"Khắc tinh" của loài rắn
Cách thành phố Vinh hơn 100 km, chạy dọc quốc lộ 48, chúng tôi tìm đến nhà lương y Bùi Đình Lục, người được mệnh danh là "khắc tinh" nọc độc của các loài rắn. Vừa bước chân vào nhà, chúng tôi chứng kiến ngay cảnh hai người bị rắn cắn nằm bất động. Ông Bùi Đình Lục và vợ là bà Vương Thị Hoa đang lúi húi gắp phần da thịt bị hoại tử trên tay và đùi của hai nạn nhân ra. Trong khi đó, đứa con trai út và bà cụ già cũng chạy đôn, chạy đáo để phụ giúp những việc cần thiết, như lấy bông vệ sinh vết thương và bôi thuốc. Khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ sau, hai bệnh nhân đã bớt tím tái, qua khỏi giai đoạn nguy hiểm. Vệ sinh sạch sẽ xong, ông Lục ra tiếp chuyện với chúng tôi. "Cái nghề này nó thất thường vậy đó, bệnh nhân đến lúc nào là mình phải nhanh tay chữa trị, may ra mới kịp được", ông Lục phân trần.
Cả gia đình ông Lục đều chữa được bệnh rắn cắn.
Không giấu diếm, ông chia sẻ về cái duyên đến với nghề và những bí quyết đặc biệt trong bài thuốc gia truyền. Theo đó, từ lúc mới 4 tuổi, ngày nào cậu bé Lục cũng theo bố là ông Bùi Đức Ân lên rừng hái các loại thuốc về bào chế để chữa rắn độc cắn. "Khi đổ lá cây ra, tôi liền cầm từng loại lá lên nhìn thật kỹ, sau đó hỏi bố tôi, rồi cố ghi nhớ trong đầu", ông Lục kể. Vốn thông minh, cậu bé Lục ghi nhớ rất nhanh từng loại cây rừng dùng làm thuốc.
15 tuổi, ông đã tự làm việc một "động trời" mà đến giờ mỗi khi nghĩ lại, ông vẫn thấy sợ. Năm đó, bà Vương Thị Trường bị rắn hổ mang chúa cắn rất nặng. Khi đưa đến nhà ông, toàn thân bà tím tái do nọc độc đã ngấm sâu vào người. Nhưng oái oăm thay, lúc đó chỉ một mình Lục ở nhà. Nhận thấy bà Trường đang rất yếu, có thể nguy hiểm tới tính mạng, Bùi Đức Lục đành... nhắm mắt làm liều. Cậu tự tay mổ vết thương bị rắn cắn, rửa sạch rồi bôi thuốc lên cho nạn nhân. Chỉ mấy ngày sau, bà Trường bình phục. "Lúc đó, tôi chỉ cố nhớ lại những thao tác mà bố mẹ thường làm cho các bệnh nhân, rồi làm theo. May mà lần đó tôi đã thành công", ông Lục thở phào khi nhớ đến sự việc năm xưa.
Sau lần đó, ông Lục được cha dạy bảo nhiều hơn. Chẳng mấy chốc ông đã thuộc làu những kinh nghiệm gia truyền, bài thuốc chữa rắn độc. Thân phụ ông Lục là người đã dùng thuốc nam cứu được bao người thoát khỏi tử thần mang tên rắn độc cắn. Ông Lục vẫn nhớ lời dặn ân cần của cha mình: "Tổ tiên cho gia đình ta nghề bốc thuốc chữa rắn cắn. Bởi vậy, phải lấy chữ "Lương y như từ mẫu" mà làm theo. Mình biết cách chữa rắn cắn mà để cho nhiều người khác phải bỏ mạng vì nó thì không thể nào chấp nhận được. Cứu một mạng người bằng xây 7 tòa tháp", ông nói.
Bài thuốc chữa rắn của ông Lục gồm 11 loại nguyên liệu từ lá, vỏ, rễ cây. Nhưng hiện tại mới chỉ có 3 loại có tên trong các tài liệu đông y, mọc ở rừng đồi và các vùng ven sông tự nhiên như: Lá cỏ chỉ thiên, lá xuyên tiêu, lá cây găng có gai. Những vị thuốc này được chính tay ông và vợ con ông đi hái về, phân loại, sau đó phơi khô rồi xay thành bột. Phương pháp chữa trị của ông là "nội ẩm ngoại đồ", tức là trong uống ngoài dịt. Ông Lục còn cho biết thêm, bài thuốc của ông là sự kết hợp giữa bài thuốc dân tộc với khoa học, làm cho thang thuốc thêm hiệu quả.
Lọ thuốc gia truyền của gia đình ông Lục
Chữa khỏi 100%
Đến nay, không những ông Lục mà vợ và các con trong gia đình ông đều có thể chữa khỏi bệnh rắn độc cắn. Bà Vương Thị Hoa, mặc dù chỉ là con dâu, nhưng vẫn quyết theo nghề của gia đình chồng để cứu người. Qua gần 40 năm làm nghề, được sự hướng dẫn ân cần, bà Hoa đã nắm được bí quyết gia truyền và bốc thuốc chữa rắn cắn, khiến nhiều người cảm phục. Những hôm ông Lục đi chữa bệnh xa nhà, bà thay chồng thăm bệnh, bốc thuốc chữa cho các nạn nhân bị rắn độc cắn. Nhiều ca bệnh rất nặng, sự sống chỉ mong manh như sợi tóc, nhưng bà đã cứu họ thoát chết. Không ít người cảm động rơi nước mắt khi biết rằng mỗi toa thuốc bà bốc cho họ chỉ lời được mấy nghìn đồng.
Đa số những nạn nhân không may bị rắn cắn đều là nông dân nghèo, vì cuộc sống mưu sinh, họ phải lên rừng kiếm sống, trong đó có một số trường hợp đi bắt rắn để bán kiếm tiền không may bị rắn cắn. "Cứu được họ khỏi cái chết là tôi thấy lòng mình thanh thản rồi", bà Hoa tâm sự.
Cầm quyển sổ ghi lại những bệnh nhân đã được chữa khỏi bệnh từ tháng 7/2004 đến tháng 7/2012, ông Lục chia sẻ: "Năm đó, trước khi nhắm mắt, bố tôi đã nắm tay tôi và nói: "Hơn 70 năm trời bố chữa bệnh cho nhiều người, nhưng không ghi lại được danh sách. Vì thế sau này mỗi khi con chữa được cho ai, nên ghi lại vào sổ, rồi giữ cho cẩn thận để lưu lại, phòng khi có việc cần đến. Mình làm việc từ thực tế mà thành khoa học con à"”.
Thực hiện lời của người cha quá cố, hiện nay, trong quyển sổ được ghi chép cẩn thận của gia đình ông Lục đã có 149 bệnh nhân bị rắn độc cắn và đã được chữa trị khỏi 100%. Trong đó bệnh nhân do rắn cạp nong, cạp nia cắn 22 người; rắn hổ chúa đen bóng và rắn hổ chúa màu xám đen cắn 4 người; rắn hổ mang bành cắn 25 người; rắn lục đỏ và rắn lục đọt chuối cắn 68 người; rắn khô mộc rằn (nhóm hoại tử) cắn 25 người; rắn khô mộc (nhóm thần kinh) cắn 5 người...
Bà Hoa vẫn nhớ trường hợp của nạn nhân Nguyễn Thị Bích (xã Tân Long), bị rắn hổ chúa cắn khi đang mang thai tháng thứ 8. "Lúc chị ấy tìm đến nhà tôi, thấy cái bụng lùm lùm tôi liền hỏi thì chị nói: "Em đang mang thai nhưng khi ra vườn không may bị rắn cắn. Chị chữa cho em để sau này em có thể tự mình kẹp được mái tóc và bưng bê cơm nước cho chồng con". Câu nói khẩn thiết của người phụ nữ bụng mang dạ chửa đã thôi thúc tôi cứu nạn nhân bằng mọi giá. Lúc đó, tôi tưởng chừng như phải bỏ cái thai để cứu người mẹ, nhưng sau khi tôi gắp những miếng thịt bị hoại tử còn sót lại trên bàn tay chị ấy và bôi thuốc lên, đồng thời cho chị uống thuốc trị độc thì mấy ngày sau chị đỡ hẳn", bà Hoa nhớ lại. Hiện nay con của chị Bích đã được 6 tuổi, cứ đến dịp lễ là hai mẹ con lại bắt xe đến nhà ông bà để cảm ơn. Đó là niềm vui nhất của ông bà khi cứu được nhiều người trong lúc nguy cấp.
Năm 1995, anh Hùng - cán bộ công an Trại giam số 3, huyện Tân Kỳ bị rắn đen trắng cắn trong khi làm nhiệm vụ. Lúc đưa đến nhà ông bà Lục, anh đã hôn mê 4 tiếng đồng hồ. Sau thời gian điều trị, từ chiều cho đến sáng hôm sau, bệnh tình của anh Hùng đã đỡ hơn rất nhiều. Hay trường hợp của ông Sơn, người làng Rào, một tay buôn rắn nhưng không may bị rắn hổ mang cắn. Khi ông được đưa đến nơi, một ngón tay đã gần rớt. Biết tình trạng nguy cấp, ông Lục liền tiêm một liều thuốc khá nặng cho bệnh nhân, hy vọng cứu được mạng sống của ông này. Khoảng 20 ngày sau, ông Sơn đã khỏi bệnh. Để cảm tạ người đã cứu mình thoát chết và cũng để kiểm chứng tài chữa rắn cắn của ông Lục, ông Sơn cùng mấy người bạn của mình đã mua một con chó, sau đó cho rắn cắn rồi đem đến nhà ông. Với ý nghĩ, nếu con chó chết thì sẽ dùng chính thịt nó để chiêu đãi người đã cứu mình. Thế nhưng, sau gần 2 tiếng được tiêm thuốc, con chó đã khỏe trở lại. Lần đó, họ phải ra chợ mua thịt lợn về chiêu đãi ông Lục.
Với cống hiến cho công việc chữa bệnh bằng thuốc gia truyền lâu năm, lương y Bùi Đức Lục được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Hội Đông y huyện Tân Kỳ. Ông và các cộng sự vừa hoàn thành Công trình sáng tạo khoa học và công nghệ năm 2012: "Bài thuốc nam chữa rắn độc cắn". Ông luôn tự nhận mình là thầy thuốc của những người nghèo, thầy thuốc của những người nông dân.
Ông Hồ Văn Thăng, phó giám đốc bệnh viện huyện Tân Kỳ cho hay: Việc ông Lục chữa khỏi bệnh rắn độc cắn được rất nhiều người dân trong vùng biết tới. Hiện, những bài thuốc của ông đang được bệnh viện kết hợp nghiên cứu để có những bài thuốc hay trong việc điều trị cho bệnh nhận bị rắn độc cắn. |
Kim Long - Hà Hằng