Sau sự ra đi của “bác trưởng thôn Văn Hiệp”, mọi người không chỉ tiếc thương cho sự ra đi của một diễn viên, một nghệ sĩ đầy tài năng mà người ta còn cảm thương cho cuộc sống nghèo khó lúc sinh thời của ông. Từ sự kiện này, mọi người lại sôi nổi bàn luận, đánh giá, tìm hiểu về cuộc sống khó khăn của những nghệ sĩ lớn tuổi.
3 người nghệ sỹ đáng kính trong lòng khán giả Việt: NSƯT Trần Hạnh, nghệ sĩ Văn Hiệp, NSƯT Hồ Kiểng
Những cái tên như nghệ sĩ Văn Hiệp, NSƯT Hồ Kiểng, NSƯT Trần Hạnh,…được nhắc đến rất nhiều với cùng một nội dung: cuộc sống nghèo. Có lẽ đó không phải là sự thương hại như NSƯT Trần Hạnh đã chạnh lòng nói. Những chia sẻ, những ý kiến của công chúng đều là sự cảm thông xuất phát từ tình yêu mến đối với những nghệ sĩ đã cống hiến cả đời mình cho nghệ thuật mà về cuối đời, cuộc sống vật chất vẫn phải lo toan.
Nhưng, chúng ta hãy nghĩ tới một khía cạnh khác: không nhìn tới số tiền mà họ có mà hãy nhìn bài học họ để lại.
Họ có thể chật vật với cuộc sống cơm áo gạo tiền, họ có thể nghèo về vật chất nhưng tâm hồn thì không bao giờ nghèo. Có lẽ vì vậy, rất nhiều người cảm thấy xót xa cho họ, nhưng bản thân những nghệ sĩ ấy, họ thấy bằng lòng với cuộc sống mình đang có. Dù biết, ai cũng mong muốn có một cuộc sống đủ đầy, nhưng có lẽ nếu để đánh đổi giữa danh và lợi, những nghệ sĩ chân chính không thể nào làm được.
Khó có thể nói rằng, một diễn viên giàu có là sướng, và cũng không thể nào nói một diễn viên nghèo là khổ. Nghe tâm sự của những nghệ sĩ như Minh Vượng hay Trần Hạnh, hẳn công chúng hiểu, cái sướng, cái khổ trong quan niệm của những người diễn viên hết mình vì nghệ thuật ấy không dựa trên việc kiếm được ít hay nhiều tiền.
Nghệ sỹ Minh Vượng
Minh Vượng – diễn viên hài nổi tiếng, đã quyết định chọn sân khấu làm nhà, chọn nghề làm gia đình, lấy sự nghiệp đem niềm vui cho mọi người làm lẽ sống không phải để có được nhà cao cửa rộng, không phải để được xài những món hàng hiệu đắt tiền. Nhiều năm nay, bệnh khớp, tim, tiểu đường đã khiến sức khỏe của chị giảm sút nhiều. Tiền catse ít ỏi hay số tiền lương dạy học 120.000 đồng cho 4 tiếng không đủ để trang trải tiền thuốc (Minh Vượng dạy tại Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội) nhưng không vì thế mà chị bớt yêu nghề đi.
Bác trưởng thôn Văn Hiệp, có thể có lúc phải đưa đến đồng xu cuối cùng cho vợ con, có lúc phải nhịn cơm trưa để tiết kiệm tiền. Nhưng trên màn ảnh, khán giả vẫn thấy ông hết lòng đem tiếng cười đến cho công chúng đến giây phút cuối cùng của cuộc đời.
NSƯT Trần Hạnh, 84 tuổi đời với hơn 50 năm cống hiến cho nghệ thuật, cuộc sống hiện tại không được xem là giàu có, nhưng không vì thế mà ông thấy phiền lòng. Chẳng những thế, ông vẫn có một tâm nguyện mà chưa thực hiện được, đó là được đóng một vai diễn thoát khỏi một ông nông dân nghèo khổ, chất phác, hiền lành mà thay vào đó là một vai diễn phản diện, mưu mô chẳng hạn, để ông có thể “tung hoành thể hiện” một lần trên phim cho thỏa đam mê với nghiệp diễn.
Những con người đó, có thể cuộc sống của họ không giàu bằng những diễn viên trẻ hiện nay, có thể họ không khoác lên mình những bộ trang phục hàng ngàn đô la nhưng những gì họ cống hiến là vô giá. Có lẽ, không phải họ không có khả năng kiếm được nhiều tiền mà bởi vì trong tâm tưởng của những nghệ sĩ ấy, tiền không phải là mục đích cuối cùng của nghiệp diễn. Công chúng trân trọng, yêu mến và lưu danh họ cũng vì điều đó.
Đó là một bài học lớn không chỉ cho các diễn viên trẻ mà còn dành cho tất cả những nghệ sĩ đã, đang và sẽ chọn nghệ thuật làm nghiệp của mình.