"Điềm dữ" từ một vụ nổ
Theo Eurasia Daily Monitor, nước Nga bước vào năm 2019 với ít kỳ vọng, khác hẳn với năm trước đó. Nếu như năm 2018, World Cup đã thổi tinh thần đầy quyết thắng vào nước Nga hay cuộc bầu cử Tổng thống cũng đã làm tăng hy vọng về việc nâng cao lợi ích xã hội cũng như trợ cấp cho người dân thì năm 2019 không có được những sự kiện mang tính thúc đẩy như vậy.
Bức tranh không mấy tươi sáng trong năm nay đã được mở đầu bằng điềm dữ ngay từ đầu năm, đó là vụ nổ khí gas ở Magnitogorsk trong sự kiện mừng năm mới khiến 39 người thiệt mạng. Cuộc xung đột giữa Nga với Ukraine thêm căng thẳng và cũng gây không ít ảnh hưởng đến Moscow.
Dẫu vậy, vấn đề quan tâm và lo ngại của dư luận nước Nga hiện giờ chỉ tập trung vào các vấn đề trong nước. 57% người được hỏi dự đoán sẽ xảy ra một cuộc khủng hoảng kinh tế ở Moscow, trong khi chỉ có 32% người cho rằng khủng hoảng không xảy ra.
Trong khi Tổng thống Nga Putin vẫn cho rằng Moscow sẽ giành “sự đột phá” về kinh tế, nhưng dường như hiệu lệnh của nhà lãnh đạo Nga không thể thay đổi được tình trạng đình trệ trong thực tế.
Lạm phát ở Nga đang tăng dần, thuế tăng, thu nhập của các gia đình đang giảm. Những điều này cho thấy khả năng lạc quan về sự phát triển dường như là phi thực tế.
Các lệnh trừng phạt của phương Tây đã tác động mạnh và khiến nền kinh tế Nga bị đình trệ phát triển. Và không ai khác Mỹ chính là người đứng sau các quyết định trừng phạt này. Và sự thất bại trong đàm phán cấp cao với Mỹ cũng là một trong những sự thất bại cay đắng nhất của Nga năm 2018, đặc biệt là sau hội nghị thượng đỉnh Helsinki hồi tháng 7.
Quyết định của Mỹ trong việc rút khỏi hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) có thể khiến nhà lãnh đạo Nga bất ngờ. Ông Putin phản ứng với động thái này rất mạnh với tuyên bố rằng sẽ thử tên lửa Avangard và đây được xem là “đòn” mạnh nhất của Nga. Dư luận thêm một lần lo ngại về khả năng các lệnh trừng phạt mới sẽ được tung ra.
Tổng thống Putin cũng không lường được rằng Mỹ quyết định rút quân khỏi Syria, điều mà Moscow từ lâu đã kêu gọi nhưng thực sự lại không mong xảy ra.
Một hậu quả tức thì mà Moscow có thể phải gánh lấy từ việc Washington rút quân khỏi Syria đó là khả năng diễn ra một cuộc đối đầu căng thẳng Nga-Thổ Nhĩ Kỳ. Moscow cũng phải san sẻ trong việc hỗ trợ chính quyền ông Assad với Iran nhưng sự đầu tư này lại quá rủi ro. Trò chơi địa chính trị với Mỹ ở Syria khiến Nga phải đối mặt với nhiều tranh cãi trong khu vực, những cam kết vô ích và những rủi ro cao độ.
Nguy cơ tiềm ẩn
Ở sườn phía Đông rộng lớn của Nga, đối tác Trung Quốc luôn là nhân tố lớn với Điện Kremlin nhưng dường như mọi việc cũng diễn ra không mấy tốt đẹp. Sự đình trệ trong nền kinh tế Nga đang khiến Bắc Kinh thận trọng. Trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, Nga cũng không thể hiện được vai trò đáng kể gì của mình và tất nhiên cũng chịu những tác động không mong muốn.
Quan hệ Nga-Nhật Bản cũng lại “nóng” vì vấn đề quần đảo đang tranh chấp ở ngoài khơi Hokkaido mà Tokyo gọi là vùng lãnh thổ phương Bắc, còn Moscow gọi là Nam Kuril. Ngày 9/1, Bộ Ngoại giao Nga đã triệu Đại sứ Nhật Bản tại Nga Toyohisa Kozuki để lưu ý về những phát biểu chính thức gần đây của giới chức Tokyo liên quan tới Hiệp ước hòa bình với Moscow vì cho rằng, những bình luận của phía Nhật Bản đã làm sai lệch bản chất của các thỏa thuận đã được ký kết giữa Tổng thống Putin và Thủ tướng Shinzo Abe.
Những năm tiếp theo của nhiệm kỳ Tổng thống, ông Putin chắc chắn sẽ còn đối mặt với không ít những khó khăn, thách thức. Bài toán đưa nước Nga thoát khỏi những thách thức của các năm tiếp theo cực kỳ nan giải mà hơn ai hết nhà lãnh đạo Putin sẽ phải đương đầu.
Xem thêm >> Giữa thách thức bủa vây, Nga có thể một tay làm nên chuyện ở Syria?