từ năm 1837 và từng giành nhiều giải thưởng báo chí lớn trong đó có Pulitzer, tuyên bố chỉ phát hành 3 số báo một tuần. Đồng nghĩa với việc làng báo in Mỹ từ đó sẽ mất đi tờ nhật báo tuổi đời lên đến 175 tuổi.
Công ty Advance Publications, chủ sở hữu của tờ Times-Picayune, lý giải quyết định gây “sốc” này là do sự cạnh tranh khốc liệt trong ngành công nghiệp báo chí, đặc biệt là từ Internet đã buộc công ty phải tập trung vào các ấn phẩm kỹ thuật số. “Sốc” hơn nữa là chỉ vài giờ sau tuyên bố của Times-Picayune, 3 tờ báo “anh em” với Times-Picayune là Birmingham News, Press-Register of Mobile và Huntsville Times cũng cũng sẽ cắt giảm phiên bản báo in xuống còn 3 số/tuần để tập trung cho một trang báo mạng về Alabama.
Steve Myers, quản lí Viện nghiên cứu về truyền thông Poynter cho biết Times-Picayune là tờ báo lâu năm đầu tiên ở Mỹ chấp nhận thay đổi lượng báo in mạnh đến vậy. Điều đáng nói là sự thay đổi này cũng đang ngấm ngầm diễn ra ở nhiều tờ báo in khác trong bối cảnh độc giả ngày càng ưu ái báo mạng. Trước, sau và cùng thời điểm với Times-Picayune, một số nhật báo tại Mỹ, Anh, Canada… đã chuyển từ nhật báo sang xuất bản cách nhật để tập trung cho phiên bản online. Đơn cử như cũng trong 6 tháng đầu năm 2012, các tờ báo ở Canada gồm Calgary Herald, Edmonton Journal và Ottawa Citizen đã liên tiếp tuyên bố ngừng xuất bản vào ngày chủ nhật.
Xu thế này ngày càng trở nên phổ biến khi báo cáo tài chính của các cơ quan báo chí hàng đầu nước Mỹ như The Washington Post, The New York Times… liên tục cho thấy: giảm doanh thu từ báo in, tăng thu từ lĩnh vực kỹ thuật số đang là xu hướng chủ đạo trên thị trường truyền thông. Với The Washington Post, doanh thu năm 2012 và Qúy I/2013 của toàn tập đoàn được vớt vát nhờ truyền thông kỹ thuật số. Doanh thu từ mảng báo in đã sụt giảm 4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, công ty vẫn đạt mức doanh thu 959,1 triệu USD, tăng 0,4% so với con số 955,5 triệu USD đạt được so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này có được là do nguồn thu từ truyền thông kỹ thuật số thông qua hai trang washingtonpost.com và Slate tăng đến 8%.
Thất bại hay bài học về việc “đánh mất giá trị”
Đầy kì vọng, tuy nhiên, chỉ một năm sau khi công bố kế hoạch tái cơ cấu tờ báo The Times-Picayune (New Orleans) theo hướng tập trung vào mảng kỹ thuật số, công ty Advance Publications, chủ sở hữu của tờ Times-Picayune, đã nhận được bài học trải nghiệm đau đớn. Lượng tia--ra, lượng doanh thu từ quảng cáo trên The Times-Picayune điện tử không những không tăng lên mà còn xuống dốc với tỷ lệ thảm hại. Nguyên do là cả độc giả lẫn các nhà quảng cáo đều không bằng lòng với những tác phẩm báo chí mà họ cho là lộn xộn trên ấn phẩm The Times-Picayune điện tử.
Với những độc giả đã quen với một The Times-Picayune ổn định với phong cách của một tờ báo có tuổi đời hàng trăm năm, sự ra đời của The Times-Picayune ấn phẩm trực tuyến chẳng mang lại ý nghĩa gì mới mẻ đến cho họ. Không những thế, The Times-Picayune đã đánh mất giá trị quý báu đã được những người làm báo tại The Times-Picayune tôn tạo từ năm 1837 cho đến nay: cung cấp những ấn bản in tốt nhất mỗi ngày với một mức giá gần như cố định.
Điều đáng quan ngại là thực tế truyền thông quốc tế hiện nay cho thấy, Times-Picayune không phải hiện tượng cá biệt. Tờ Philadelphia Inquirer cũng vừa thừa nhận “mình đi lạc lối”và thông báo sẽ quay trở lại với báo in sau 2 năm gián đoạn. Trước thực tế bẽ bàng này, nhiều chuyên gia truyền thông đã cho rằng, trào lưu tìm đến kỹ thuật số là tất yếu, nhưng trong lúc còn chưa có chỗ đứng ở một thị trường mới thì việc vứt bỏ mảng kinh doanh đã gây dựng nên thương hiệu cho mình thì lại là một sai lầm lớn. Rằng những tờ báo in, hãy đừng quá lo xa. Trước sự cạnh tranh khốc liệt, báo in có thể sẽ không bao giờ có thể quay được về cái thời tỷ suất lợi nhuận 30%, nhưng tính kinh doanh của ngành công nghiệp này không vì thế mà mất đi.
Theo Hà Thư (Nhà báo và Công luận)