Bài toán đánh đổi lãi suất - tỉ giá của Ngân hàng Nhà nước

Phạm Hồng Nhung

Phạm Hồng Nhung

Thứ 6, 22/09/2023 06:04

Các doanh nghiệp SME đối mặt nghịch lý: Giảm lãi suất sẽ tác động tới tỉ giá, nhất là DN nhập khẩu, nhưng nếu không hạ lãi suất, chi phí tài chính sẽ rất cao.

Khó có thể tiếp cận lãi suất thấp

Tại hội nghị “Kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã có buổi đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) nhằm tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Lê Vĩnh Sơn - Chủ tịch Hội doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực TP.Hà Nội (HAMI) đã bày tỏ vấn đề thủ tục vay vốn dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn nhiều thủ tục rườm rà, khó tiếp cận, thời gian xem xét vay dài, thậm chí có những khoản vay thời gian chờ lên tới 6 tháng.

Bên cạnh đó là yêu cầu vay vốn, doanh nghiệp rất khó đáp ứng tiêu chí vay của ngân hàng khi nền kinh tế hiện tại còn khó khăn khiến kết quả kinh doanh giảm sút.

“Còn nếu có nguồn tài trợ dự án trung/dài hạn, doanh nghiệp trả nợ trước hạn sẽ phải chịu phạt lãi trả trước hạn từ 1%-5%, tùy thuộc thời gian sử dụng vốn vay còn lại. Nếu doanh nghiệp dùng chính nguồn thu từ dự án về để trả nợ trước hạn vẫn bị phạt lãi trả trước hạn", ông Sơn bổ sung.

Tài chính - Ngân hàng - Bài toán đánh đổi lãi suất - tỉ giá của Ngân hàng Nhà nước

Nếu NHNN không giảm lãi suất, chi phí tài chính của doanh nghiệp (bao gồm cả chi phí lãi vay) vẫn sẽ cao, ảnh hưởng tới doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp.

Cùng về lãi suất, ông Nguyễn Trọng Hoa - Giám đốc Công ty TNHH Vật tư và Kết cấu thép cũng cho biết rất khó có thể tiếp cận được lãi suất thấp. 

Bên cạnh những khúc mắc về vấn đề lãi suất, Bà Nguyễn Thị Huyền Thương - Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Nagakawa, một doanh nghiệp về thương mại máy móc thiết bị đang gặp vấn đề về tỉ giá. Bởi khi NHNN giảm lãi suất sẽ tác động tới tỉ giá, đặc biệt đối với những doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu.

Tuy nhiên, mâu thuẫn là, nếu NHNN không giảm lãi suất, chi phí tài chính của doanh nghiệp (bao gồm cả chi phí lãi vay) vẫn sẽ cao, ảnh hưởng tới doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Việt Hùng - Phụ trách mảng Tài chính - Kế toán CTCP Cơ khí Đông Anh cho biết mức lãi suất cho vay mà doanh nghiệp của ông hiện đang vay là khoảng 5,2 - 5,6%/ năm. 

“Tôi rất mong NHNN sẽ duy trì được mặt bằng lãi suất thấp này trong thời gian dài”, ông Hùng nhấn mạnh.

Đại diện doanh nghiệp cũng cho biết, ông nhận thấy mỗi khi lãi suất giảm thì tỉ giá lại tăng, ảnh hưởng trực tiếp tới phía doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhập khẩu. Ông đề nghị phía cơ quan chức năng có biện pháp phù hợp để ổn định tỉ giá.

Điều hành lãi suất - tỉ giá hài hoà

Giải đáp những vấn đề của doanh nghiệp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, điều hành tỉ giá và lãi suất là bài toán tổng thể, điều này rất khó và phải chấp nhận đánh đổi lẫn nhau. Thậm chí, muốn giảm nhiều lãi suất điều hành thì tỉ giá lại tăng lên.

Với NHNN, khi điều hành chính sách tỉ giá đứng trên cục diện của toàn quốc gia, có doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp nhập khẩu, được lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu nhưng sẽ vất vả cho doanh nghiệp nhập khẩu.

"Ngân hàng Nhà nước phải cân nhắc trên góc độ cục diện toàn nền kinh tế", Thống đốc nói.

Về đề xuất giảm lãi suất, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ, tổng số tiền giảm lãi suất và phí từ nguồn lực của các tổ chức tín dụng từ năm 2020 đến nay là 60.000 tỷ đồng. Đây hỗ trợ không nhỏ của ngân hàng đối với khách hàng.

Đánh giá tình hình sức khỏe của doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, Thống đốc yêu cầu các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí, trên cơ sở đánh giá tình hình tài chính của mình để giảm lãi suất các hợp đồng vay mới và cả các khoản vay cũ. Đồng thời, cũng phải đảm bảo tình hình tài chính của chính ngân hàng đó, hơn hết là sẵn sàng đảm bảo chi trả cho người gửi tiền.

Tài chính - Ngân hàng - Bài toán đánh đổi lãi suất - tỉ giá của Ngân hàng Nhà nước (Hình 2).

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.

Nhắc đến tỉ giá, bà Hồng cho hay, tỉ giá cũng là một phần trong chi phí tài chính của doanh nghiệp, trong khi lãi suất giảm thì tỉ giá sẽ tăng, đó là về mặt kinh tế học.

“Do đó, điều hành tỉ giá và lãi suất cần phải có sự hài hoà, ổn định là nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước”, bà Hồng nói.

Nhấn mạnh thêm, Thống đốc NHNN nhận định, điều hành tỉ giá phải trên góc độ tổng thể nền kinh tế, tỉ giá tăng thì được lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu, tuy nhiên các ngành sản xuất trong nước ta lại phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu, trong khi tỉ lệ nhập khẩu/GDP là gần 100%. Như vậy có thể thấy, tỉ giá tăng sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhập khẩu.

Kết luận, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định hiện NHNN theo dõi rất sát tỉ giá, hàng ngày, hàng giờ để có thể điều hành phù hợp.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.