Trước diễn biến lây lan nhanh chóng trong cộng đồng của dịch Covid-19, chiều 11/6, đoàn công tác Bộ Y tế đã có buổi làm việc với Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid- 19 tỉnh Hà Tĩnh.
Tại buổi làm việc, Sở Y tế Hà Tĩnh nhận định, 2 ca bệnh trở về từ Bình Dương mắc chủng siêu lây nhiễm Ấn Độ (B16172), có sự phát tán nhanh virus ra không khí, lây rất nhanh, rất nguy hiểm; cường độ lây nhiễm gấp 2,5-2,8 lần so với chủng ban đầu, hơn 40% so với chủng virus Anh.
Riêng khu vực nhà tắm nước ngọt công cộng bãi tắm Xuân Hải (huyện Lộc Hà) - nơi hai bệnh nhân này đến, tới thời điểm hiện tại ngành y tế ghi nhận 7 ca lây nhiễm ở ổ dịch này.
Ngoài ra, 3 ca bệnh trong cùng gia đình gồm: Chị P.T.N (SN 1984), chồng là N.V.D (SN 1977) và con N.T.N.H (SN 2018) trú tại tổ dân phố Xuân Hải, thị trấn Lộc Hà vừa công bố nhiễm Covid-19 sáng nay (12/6) cũng bán nước tại bờ kè biển Xuân Hải, đối diện điểm tắm nước ngọt công cộng của bãi tắm Xuân Hải.
Ông Nguyễn Chí Thanh, Giám đốc CDC Hà Tĩnh nhận định, điểm tắm nước ngọt công cộng ở Lộc Hà, vị trí hai bệnh nhân đã đến được xác định là nơi siêu lây nhiễm của ca bệnh. Đặc biệt phát tán virus mạnh nhất vào ngày 3/6.
“Đây là ổ dịch siêu lây nhiễm. Nhiều ca nhiễm mới phát hiện cũng có lịch trình di chuyển đến địa điểm này”, ông Thanh nói.
Ngoài nguồn lây trên, ngành y tế cũng dự báo khả năng sẽ có nguồn lây thứ 2 vì trên một vài bệnh nhân yếu tố dịch tễ chưa được rõ ràng. Một số mẫu đang được chuyển ra viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xác định chủng virus.
Tính từ ngày 4/6 đến nay, Hà Tĩnh ghi nhận 29 ca nhiễm Covid-19. Sau khi phát hiện các ca bệnh, Ban chỉ đạo phòng chống dịch đã khoanh vùng, truy vết, cách ly những người có nguy cơ lây nhiễm cao. Ngành Y tế đã truy vết được hơn 900 F1 và hơn 8.500 F2. Qua xét nghiệm cho kết quả 839 mẫu F1 và 40.441 mẫu F2 vùng phong tỏa diện rộng âm tính với SAR-CoV-2.
Để sớm khống chế được đợt dịch siêu lây nhiễm này, T.S Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, số lượng F1 tại Hà Tĩnh vô cùng lớn, nguy cơ lây nhiễm cao nên cần phải giám sát chặt chẽ.
“Việc truy vết cơ sở nòng cốt phải là người có kiến thức về y tế, đã được tập huấn. Truy vết F1 trước sau đó mới đến F2. Thời gian này, Hà Tĩnh cần phải đảm bảo phòng chống dịch ở các khu công nghiệp, đặc biệt là các khu công nghiệp lớn”, T.S Đặng Quang Tấn nhấn mạnh
Chủng virus Ấn Độ siêu mạnh, khó điều trị
Trao đổi với Người Đưa Tin Pháp Luật, bác sỹ Nguyễn Khắc Thành, Giám đốc bệnh viện Đa khoa Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo - bệnh viện dã chiến đang điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 của tỉnh Hà Tĩnh cho biết, các ca bệnh liên quan 2 vợ chồng ở Bình Dương đều nhiễm virus chủng Ấn Độ. Đây là loại virus siêu mạnh khiến các bệnh nhân có triệu chứng bệnh rất nặng, nặng hơn rất nhiều so với các ca bệnh trước đây mà bệnh viện từng điều trị.
Theo bác sỹ Thành, đặc biệt, số lượng bệnh nhân nhiễm Covid-19 đợt này đang điều trị tại đây là 22 trường hợp trong đó có 8 cháu bé. Các bệnh nhi độ tuổi còn rất nhỏ, có cháu chỉ mới 3 tuổi khiến việc điều trị chủng virus này khó khăn lại càng khó khăn hơn.
“Số lượng bệnh nhân tăng liên tục, các y, bác sỹ tại bệnh viện Cầu Treo có những ngày làm việc xuyên đêm không ngủ. Cơ sở vật chất tại bệnh viện còn hạn chế nên đặt ra cho chúng tôi trọng trách nặng nề. Anh chị em luôn động viên nhau phải cố gắng để chống dịch, điều trị cho các bệnh nhân. Chúng tôi đang đề xuất UBND huyện Hương Sơn bổ sung thêm nhân lực, bác sỹ trước số lượng bệnh nhân ngày càng tăng như hiện nay”, bác sỹ Thành nói.
Tại diễn biến liên quan, trước tình hình cấp bách tại huyện Lộc Hà liên quan 3 ca nhiễm mới, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải vừa yêu cầu thiết lập vùng cách ly y tế toàn xã Thạch Kim và thị trấn Lộc Hà (trừ TDP Xuân Khánh, TDP Phú Đông, TDP Khánh Yên, TDP Yên Bình) từ 12 giờ ngày 12/6 theo tinh thần Chỉ thị 16/ CT-TTg ngày 31/3/2020 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 của Thủ tướng Chính phủ.