“Nóng” thực phẩm bẩn ngày giáp Tết
Mấy ngày qua, người dân Hà Nội đang xôn xao về vụ việc hơn 23 tấn đuôi, chân bò không rõ nguồn gốc xuất xứ bị bắt giữ. Được biết, ngày 28/12/2011, Đội quản lý thị trường số 11 (Chi cục quản lý thị trường Hà Nội) và Đội kiểm tra tuyến thuộc PC 15 Công an Hà Nội phát hiện số thực phẩm "bẩn" kia tại số nhà 28 tổ 15 phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Được biết, toàn bộ lô hàng này không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Tại cơ quan công an, đối tượng Lê Văn Đối trú tại Khánh Hòa, tài xế điều khiển xe chở số hàng trên khai nhận, anh được thuê chở số phụ phẩm trên từ Hà Nội vào Bình Dương để tiêu thụ. Trước đó, ngày 20/12/2011, Đội CSGT Rạch Chiếc, quận 9, TP. HCM đã bắt giữ một chiếc xe khách chở 2 tấn thịt bốc mùi hôi thối, ruồi nhặng bám đen và hơn 30 thùng trái cây khô không rõ nguồn gốc ngay tại cửa ngõ vào thành phố. Đây chỉ là hai trong số hàng trăm vụ vận chuyển các thực phẩm "bẩn" không rõ nguồn gốc vào các thành phố lớn trong thời gian qua.
Thực phẩm, nội tạng "bẩn" nhập lậu vẫn là nỗi lo của người dân, nhất là dịp giáp Tết
Trao đổi với PV báo Nguoiduatin.vn, ông Nguyễn Thanh Phong, phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết: "Công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) dịp Tết Nguyên đán luôn được trú trọng hàng đầu. Cứ đến Tết âm lịch, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng rất cao, trong đó các thực phẩm từ thịt là một trong những mặt hàng tăng nhiều nhất. Thậm chí, có những mặt hàng nhu cầu tăng đến hàng chục lần.
Chính vì vậy, để đáp ứng thị trường, các cơ sở sản xuất tăng công suất lên, việc này sẽ dễ dẫn đến hàng hóa, thực phẩm không đảm bảo chất lượng ATVSTP. Hơn nữa, khí hậu miền Bắc vào thời điểm Tết Nguyên đán khá ẩm ướt, thuận lợi cho các vi sinh vật, nấm mốc phát triển. Nếu không bảo quản tốt sẽ biến thành thực phẩm "bẩn". Trong khi đó tại miền Nam, khí hậu rất nóng, các loại thực phẩm như thịt lợn, thịt bò... không bảo quản tốt sẽ dẫn đến ôi thiu".
Cũng trao đổi với PV, ông Vương Ngọc Tuấn, phó tổng thư ký Hiệp hội người tiêu dùng cho rằng: "Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng liên tục phát hiện là bắt giữ hàng chục vụ vận chuyển thực phẩm "bẩn", thối trên địa bàn cả nước. Mới đây nhất là vụ bắt giữ hơn 23 tấn chân, đuôi bò không rõ nguồn gốc ở Hà Nội, rồi hàng loạt vụ tại TP.HCM. Đây quả là một thực trạng đáng báo động về loại thực phẩm "giết người" này.
Theo tôi, cứ đến dịp Tết Nguyên đán là nhu cầu tiêu thụ thực phẩm trong đó có thực phẩm động vật tăng cao, có thể gấp 5 - 10 lần so với ngày thường. Chính vì vậy, đây là cơ hội cho các loại thực phẩm "bẩn", không rõ nguồn gốc xuất xứ đổ dồn vào các thành phố lớn. Nếu các lực lượng kiểm tra không làm quyết liệt sẽ đặt người tiêu dùng vào một tình thế vô cùng nguy hiểm".
Theo ông Phong, việc đảm bảo ATVSTP là một hoạt động liên ngành trong đó có sự góp mặt của Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Y tế và ủy ban nhân dân các cấp. Về đảm bảo ATVSTP, Bộ Y tế vẫn là đầu mối, Thường trực Ban chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Chính phủ. Trong thời gian qua, việc hành động của liên ngành rất tốt. Các đoàn thanh tra liên ngành đã bắt được rất nhiều vụ vận chuyển thực phẩm bẩn.
Không mạnh tay sẽ khó xử lý triệt để
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, con số mà các cơ quan chức năng phát hiện và thu giữ về thực phẩm "bẩn" chỉ là một phần nhỏ trong số các vụ đã tiêu thụ trót lọt. Nhiều người dân rùng mình khi nghĩ, có thể họ đã từng là nạn nhân của không ít món thực phẩm... thối.
Ông Nguyễn Thanh Phong bày tỏ: "Trong vấn đề xử lý các thực phẩm "bẩn" gặp rất nhiều khó khăn. Theo tôi, không thể xử lý triệt để các mặt hàng này trong một sớm một chiều được. Ngành nào cũng có cái khó của nó. Các đoàn thanh tra chỉ hạn chế đến mức thấp nhất các thực phẩm "bẩn" trên thị trường. Làm cho các mặt hàng "chết người" biến mất hoàn toàn là một bài toán nan giải. Bởi vì, cả nước có hơn 500 cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, cộng với việc các thực phẩm "bẩn" tuồn từ biên giới vào trong nước. Để kiểm tra, rà soát được hết cũng là một việc khó khăn đối với các cơ quan chức năng.
Qua đợt kiểm tra vừa rồi, đoàn thanh tra liên ngành đã xử lý được rất nhiều vụ vi phạm, nội tạng, thịt, tương ớt và các chất phụ gia "bẩn"... Tuy nhiên chắc chắn con số vi phạm không dừng lại ở đó".
Ông Nguyễn Thanh Phong, phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm.
Ông Phong cho hay, hiện nay, các cơ quan liên ngành đang tích cực kiểm tra các loại thực phẩm, chất phụ gia không rõ nguồn gốc xuất xứ và không đảm bảo ATVSTP vì đây là những nguyên liệu độc hại bậc nhất. Nếu không kiểm soát được, nó sẽ luồn vào các quán ăn và bữa cơm của người dân.
Trước đó, trao đổi với báo giới, trước hàng chục vụ vận chuyển, buôn bán nội tạng, thịt lợn " bẩn" bị phát hiện, ông Phan Xuân Thảo, chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM thừa nhận rằng, TP.HCM đang "chịu trận" bởi nguồn thịt tuồn vào quá nhiều nhưng lực lượng thú y mỏng nên không kiểm soát nổi. Đây cũng là vấn đề khó khăn mà Chi Cục Thú y TP.HCM đang mắc phải.
"Một nguyên nhân cũng khiến cho các thực phẩm bẩn vẫn còn "đất sống" đó là người tiêu dùng chưa biết cách tự bảo vệ mình. Trước khi mua một loại thực phẩm nào đó, phải biết được nguồn gốc xuất xứ của nó. Thực tế cho thấy, nhiều người ham đồ rẻ bỏ qua chất lượng, không cần biết thực phẩm mình mua như thế nào, xuất xứ từ đâu. Họ cứ nghĩ là qua chế biến các thực phẩm đó sẽ hết độc hại.
Tuy nhiên, họ đâu biết được rằng, có những loại thực phẩm "bẩn" được ngâm hóa chất mà đun sôi hàng trăm độ C vẫn không thể hết được. Và một khi chất độc đã ngấm vào cơ thể sẽ để lại hậu quả khôn lường. Đây rõ ràng là hành vi vô tình tiếp tay cho những kẻ kinh doanh mặt hàng "giết người" này", ông Vương Ngọc Tuấn cho biết.
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Khang, chi cục trưởng Chi cục Thú y Lào Cai cho biết: "Việc kiểm dịch đối với hàng nhập khẩu chính ngạch đã thực hiện khá tốt, tuy nhiên quản lý nội tạng nhập lậu tiểu ngạch đang gặp nhiều khó khăn. Việc kinh doanh, vận chuyển các thực phẩm "bẩn" của các đối tượng hiện nay khá tinh vi. Các "đầu nậu" thuê "cửu vạn" vận chuyển hàng về các tỉnh giáp biên giới lén lút tiêu thụ rồi đổ về dưới xuôi".
Ông Tuấn cũng nhấn mạnh, với mức xử phạt cho hành vi vận chuyển, kinh doanh thực phẩm "bẩn" chỉ có 2 triệu đồng rõ ràng không đủ sức răn đe. Trong khi đó, việc kinh doanh thực phẩm "bẩn" có mức lợi nhuận cao. Những đối tượng trên sẵn sàng bỏ ra 2 triệu đồng để nộp phạt nếu bị bắt giữ. Theo ông Tuấn, cần thiết phải xử lý mạnh tay các trường hợp vi phạm ATVSTP để giải quyết tình trạng này.
10 đoàn thanh tra kiểm tra ATVSTP Tết Nguyên đán "Cục ATVSTP đã tham mưu trình ban chỉ đạo liên ngành Trung ương có kế hoạch đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn. Sẽ thành lập 10 đoàn thanh tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại 21 tỉnh thành phố trọng điểm. Các ban chỉ đạo liên ngành cấp huyện, xã phường đều thành lập ban thanh tra ATVSTP. Trong đó, chúng tôi quan tâm nhiều đến nguồn nguyên liệu thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ của số thực phẩm đó. Việc thanh, kiểm tra ở các tỉnh biên giới, chợ đầu mối được đặt lên hàng đầu. Không những đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm Tết Nguyên đán mà còn cả các lễ hội dân tộc trên toàn quốc", ông Nguyễn Thanh Phong, phó cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết. |
Văn Chương – Minh Lý
10 đoàn thanh tra kiểm tra ATVSTP Tết Nguyên đán
"Cục ATVSTP đã tham mưu trình ban chỉ đạo liên ngành Trung ương có kế hoạch đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn. Sẽ thành lập 10 đoàn thanh tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại 21 tỉnh thành phố trọng điểm. Các ban chỉ đạo liên ngành cấp huyện, xã phường đều thành lập ban thanh tra ATVSTP. Trong đó, chúng tôi quan tâm nhiều đến nguồn nguyên liệu thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ của số thực phẩm đó. Việc thanh, kiểm tra ở các tỉnh biên giới, chợ đầu mối được đặt lên hàng đầu. Không những đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm Tết Nguyên đán mà còn cả các lễ hội dân tộc trên toàn quốc", ông Nguyễn Thanh Phong, phó cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết.z