Linh hoạt tháo gỡ việc “khan hiếm” lao động
Phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An từng là một địa phương phát triển nghề khai thác hải sản nhưng nay toàn phường chỉ còn vài chục hộ dân duy trì nghề đánh bắt hải sản. Thay vì giong thuyền ra khơi, người dân Nghi Hải đã chuyển đổi nghề cá sang làm du lịch, dịch vụ, xuất khẩu lao động.
Anh Lê Văn Kỷ, trú khối Hải Giang 1, phường Nghi Hải cho biết, tàu không đủ nhân lực nên 1 người làm việc của 2, 3 người. Nguyên nhân do lớp trẻ không ai đi biển nữa. Nhiều lần bí quá anh phải tuyển những người trung niên, hoặc người không có kinh nghiệm đi biển.
“Tôi có 2 con tàu, mỗi lần ra khơi phải có khoảng 10-12 lao động. Nhưng gần đây, để tìm được đủ người quả thật rất khó. Thậm chí có thời điểm chỉ tìm được 7-8 người, vì vậy dù không đủ nhân lực nhưng tôi cũng đành phải ra khơi”, anh Kỷ nói.
Gần 1 năm nay, để giải quyết khó khăn về việc thiếu lao động, anh Kỷ đã tập trung cơ giới hóa sản xuất, lắp thêm một số thiết bị như hệ thống tời dây bo rút vào khoang, lắp thêm tời lườn để tời phao, chuyển lưới tùng về que cuối để giảm sức lao động.
“Với việc lắp thêm những thiết bị và chuyển lưới tùng về que cuối giúp chúng tôi giảm được 3 lao động. Đây là cách giúp tôi có thể ra khơi khi không đủ nhân lực, cũng hiệu quả hơn trong khi đánh cá. Tất nhiên là phí mua sắm thì sẽ đội lên nhưng về lâu về dài thì lại vô cùng hiệu quả khi ít người đi biển nữa”, anh Kỷ nói.
Trong bối cảnh chi phí cho mỗi chuyến đi tăng lên đáng kể, giá cả thị trường không ngừng biến động và sản lượng đánh bắt không còn đạt như trước, có một cách làm khác được chủ tàu ở đây thực hiện để đảm bảo đủ lao động là tham gia tổ liên kết tàu thuyền.
Anh Nguyễn Văn Chương, tổ trưởng tổ liên kết tàu thuyền phường Nghi Hải cho biết: “Tổ liên kết có 17 đội thuyền tham gia. Ngoài hỗ trợ giúp nhau khi “sóng to gió lớn” trên biển thì các thành viên trong tổ có trách nhiệm thông tin cho nhau về ngư trường khai thác để cùng đánh bắt, khai thác đạt hiệu quả cao hơn”.
Đặc biệt, khi những chiếc tàu trong tổ đánh bắt được lượng hải sản nhất định thì sẽ dồn sang một tàu. Tàu này chở cá về bờ tiêu thụ và chở lương thực, thực phẩm bổ sung cho những tàu còn lại tiếp tục đánh bắt. Phương cách này tiết kiệm được số lượng dầu đáng kể, vừa kéo dài thời gian đánh bắt trên biển, tăng sản lượng khai thác.
Chính quyền phường Nghi Hải cũng đã thường xuyên phối hợp với Chi cục Thủy sản cung cấp các ngư trường khai thác; quan tâm hỗ trợ các nguồn vốn vay để bà con nâng cấp tàu thuyền, chuyển đổi ngư cụ để nâng hiệu quả khai thác; tiếp tục thành lập các tổ hội hợp tác khai thác trên biển; đẩy mạnh các hoạt động hậu cần nghề cá để nâng giá trị sản phẩm đánh bắt.
Hiện, toàn phường Nghi Hải, Tx.Cửa Lò hiện có 72 tàu thuyền đánh bắt, khai thác hải sản. Trong đó, có 2 thuyền đánh bắt xa bờ, 52 thuyền đánh bắt vùng lộng, 18 thuyền đánh bắt gần bờ với 300 lao động làm nghề biển.
Bên cạnh đó, vận động các chủ phương tiện đăng ký khai thác xa bờ theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ. Đối với tàu có công suất máy 700 CV trở lên sẽ được hỗ trợ 100 triệu tiền dầu; tàu có công suất 400 CV đến dưới 700 CV được hỗ trợ 75 triệu đồng.
Gỡ khó cho ngư dân
Ông Nguyễn Chí Lương, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản Nghệ An chia sẻ, thời gian gần đây, do khai thác kém hiệu quả nên nghề cá không giữ được các lao động lành nghề, hiệu quả đánh bắt trên từng tàu giảm rõ rệt, số tàu đánh bắt hiệu quả hàng năm giảm dần.
“Vì thiếu lao động và nhiều nguyên nhân khác mà số tàu cá nằm bờ không đi đánh bắt ngày càng tăng. Đặc biệt là thời điểm xuất hiện dịch Covid-19, mặc dù sản lượng đánh bắt hải sản của tỉnh hàng năm vẫn giữ được đà tăng trưởng, nhưng thực chất hiệu quả đánh bắt đang giảm so với trước đây nếu tính trên định mức ngư dân đầu tư cho từng tàu cá”, ông Lương nói.
Để hỗ trợ ngư dân vượt khó, đồng thời chấp hành tốt các quy định của Luật Thủy sản, từ năm 2020, Chi cục Thủy sản với tư cách là cơ quan tham mưu cho sở NN&PTNT và UBND tỉnh Nghệ An đã trăn trở nhiều giải pháp đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho bà con ngư dân.
Cụ thể, khi ngư dân gặp khó trong thủ tục kiểm định và cấp đổi giấy tờ đánh bắt, chuyển từ đơn vị tính bằng sức ngựa (CV) sang tính theo chiều dài tàu, Chi cục tham mưu thành lập tổ liên ngành trực tại các cửa lạch, phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh giúp dân giải quyết các thủ tục giấy tờ, như nhật ký đánh bắt, làm sổ danh bạ đăng ký thuyền viên; đưa các tổ công tác xuống tận địa bàn các xã để kiểm định cơ giới cho các tàu thuyền, giảm thời gian đi lại cho bà con ngư dân…
“Khi có chính sách hỗ trợ xăng dầu đánh bắt tại các vùng biển xa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo, Chi cục Thủy sản tạo điều kiện tối đa để làm thủ tục cho các ngư dân vươn khơi. Nhờ vậy, số lượt tàu của tỉnh tham gia vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo tăng từ 99 lượt tàu lên 400 lượt tàu/năm”, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản Nghệ An nói.
Đặc biệt, từ ngày 1/5/2020 lại đây, khi bắt buộc tàu có chiều dài 15m trở lên phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (gọi tắt là thiết bị VMS), Chi cục cùng Bộ đội Biên phòng tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh và HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết 02 về hỗ trợ 1 lần 50% thiết bị VMS trên tàu và hỗ trợ 50% cước phí duy trì thuê bao VMS hàng tháng.
“Tổng cộng đã có 1.184 tàu cá có chiều dài trên 15m được lắp đặt VMS, đạt tỷ lệ 95,61%; đồng thời tiếp tục hướng dẫn thủ tục hỗ trợ kinh phí duy trì VMS hàng tháng cho ngư dân. Giờ đây, bà con ngư dân đã tự tin hơn trong những ngày dài vươn khơi, bám biển. Cùng với sự hiểu biết về pháp luật, sự hỗ trợ từ các lực lượng chức năng, những thiết bị VMS đã trở thành điểm tựa để bà con ngư dân đẩy mạnh vươn khơi khai thác thủy sản trên các vùng biển xa, vừa sản xuất phát triển kinh tế, vừa bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”, ông Lương nói.