Tu bổ di tích 123 tuổi
Đầu tháng 10/2023, đại diện Sở Văn hóa và Thể thao Tp.HCM cho biết, việc sửa chữa di tích Nhà hát Tp.HCM nhằm bảo tồn di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, thành điểm tiếp khách quốc tế đến thành phố, tổ chức lễ hội, nghệ thuật, sự kiện trọng đại.
Theo nghị quyết HĐND Tp.HCM vừa thông qua tại kỳ họp chuyên đề cuối tháng 9 vừa qua, Nhà hát sẽ được tu bổ, phục dựng khối nhà chính, bổ sung các hệ thống kỹ thuật trang thiết bị; tổ chức di dời, bảo quản, cách thức sử dụng các hiện vật, thiết bị trong khi thi công.
Nhà hát là di tích cấp quốc gia nên yêu cầu quan trọng khi cải tạo là đảm bảo tính nguyên trạng công trình. Do đó, ngành chức năng đã scan 3D toàn bộ công trình kiến trúc này. Điều này giúp tạo các file dữ liệu với hình ảnh 3D, kích thước đúng tỉ lệ hiện hành, cấu kiện, thành phần... trước khi sửa chữa.
Dự án tu sửa sẽ thực hiện trong hơn 3 năm. Từ quý 4 năm nay (2023), công trình được lập báo cáo nghiên cứu khả thi, năm 2024 trình duyệt dự án đầu tư, thiết kế bản vẽ thi công và tổng dự toán. Năm 2025, dự án sẽ thi công lắp đặt, đến 2026 lắp đặt thiết bị, công tác sưu tầm, trưng bày. Việc thi công thực hiện theo hình thức cuốn chiếu, đảm bảo các phòng chức năng hoạt động thường xuyên.
“Chi tiết kinh phí từng hạng mục dự án sẽ có khi Trung tâm bảo tồn di tích lập dự án cụ thể. Quá trình sửa chữa sẽ có thêm bước hạ giải, tức là phải đưa các chi tiết xuống rồi sửa chữa, phục dựng. Nhiều nguyên vật liệu phải nhập ở nước ngoài về mới đảm bảo yêu cầu”, ông Lâm Ngô Hoàng Anh, Chánh Văn phòng, Sở Văn hóa và Thể thao Tp.HCM nói.
Nhà hát Thành phố khi mới đi vào hoạt động chính thức năm 1900 có tên gọi Nhà hát lớn Sài Gòn (L'Opera de Saigon), được thiết kế bởi kiến trúc sư Félix Olivier. Công trình lấy cảm hứng từ Nhà hát Opera Garnier ở Paris, thiết kế theo lối kiến trúc Flamboyant Gothic của thời Đệ tam cộng hòa Pháp thuộc thế kỷ 19.
Năm 1944, Nhà hát bị trúng bom hư hại nặng, ngừng hoạt động. Hơn 10 năm sau mới được tu bổ nhưng đến sau năm 1975, nơi đây mới tiếp tục tổ chức biểu diễn nghệ thuật.
Từ đó đến nay, công trình đã qua một đợt trùng tu lớn vào năm 1998, dịp thành phố kỷ niệm Sài Gòn 300 năm, Tp.HCM đã chi 25 tỷ đồng tu bổ các điêu khắc nổi trên tường và các tượng theo đúng mẫu ban đầu, phục chế một số trang trí với các vật liệu mới. Nhà hát cũng được trang bị một hệ thống điện hiện đại, âm thanh ánh sáng, sân khấu,…
Tạo hành lang phát triển văn hóa
Nghị quyết 98/2023/QH15 có hiệu lực ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp.HCM. Trong đó Nghị quyết cho phép thành phố được áp dụng đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đối với các dự án thuộc lĩnh vực văn hoá, thể thao. Nhiều chuyên gia đánh giá đây sẽ là bước tiến quan trọng trong công tác văn hóa, đặc biệt là đối với các di tích trên địa bàn Tp.HCM.
Theo Th.s Nguyễn Thị Lê Uyên - Viện nghiên cứu phát triển Tp.HCM, Nghị quyết 98 là sự thuận lợi đối với các công trình văn hóa, thể thao nói chung và liên quan đến việc trùng tu các di tích nói riêng.
"Theo quy định pháp luật thì các công trình tôn tạo, trùng tu di tích văn hóa không được xếp vào trong danh mục thu hút đối tác công tư PPP. Vì thế nên hầu như các dự án để trùng tu, sửa chữa các di tích đang tạm dừng, cho đến khi Nghị quyết 98 được ban hành đã đưa hạng mục này được cấp nguồn vốn lớn nhằm thu hút nguồn lực lớn từ tất cả các đơn vị trên địa bàn thành phố. Từ đây, chúng ta có thể huy động tài chính, nguồn lực con người và cùng đồng lòng với nhau để có thể đầu tư cho các công trình này”, bà Uyên chia sẻ.
Cơ chế, chính sách cho việc trùng tu các di tích hiện đã có nhưng theo các chuyên gia, vấn đề đặt ra tiếp theo là phải làm sao để các cơ chế, chính sách được triển khai hiệu quả trên thực tế. Bởi các chuyên gia cho rằng Nghị quyết 98 mới giúp mở lớp khoá đầu tiên về cơ chế huy động nguồn lực, còn lại Tp.HCM cần tập trung hành động để hiện thực hoá các quy định này.
Đối bới các lĩnh vực kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư, yêu cầu đặt ra là làm sao để các dự án có thể thu hồi vốn nhanh, có như vậy mới hấp dẫn được các nhà đầu tư. Muốn vậy, các dự án phải tạo ra được nguồn thu. Tuy nhiên, đa số các di tích tại Tp.HCM hiện nay vẫn chưa được khai thác hết giá trị, chưa được đẩy mạnh quảng bá du lịch cũng như phát triển kinh tế như kỳ vọng.
TSKH. KTS. Ngô Viết Nam Sơn cho rằng để phát huy các giá trị văn hoá – lịch sử gắn với phát triển du lịch, cần phải xác định lại chiến lược du lịch một cách bài bản, tạo được khu/điểm du lịch đủ sức kích hoạt và liên kết các địa điểm du lịch của Tp.HCM, đặc biệt là các di tích.
Chuyên gia này chỉ ra: “Nước ta có nhiều công trình di sản, di tích nhưng công tác bảo tồn đang bị thụ động. Hàng năm cứ việc lập danh sách và rót ngân sách cho những di tích, nếu ngân sách có nhiều thì đầu tư nhiều và ngược lại. Vấn đề hiện tại đặt ra là các di tích cần phải tìm những cơ hội để tạo ra nguồn thu bổ sung ngân sách công”.