Bài thơ có 1.728 cách đọc
Ở cái tuổi xưa nay hiếm, hàng ngày, ông vẫn miệt mài trước máy vi tính. Ông giáo già ấy là nhà nghiên cứu Truyện Kiều Phạm Đan Quế (SN 1936, quê tỉnh Hải Dương, hiện ngụ tại quận 7, TP.HCM). Ngay từ thuở nhỏ, ông đã thuộc lòng từng câu chữ trong kiệt tác thơ của đại thi hào Nguyễn Du. Và sau này, những sáng tác của ông cũng xoay quanh kiệt tác ấy và gặt hái được những thành quả đáng nể. Nhà nghiên cứu Truyện Kiều Phạm Đan Quế đã được trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam vinh danh năm 2005, với 15 tác phẩm, công trình nghiên cứu về Truyện Kiều. Tuy nhiên, với ông giáo già, như thế là chưa đủ.
Nhà nghiên cứu Phạm Đan Quế. (Ảnh H.M)
Ngay từ khi còn học phổ thông, năm 1954, nhà nghiên cứu Phạm Đan Quế vô tình được nghe giảng về một bài thơ "thuận nghịch độc" mà lưu tâm. Đó là một quyển sách của Dương Quảng Hàm, có nói về bài thơ "Đồ Sơn" thuộc thể loại thơ “thuận nghịch độc”. Khi nghe giảng, ông đã luôn đặt ra cho mình một câu hỏi rằng: "Làm sao lại có thể làm được bài thơ vừa đọc xuôi vừa đọc ngược đều có nghĩa như vậy?".
Lớn lên, ông bắt đầu có những nghiên cứu về thể loại này. Nhà nghiên cứu Phạm Đan Quế cho biết: "Qua tìm hiểu, nghiên cứu, tôi thấy, trong suốt 250 năm (từ 1720 đến 1970) ở nước ta mới chỉ có chưa đến 20 bài thơ thể loại "thuận nghịch độc". Trong đó phải kể đến vua Thiệu Trị - tức thi sĩ Miên Tông (1807-1847) với hai bài thơ thất ngôn bát cú bằng chữ Hán làm dưới dạng hình tròn bát quái. Nhan đề hai bài ấy là "Vũ trung sơn thủy" và "Phước Viên văn hội lương dạ mạn ngâm".
Với công trình nghiên cứu về Kiều hơn 40 năm và quá trình nghiên cứu lâu dài về thơ "thuận nghịch độc", nhà nghiên cứu Phạm Đan Quế đã tạo ra kỳ tích, với tác phẩm "Kiều nương cửa phật" công bố năm 2007, thuộc thể loại thơ thất ngôn bát cú (8 câu, mỗi câu 7 chữ). Nhà nghiên cứu Phạm Đan Quế cho biết: "Bài thơ được làm ra sau khi tôi làm vô số tác phẩm "thuận nghịch độc", ví như "Xuân đò đợi" hay "Hương thu"… Từ những bài ấy, tôi mới đúc kết ra được những kinh nghiệm mà làm nên bài thơ có một không hai này. Mới đầu, tôi cũng không ngờ nó lại có nhiều cách đọc đến thế. Sau khi sáng tác xong, tôi đăng tải nó lên mạng với nhan đề "Bài thơ có hàng trăm cách đọc". Ông Trịnh Minh Quân ở Hà Nội nghiên cứu và cho tôi biết bài thơ của tôi có tới 1.464 cách đọc khác nhau đều có nghĩa. Tôi mới bắt đầu nghiên cứu lại và tôi thấy ít nhất có đến 1.728 cách đọc khác nhau của bài thơ. Tất cả các bài ấy đều có nghĩa".
Từ một bài thơ "Kiều nương cửa phật", nhà nghiên cứu Phạm Đan Quế đã cho ra 1.728 bài thơ khác. Các bài thơ sau trong chuỗi 1.728 bài thơ ấy khác bài chính chỉ ở cách đọc, có nghĩa là có sự xáo trộn câu, từ trong bài thơ. Điều đặc biệt, sự xáo trộn ấy không làm bài thơ mất nghĩa cố hữu của nó là "Kiều nương cửa phật". Nhà nghiên cứu Phạm Đan Quế đã soạn bài thơ ấy thành sách "Bài thơ vịnh Kiều độc đáo và cách làm thơ thuận nghịch độc" đề xuất với trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam.
Bài thơ chính (đầu tiên) và một số bài thơ được đọc theo cách khác. (Ảnh H.M)
Làm thơ dựa trên công thức Toán học
Kỷ lục đáng nể! Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam vừa có quyết định công nhận "Kiều nương cửa phật" là "Bài thơ có nhiều cách đọc nhất", được gửi cho nhà nghiên cứu Phạm Đan Quế. Dự kiến, lễ trao bằng sẽ được tổ chức cuối tháng 8/2013. |
Ông giáo già Phạm Đan Quế tỏ vẻ tâm đắc về khoảng thời gian làm thầy giáo dạy Toán của mình. Bởi để hoàn thành tác phẩm để đời "Kiều nương cửa phật", ông phải vận dụng hết khả năng Toán học. Nhà nghiên cứu Phạm Đan Quế cho biết: "Phải có cách tính rõ ràng và chia cụ thể từng câu từng chữ trong bài thơ. Tất cả tám câu thơ phải độc lập, câu nào cũng phải đủ ý. Từ đó, cho dù bỏ hai chữ đầu của một câu, hay hai chữ cuối của một câu và đọc ngược lại thì câu đó vẫn có nghĩa và đủ ý.
Ví dụ, câu trong bài chính là: "Ngần ngại đổ chuông chiều nguyện cầu/ Sắc hương vàng nắng ngả rơi mau" có thể bỏ bớt hai chữ đầu của mỗi câu và đọc ngược thành: "Nguyện cầu chiều chuông đổ/ Mau rơi ngả nắng vàng". Tám câu đều tồn tại độc lập và câu nào cũng phải tập trung vào đầu đề bài. Trong đó chủ chốt chính là ba chữ giữa của một câu. Ba chữ chủ chốt đó xuất hiện nhiều nhất, cả tám câu chỉ cần ba chữ giữa mỗi câu là đã đủ nội dung của một bài thơ nói về việc Kiều nương nhờ cửa phật".
Nhà nghiên cứu Phạm Đan Quế luôn cho rằng, không có Toán học thì không thể làm được bài thơ trên. Ông cho biết: "Có bài thơ rồi mà không có Toán học thì không làm được vì sẽ nhầm hoặc trùng. Phương pháp mà tôi làm áp dụng lý thuyết tổ hợp trong Toán học. Trong đó, với đọc xuôi, ta có 12 cách chọn, chọn khổ đầu câu 1-2(2-1), 1-4(4-1), 1-6(6-1), 8-6(6-8), 8-4(4-8), 8-2(2-8). Với mỗi khổ thơ được chọn ta có 36 bài khác nhau, nên chỉ xét riêng những bài thất ngôn đọc xuôi ta có 36x12=432 cách đọc khác nhau. Bằng cách bỏ bớt hai chữ đầu của mỗi câu ta có thêm 432 bài ngũ ngôn nữa, tổng cộng là 864 bài cổ phong đọc xuôi. Ngược lại, ta cũng có 864 bài cổ phong đọc ngược. Như vậy, tổng cộng một bài thơ "Kiều nương cửa phật" ta có 1.728 cách đọc khác nhau đều có nghĩa".
Cho đến bây giờ, nhà nghiên cứu Phạm Đan Quế vẫn chưa thể ngờ được vì sao mình lại có thể làm được một bài thơ "kinh điển" đến vậy. Ông cho rằng là tự dưng làm nhiều cách mà ông cho ra được bài thơ ấy. Nếu cho sáng tác thêm một bài nữa thì thật khó đối với ông. Chia sẻ những kinh nghiệm của mình, ông cho hay: "Đầu tiên phải tạo được những cụm từ, tức là những từ láy mà đọc xuôi đọc ngược đều có nghĩa. Sau đó là tạo ra những cụm từ gồm ba bốn từ mà đọc xuôi ngược vẫn có nghĩa, chứ làm theo ngẫu hứng thì không làm được. Phải đặt ra cho mình một cái yêu cầu và tuân theo yêu cầu đó, bắt buộc mình phải lựa chọn từ ngữ đó".
Điều đáng nói đến trong bài thơ của nhà nghiên cứu Phạm Đan Quế chính là âm hưởng thơ. Cả bài thơ bao gồm 56 chữ thì có tới 54 chữ có trong Truyện Kiều được ông sử dụng, vì thế mà người đọc luôn cảm nhận được âm hưởng của Truyện Kiều. Để tránh lạc lõng với vần điệu trong Truyện Kiều, ông đã phải "vắt óc" suy nghĩ cách sắp xếp, lựa chọn từ ngữ. Nhà nghiên cứu Phạm Đan Quế cho biết: "Cái quan trọng nhất là cả tám câu phải có vần, mà vần ấy phải ở đúng vị trí mà cho dù có lộn đi lộn lại thì bài thơ vẫn vần. Đến khi áp dụng công thức Toán học để làm thơ thì các vần ấy cũng không bị lạc nhau. Ngoài ra, các từ ngữ trong thơ phải đạt yêu cầu về nghĩa để khi xáo trộn thì nghĩa vẫn không thay đổi".
Hoàng Minh