Nga từ lâu đã là một trong những đại lý vũ khí lớn nhất thế giới, với báo cáo doanh thu khoảng 15 tỷ USD mỗi năm. Đây là một trong những lĩnh vực quan trọng đối với Moscow, đặc biệt là trong giai đoạn nền kinh tế gặp nhiều sóng gió.
Theo Defense News, bán vũ khí ra bên ngoài là cách mà Nga giữ cho nền công nghiệp quốc phòng duy trì hoạt động ổn định, trong khi vũ khí quân sự của Nga nổi tiếng là có thể so sánh với các sản phẩm phương Tây nhưng lại có chi phí rẻ hơn.
Điều này cũng là một phần lý do tạo nên sự thu hút đối với vũ khí Nga và họ cũng sẵn sàng bán thiết bị cho bất cứ ai. Nhưng doanh số bán vũ khí toàn cầu luôn có yếu tố gây dựng “ảnh hưởng” trong đó và Nga cũng không nằm ngoài điều này.
Các khách hàng có nhiều tiền mặt hơn khách hàng thông thường luôn được các công ty quốc phòng phương Tây yêu thích.
Nhưng với các quốc gia có quan hệ tốt với Điện Kremlin, các ngân hàng và tập đoàn nhà nước Nga thường sẽ cung cấp các khoản vay để tài trợ cho các giao dịch mua bán vũ khí lớn.
“Thông thường, các khoản vay sẽ mang đến yếu tố chính trị cho các hợp đồng vũ khí”, Robert Lee, cựu thành viên của Trung tâm phân tích Chiến lược và Công nghệ của Nga cho biết.
Về cơ bản, Nga sẽ không kiếm được nhiều lợi nhuận từ các hợp đồng này, nhưng chúng cung cấp công việc cho các công ty quốc phòng Nga bằng cách hỗ trợ việc làm, giữ cho dây chuyền sản xuất hoạt động và giảm chi phí cho mua sắm trong nước, ông nói thêm.
Xu hướng cung cấp các khoản vay để tăng doanh số từ những khách hàng tầm trung ngày càng trở nên phổ biến trong thập kỷ qua khi doanh số sụt giảm và tham vọng gây dựng ảnh hưởng của Nga trên trường quốc tế bắt đầu mở rộng.
Tổng thống Vladimir Putin được cho là tán thành định hướng như vậy trong cuộc họp tháng 4/2013 về ngành xuất khẩu vũ khí.
“Hiện tại, một số quốc gia không có đủ tiền và thấy cần thiết kéo dài tuổi thọ của vũ khí và thiết bị mà họ đã có hơn”, ông Putin nói. “Các khoản vay kịp thời được thực hiện theo các điều khoản thị trường sẽ giúp thúc đẩy hàng hóa của chúng ta và tạo ra thị trường để bảo trì hàng hóa về sau này, cũng như bán thêm thiết bị và phụ tùng thay thế”.
Có nhiều ví dụ về điều này trong thực tế, mặc dù chúng có xu hướng ở quy mô nhỏ. Năm ngoái, Moscow đã phê duyệt khoản vay 200 triệu USD cho phép Armenia mua các hệ thống phòng không và radar.
Bangladesh năm 2013 đã được cho vay 800 triệu USD cho các hợp đồng máy bay huấn luyện. Cuba cũng đã được cấp khoản vay 50 triệu USD. Rủi ro tài chính đối với Nga nếu những khách hàng này vỡ nợ là thấp.
Hầu hết các quốc gia nhận được khoản vay thường không mua các vũ khí cao cấp và là các thành viên của một hiệp ước an ninh tập thể dưới thời Liên Xô. Điều đó khiến họ phụ thuộc trong các thiết bị quân sự của Nga, từ đó mở rộng phạm vi ảnh hưởng của Nga.
Tuy nhiên, những khách hàng này đại diện cho một phần rất nhỏ trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu của Nga. Khi nhắc đến khách hàng lớn nhất của Moscow, người ta thường nhớ đến Ấn Độ và Trung Quốc. Nga biết cả hai khách hàng này có thể và sẽ trả bằng tiền mặt.
Nhưng khi các điều kiện và tính chất chính trị phù hợp, Moscow sẽ cung cấp một khoản vay cho các quốc gia “giàu” khác, như người ta thấy ở trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ.
Vào tháng 12/2017, Giám đốc điều hành của Rostec Serge Chemezov cho biết, 55% trong số 2,5 tỷ USD hợp đồng mua bốn hệ thống phòng không S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ đã được tài trợ bởi một khoản vay của Nga.
Thỏa thuận này đã trở thành một cơn lốc chính trị lớn, mang đến đòn bẩy cho Moscow, làm dấy lên căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh NATO, những quốc gia luôn coi việc sử dụng thiết bị của Nga là cấm kỵ.
Mặc dù tán thành xu hướng cho vay để mua vũ khí, Tổng thống Putin vẫn tỏ ra cẩn thận trong việc xác định điều kiện cho các quốc gia hưởng ưu đãi.
Những khoản vay này phải dựa trên các nguyên tắc thị trường và không giống như các khoản vay mà Liên Xô đã từng cung cấp trong quá khứ vì “tình hữu nghị” rồi có đi mà không có lại.
Trong vài tháng qua, Rostec và Rosoboronexport đã thông báo rút phần lớn sự hiện diện của họ khỏi Venezuela. Giữa tình hình khủng hoảng hiện tại, Caracas không thể trả các khoản tiền mua vũ khí trước đó. Điều này buộc lòng khiến ngành công nghiệp quốc phòng Nga rời đi.
Tuy nhiên, Nga đang chuyển hướng sang cách thức mới khi lợi nhuận bán vũ khí sáng sủa hơn trong những năm qua.
Gần đây, khi thặng dư ngân sách và trang thiết bị của bộ Quốc phòng Nga tăng lên, quân đội đã đóng một vai trò trực tiếp trong việc chuyển giao thiết bị. Syria nhận được vũ khí và dịch vụ quân sự miễn phí hoặc được giảm giá từ quân đội Nga. Điều này cũng đang xảy ra ở Venezuela.
Ngoài Syria và Venezuela, bước ngoặt thịnh vượng hơn của quân đội Nga đã cho phép nước này đóng vai trò tích cực trong chính sách đối ngoại bằng chuyển giao vũ khí để khai thác các lợi ích chính trị.
Nga sẵn sàng giao vũ khí miễn phí và đôi khi họ sẽ hiện đại hóa chúng một chút trước khi giao hàng hoặc thậm chí chuyển giao với giá rẻ cho nhiều quốc gia, tờ Defense News nhận định.