Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể đã sử dụng bài phát biểu dài của mình tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg (SPIEF) hôm 17/6 để đập tan loạt tin đồn về sức khỏe của ông, Newsweek cho biết.
Trên mạng xã hội từ lâu đã lan truyền vô số những đồn đoán xoay quanh tình trạng sức khỏe của ông Putin, năm nay 69 tuổi.
Có suy đoán cho rằng nhà lãnh đạo lâu năm của Nga đang mắc một căn bệnh nào đó.
Ông Keir Giles, thành viên cấp cao của chương trình Nga và Á-Âu tại cơ quan tư vấn các vấn đề quốc tế Chatham House, nói với tờ The Mirror của Anh rằng, ông Putin sẽ tìm cách "đánh tan những tin đồn thất thiệt về sức khỏe của mình".
"Bài phát biểu dài 72 phút (tại SPIEF hôm 17/6) như một bài kiểm tra sức chịu đựng. Mặc dù bài phát biểu lần này không thể so sánh với các cuộc họp báo dài hơi hơn mà ông ấy từng dự và phát biểu trước đây, nó vẫn sẽ rất ấn tượng đối với tuổi của ông ấy", ông Giles lập luận.
Hồi cuối tháng trước, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov phủ nhận thông tin ông Putin đang mắc bệnh hiểm nghèo.
"Tôi không nghĩ rằng những người đầu óc bình thường có thể nhìn thấy ở ông ấy những dấu hiệu của bệnh tật", ông Lavrov cho biết trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Pháp TF1.
Ngoại trưởng Lavrov cho biết thêm rằng ông Putin "xuất hiện trước công chúng hàng ngày" và mọi người "có thể nhìn thấy ông ấy trên màn hình và nghe các bài phát biểu của ông ấy".
Người phát ngôn của ông Putin, Dmitry Peskov, cũng nói với hãng tin AP vào tháng 3 rằng sức khỏe của Tổng thống Nga "thực sự hoàn hảo".
Tuy nhiên, việc lần đầu tiên sau 18 năm, chương trình thường niên “Đường dây Trực tiếp với ông Vladimir Putin” bị hoãn được cho là một động thái báo hiệu sức khỏe kém của nhà lãnh đạo Nga, theo ông Anders Åslund, nhà kinh tế người Thụy Điển trước đây từng là cố vấn kinh tế cho Chính phủ Nga.
“Mọi năm ông Putin đều có một cuộc giao lưu trực tuyến với người dân Nga vào tháng 6. Nhưng năm nay thì không”, ông Åslund viết trên Twitter hôm 8/6. “Đây là một dấu hiệu khác cho thấy sức khỏe của ông ấy không tốt, vì những sự kiện kéo dài 3-4 giờ đồng hồ như vậy khá là thách thức, ngay cả khi được sắp xếp theo kịch bản”.
Mọi thứ sẽ trở lại bình thường
Trong bài phát biểu tại SPIEF hôm 17/6, ông Putin không đề cập đến những tin đồn về sức khỏe của mình, nhưng chỉ trích mạnh mẽ Mỹ và phương Tây về các lệnh trừng phạt chưa từng có tiền lệ nhắm vào Nga nhằm đáp trả chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine.
Phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt "điên rồ và liều lĩnh" đối với Moscow, nhưng "cuộc tấn công kinh tế đó đã không có cơ hội thành công, hãng thông tấn Nga TASS dẫn lời phát biểu của ông Putin tại Diễn đàn.
Ông chủ Điện Kremlin cảnh báo rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moscow đã phản tác dụng, tạo ra cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng gia tăng ở châu Âu, tờ Wall Street Journal cho biết.
“Các nước châu Âu đã giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế của chính họ”, ông nói, viện dẫn sự gia tăng của giá lương thực và nhiên liệu ở châu Âu. “Tổn thất trực tiếp của họ (Liên minh châu Âu) do cơn sốt trừng phạt có thể vượt quá 400 tỷ USD mỗi năm…”
Tại SPIEF hôm 17/6, Tổng thống Nga Putin cũng dự đoán về quan hệ trong tương lai với Ukraine sau khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow ở quốc gia láng giềng Đông Âu này kết thúc, CGTN cho biết.
Trong phiên hỏi đáp với Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev, ông Putin nói: “Sớm muộn gì tình hình cũng sẽ trở lại bình thường”.
Nhà lãnh đạo Nga cũng cho biết, ông không phản đối việc Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu (EU) sau sau khi Ủy ban châu Âu ủng hộ trao tư cách ứng cử viên cho Kyiv.
“Chúng tôi không có gì phải phản đối điều đó. Nó (EU) không phải là một khối quân sự. Bất kỳ quốc gia nào cũng có quyền tham gia các liên minh kinh tế”, ông Putin nói.
Minh Đức (Theo Newsweek, Wall Street Journal, CGTN)