Sáng 6/7, công tác chấm thi THPT Quốc gia 2019 đối với những bài thi trắc nghiệm ở tỉnh Thanh Hóa đã hoàn tất. Trong khoảng 102.000 bài thi trắc nghiệm tại hội đồng chấm thi tỉnh Thanh Hóa, ngoài “bài thi trắng”, cán bộ chấm thi phát hiện thêm khoảng 10% bài thi của thí sinh có những lỗi sai có thể khiến thí sinh “mất điểm oan”.
Thông tin với báo chí, PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng trường đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: “Trong tổng số 102.000 bài thi của thí sinh tại Thanh Hóa, sau khi máy chấm trắc nghiệm quét bài thi đã phát hiện có khoảng 650 bài thi phải sửa lỗi về tô số báo danh, mã đề.
Đối với những lỗi này, cán bộ chấm thi bắt buộc phải sửa, nếu không phần mềm sẽ không chấm được.
Theo thống kê của bộ GD&ĐT, lỗi này hàng năm rơi vào khoảng 1%, nhưng của Thanh Hóa năm nay chỉ khoảng 0,63%”.
Bên cạnh đó, phát hiện 10% trong tổng số 102.000 bài thi trắc nghiệm được phần mềm chấm trắc nghiệm khuyến cáo nên xem lại cho thí sinh, có thể có lỗi hoặc không có lỗi. Đó thường là lỗi phát hiện 1 câu không có đáp án, hoặc có nhiều hơn 1 đáp án. Thực tế, đó là do thí sinh tô mờ đáp án, hoặc khi thay đổi đáp án trong 1 câu, thí ính tẩy đáp án cũ chưa kỹ nên vẫn còn.
Vì trách nhiệm với học sinh, các cán bộ chấm thi phải xem lại những bài thi này để “cứu” thí sinh, năm nay, tại Thanh Hóa có khoảng 10.000 bài thi gặp lỗi này (chiếm khoảng 10%).
Đến thời điểm hiện tại, ban chấm thi trắc nghiệm đã hoàn tất công tác chấm thi trắc nghiệm và chuẩn bị bàn giao cho sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa.
Tổng số bài thi mà ban chấm thi trắc nghiệm phải sửa lỗi là khoảng 1.500 trong tổng số 11.900 bài thi phần mềm nghi lỗi. Do đó, ban chấm thi phải sửa lỗi của các bài thi này mất một ngày rưỡi, và hoàn thành việc chấm thi trong ngày 5/7.
PGS.TS Trần Văn Tớp cho biết, khu vực chấm thi được đặt 5 máy phá sóng, công tác đảm bảo an ninh luôn được thắt chặt. Đại học Bách khoa Hà Nội đã chọn 8 cán bộ kỹ thuật cùng 2 cán bộ Sở tham gia chấm thi trắc nghiệm.
Trong quá trình chấm thi tại cụm thi số 27 tỉnh Thanh Hóa, ban chấm thi phát hiện có 1 “bài thi trắng”, ngoài họ tên và ngày sinh, thí sinh này không ghi thêm gì và đã được lập biên bản coi như trường hợp bất thường.
“Không ghi bất kỳ một cái gì, theo quy định không có kết quả, cho vào diện bài thi bất thường. Trong quá trình coi thi, khi thấy thí sinh không làm bài, giám thị đã động viên làm, nhưng thí sinh không làm. Khi nộp bài vào, theo như báo cáo của ban chấm thi trường đại học Bách khoa Hà Nội, ban chấm thi có lập biên bản”, Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa, bà Phạm Thị Hằng thông tin.
Tại Bắc Kạn, trường đại học Công nghệ Giao thông Vận tải là đơn vị phụ trách chấm thi trắc nghiệm. Hiện nay, công tác chấm thi trắc nghiệm tại địa phương này đã hoàn tất. Ông Vũ Ngọc Khiêm, Hiệu phó trường đại học Công nghệ Giao thông Vận tải, Trưởng ban chấm thi trắc nghiệm của hội đồng chấm thi Bắc Kạn cho biết, trong quá trình chấm hơn 8.000 bài thi trắc nghiệm, phát hiện nhiều bài thi có lỗi khiến phần mềm không chấm được.
Cụ thể, tại hội đồng thi nơi vị này chấm thi, có 1 phòng thi có 2 thí sinh trùng mã đề thi. Đối chiếu với thông tin, thì thấy một thí sinh đã tô nhầm mã đề từ 120 thành 102 nên trùng với một thí sinh khác trong phòng thi.
Ông Khiêm đánh giá phầm mềm chấm thi năm nay không có khó khăn gì đối với tổ kỹ thuật. Quy trình khá chặt chẽ, tính bảo mật cao. Ông cho biết thêm với các bài thi trắc nghiệm, ban chấm thi cũng không biết được điểm của bài thi vì máy chấm đã mã hóa ngay từ khi quét bài thi.
Theo yêu cầu của bộ GD&ĐT, quy trình chấm thi trắc nghiệm rất chặt chẽ, thậm chí còn chặt chẽ “quá mức”, tất cả những bài thi bất thường đều phải lập biên bản khi tiến hành rà soát.
Theo báo cáo của các trường đại học, cơ bản, đã chấm xong trắc nghiệm. Việc chấm thi tự luận cũng đang dần hoàn tất để chuẩn bị chấm kiểm tra, đảm bảo đúng tiến độ công bố điểm thi THPT Quốc gia 2019 vào ngày 14/7 như kế hoạch.