Xuất hiện nhiều nguy cơ xâm hại di sản
Nhiều năm gần đây, ngành du lịch tỉnh Quảng Ninh ghi nhận tốc độ phát triển luôn ở mức cao. Trong năm 2024, địa phương này đón khoảng 19 triệu lượt khách với doanh thu hơn 46.460 tỷ đồng. Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển đó, di sản vịnh Hạ Long cũng phải đối mặt với nhiều nguy cơ xâm hại rất đáng lo ngại.
Thực tế trong các năm qua đã có nhiều vụ việc vi phạm tại di sản vịnh Hạ Long đã được phát hiện, trong đó tiêu biểu là các hành vi như: xây dựng nhà kiên cố trái phép, xả thải ra môi trường, đánh bắt trái phép...
Trước tình trạng trên, phía tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều biền pháp quyết liệt nhằm xử lý các vấn đề nhức nhối này. Theo đó, trong tháng 5/2024, đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã trực tiếp kiểm tra xử lý vi phạm có nguy cơ xâm hại tới cảnh quan vịnh Hạ Long tại Đảo Mắt Rồng và đảo Thẻ Vàng.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh cũng đã phát hiện, xử phạt nhiều trường hợp về hành vi xả thải trái phép ra môi trường vịnh. Đơn cử như việc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Quảng Ninh (địa chỉ số 35, phố Bến Tầu, phường Bạch Đằng, Tp.Hạ Long) không bơm nước thải từ ngăn tiếp nhận vào bể điều hòa, bể lắng để xử lý mà bơm nước thải từ ngăn tiếp nhận xả thẳng ra môi trường, hay trường hợp 2 đối tượng đổ thải trái phép đất bùn xuống vịnh Hạ Long bị cơ quan chức năng bắt quả tang xử phạt hàng trăm triệu đồng.
Ngoài ra, theo nghiên cứu của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Thế giới (IUCN), hiện nay trên vịnh Hạ Long có gần 500 tàu du lịch hoạt động. Trung bình mỗi khách sẽ phát thải nước xám là 5 lít/lượt, nước đen là 15 lít/lượt. Lượng nước thải phát sinh tổng thể trên tàu của mỗi lượt khách là 1.200 lít/ lượt. Lượng nước sinh hoạt tiêu thụ trong một ngày là 2-3 m3. Đối với tàu lưu trú, lượng nước thải lớn hơn nhiều so với tàu hoạt động theo giờ. Mặt khác, với tốc độ đô thị hóa đi kèm các dự án san lấp mặt bằng tăng mạnh, từ đó đã gây áp lực không nhỏ đến môi trường vịnh Hạ Long.
Trao đổi với Người Đưa Tin, Ban quản lý vịnh Hạ Long cho biết, tính trong năm 2024, đơn vị này đã phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức 227 lượt tuần tra, kiểm tra, giám sát. Qua đó, xử lý 185 vụ vi phạm, đề nghị xử phạt vi phạm hành chính, phạt tiền 1.688.500.000 đồng. Trong đó, có 47 vụ vi phạm hành chính về ANTT – ATGT phạt tiền 327,75 triệu đồng, 127 vụ vi phạm hành chính về lĩnh vực thủy sản phạt tiền 1,36 tỷ đồng, tịch thu 22 giã cào bằng sắt và các ngư cụ khác, 6 vụ vi phạm về tàu du lịch, 2 vụ vi phạm về cảnh quan – môi trường và 3 vụ vi phạm quy định về hoạt động vui chơi, giải trí.
Không có vùng cấm, ngoại lệ trong bảo vệ di sản
Qua công tác kiểm tra, xác định có vi phạm về trật tự xây dựng tại khu vực di sản vịnh Hạ Long trong tháng 5/2024, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu các cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra và giải quyết triệt để đối với công trình này với quan điểm xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân liên quan theo đúng quy định của Đảng, pháp luật nhà nước, không có "vùng cấm", không có ngoại lệ. Đồng thời đánh giá đúng tiềm năng để có hướng khai thác du lịch một cách bài bản, công khai minh bạch, hiệu quả, an toàn, tuyệt đối không có tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm và nhóm lợi ích.
Trong một diễn biến liên quan công tác bảo tồn giá trị di sản vịnh Hạ Long, mới đây trong tháng 12/2024, dư luận từng xôn xao về việc vịnh Hạ Long có nguy cơ bị Tổ chức UNESCO xem xét đưa ra khỏi danh sách di sản. Nhiều người lo ngại khi những năm qua tốc độ phát triển du lịch Quảng Ninh luôn ở mức cao vậy nên nguy cơ một số yếu tố quan trọng của vịnh Hạ Long có nguy cơ bị ảnh hưởng.
Trả lời với Người Đưa Tin về vấn đề này, bà Lê Thị Thìn, Trưởng phòng nghiệp vụ và nghiên cứu vịnh khẳng định thông tin vịnh Hạ Long bị Tổ chức UNESCO xem xét đưa ra khỏi danh sách di sản là hoàn toàn bịa đặt.
"Việc Tổ chức UNESCO xem xét đưa ra khỏi danh sách di sản thế giới là bịa đặt. Chúng tôi đã khẳng định vấn đề này trên trang thông tin của Ban. Thực tế, năm nay Tổ chức UNESCO có kế hoạch kiểm tra đánh giá di sản vịnh Hạ Long. Tuy nhiên, đây là công việc thường xuyên khoảng 4 đến 6 năm sẽ diễn ra một lần và lần gần nhất đã từ năm 2018" bà Thìn cho biết.
Cũng theo Ban quản lý vịnh Hạ Long, đối với các hành vi xâm phạm môi trường của vịnh Hạ Long, cơ quan chức năng đã tiến hành nhiều biện pháp nhằm nghiêm trị, xử phạt với số tiền lớn.
Tuy nhiên, do vịnh Hạ Long là khu vực biển rộng lớn với diện tích khoảng 1.553 km² nên công tác quản lý giám sát gặp không ít khó khăn. Đồng thời, khu vực vịnh Hạ Long có nhiều hoạt động kinh tế - xã hội, tiếp giáp với nhiều địa phương nên luôn tiềm ẩn, phát sinh nhiều vấn đề phức tạp trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Di sản. Bên cạnh đó, một số quy định pháp lý liên quan Di sản còn chưa rõ, thiếu hướng dẫn hay còn bất cập...
Giữ vững vị thế di sản thế giới
Với vị trí được xem là trung tâm của ngành du lịch Quảng Ninh và trong chiến lược phát triển chung của địa phương, năm 2024, vịnh Hạ Long đón tổng số khách đạt 3.216.484 lượt (trong đó có 1.189.950 lượt khách Việt Nam, 2.026.534 lượt khách nước ngoài), tăng 19,5% so với 2023. Thu phí tham quan đạt 973,68 tỷ đồng, tăng 22,9% so với năm 2023 và vượt 21,5% kế hoạch tỉnh giao.
Trao đổi với Người Đưa Tin, Sở Du lịch Quảng Ninh cho biết, Quảng Ninh đặt mục tiêu phát triển trở thành trung tâm du lịch kết nối với khu vực và quốc tế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Với diện tích 1.553km2, vịnh Hạ Long có gần 2.000 hòn đảo lớn nhỏ tạo ra một cảnh quan kỳ vĩ, đẹp mắt, mê hoặc, đắm say lòng người. Trong đó, có nhiều đảo đá có hình dáng đẹp lạ kỳ như: Hòn Gà Chọi, Đỉnh Hương, Con Cóc, Hang Sửng Sốt, động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ, hang Bồ Nâu, động Mê Cung, hang Luồn… Với những giá trị thẩm mỹ độc đáo cùng những giá trị địa chất riêng có, vịnh Hạ Long vinh dự 3 lần được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới vào năm 1994, 2000 và 2023. Với những giá trị cảnh quan đặc sắc riêng có, việc bảo tồn phát huy hài hòa giá trị di sản vịnh Hạ Long được xem là nhiệm vụ trung tâm.
Theo Cổng thông tin điện Quảng Ninh, trong một đánh giá liên quan việc bảo tồn và khai thác hài hòa di sản vịnh Hạ Long, ông Christian Manhart, Trưởng đại diện Tổ chức UNESCO tại Việt Nam từng cho rằng, giá trị phổ quát, nổi bật của di sản đã làm cho vịnh Hạ Long trở nên nổi tiếng, hấp dẫn, thu hút lượng khách rất lớn. Dưới góc độ lợi ích cho người dân địa phương thì du lịch như "con gà đẻ trứng vàng", vì vậy vịnh Hạ Long là một nguồn lực vô cùng quý giá, mà chúng ta cần duy trì, bảo vệ khai thác hài hòa, chứ không thể khai thác quá mức.
Trao đổi với Người Đưa Tin, Ban quản lý vịnh Hạ Long cho biết, để bảo tồn và khai thác hài hòa giá trị di sản vịnh Hạ Long, trong năm 2025, đơn vị tiếp tục tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể như hoàn thành Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi danh lam thắng cảnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Triển khai Kế hoạch quản lý di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long trong năm 2025 và tham mưu xây dựng Kế hoạch giai đoạn 2026 - 2030.
Theo đó, trong năm 2025, Ban quản lý vịnh Hạ Long triển khai các hoạt động cụ thể nhằm bảo tồn phát huy giá trị di sản như: hoàn thiện thủ tục pháp lý, nghiên cứu khoa học về vịnh Hạ Long, tăng cường kiểm tra, giám sát thực tế, tích cực tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, nâng cấp cơ sở vật chất, hoàn thiện Đề án Di sản số vịnh Hạ Long và chủ động trong công tác đảm bảo an ninh trật tự; phòng, chống thiên tai, cháy nổ, tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo an toàn cho khách du lịch...
"Bên cạnh các giải pháp hữu hiệu, đơn vị cũng tranh thủ sự ủng hộ của toàn thể các đơn vị chức năng và người dân nhằm bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị di sản. Đơn cử như sau cơn bão số 3, xảy ra tình trạng ô nhiễm rác thải đột biến. Tuy nhiên, sau đó Ban quản lý vịnh Hạ Long cùng các đơn vị, người dân đã tổ chức 5 đợt cao điểm ra quân huy động 1.744 lượt phương tiện, 5.191 lượt nhân lực, thu gom được 4.771m3 rác các loại và 660 bè tre làm sạch rác thải trên vịnh,... qua đó nhanh chóng trả lại cảnh quan tươi đẹp cho vịnh Hạ Long" đại diện Ban quản lý vịnh Hạ Long thông tin.