Tăng trưởng nhờ Bách Hoá Xanh, nguồn thu lớn từ hoạt động tài chính
Các con số về doanh thu, lợi nhuận quý 2/2021 của CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) đã được công bố trước đó cho thấy một bức tranh tích cực đối với doanh nghiệp này bất chấp giai đoạn giãn cách xã hội.
Có thể nói, “con át chủ bài” của MWG giai đoạn này chính là Bách Hóa Xanh khi chuỗi siêu thị thực phẩm này liên tục gia tăng về số lượng cửa hàng, đồng thời nằm trong danh mục ngành hàng thiết yếu được phép kinh doanh trong giai đoạn triển khai giãn cách xã hội với nhu cầu tích trữ lương thực của người dân càng khiến cường độ hoạt động của chuỗi siêu thị này gia tăng mạnh hơn.
Trong giai đoạn 6 tháng đầu năm với 2 làn sóng dịch Covid-19, ở chuỗi Thế giới di động/Điện máy Xanh của MWG, ngoài ngành hàng điện thoại tăng trưởng 16% thì laptop, điện lạnh và gia dụng chỉ tăng trưởng một chữ số so với cùng kỳ năm ngoái. Điện tử (tivi) vẫn tiếp tục tăng trưởng âm. Khi nhiều tỉnh thành áp dụng chỉ thị 16, gần 2.000 cửa hàng Thế giới di động/Điện máy Xanh phải tạm đóng cửa hoặc hạn chế bán hàng thì riêng trong tháng 6, chuỗi Bách Hóa Xanh vẫn mở thêm được 37 cửa hàng mới.
Bách Hóa Xanh ghi nhận doanh thu 13.360 tỷ đồng trong 6 tháng, tăng 42%, trong đó kênh online ghi nhận lượng đơn hàng gấp 5 lần với doanh thu gấp 4,4 lần cùng kỳ năm trước. Tính trong tháng 6, doanh thu trung bình trên mỗi cửa hàng đạt hơn 1,4 tỷ đồng.
Tính tổng doanh thu thuần 6 tháng của MWG đạt 62.486 tỷ đồng, tăng trưởng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp cũng tăng từ 21,4% lên 22,7% cho thấy MWG đã kiếm được nhiều lãi hơn trên mỗi đồng doanh thu so với năm ngoái.
Dù vẫn kiếm tiền thuận lợi trong giai đoạn nhiều doanh nghiệp “không thiết yếu” đang khốn đốn, MWG vẫn có nhiều cách để gia tăng lợi nhuận.
Báo cáo tài chính cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, doanh thu từ hoạt động tài chính của MWG mang về hơn 593 tỷ đồng, riêng quý 2 góp hơn 304 tỷ đồng, nhiều hơn cả 6 tháng đầu năm ngoái (294 tỷ đồng).
So với hồi đầu năm, tiền gửi lấy lãi của MWG thông qua khoản mục Tiền và các khoản tương đương tiền và Đầu tư tài chính ngắn hạn đã tăng thêm hơn 2.700 tỷ đồng.
Cuối quý 2, MWG đang gửi hơn 17.543 tỷ đồng lấy lãi bao gồm 3.065 tỷ gửi ngân hàng (tăng gấp đôi đầu năm), 954,2 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn không quá 3 tháng; 13.524 tỷ đồng tiền gửi và trái phiếu kỳ hạn từ 3 tháng đến 1 năm với lãi suất dao động từ 6% đến 8,65%/năm.
Hiện ở các ngân hàng thương mại, lãi suất trên 8% rất hiếm gặp, mức lãi cao này chỉ thấy ở ngân hàng OCB với khoản tiền gửi trên 13 tháng. Do đó, mức lãi đến 8,65%/năm này của MWG nhiều khả năng đến từ vai trò trái chủ.
Trong bối cảnh lãi suất tiền gửi ở ngân hàng ở mặt bằng thấp và còn có khả năng giảm tiếp với sự đồng thuận từ các nhà băng để san sẻ gánh nặng kinh tế với doanh nghiệp, người dân do dịch bệnh, MWG đã có thêm hướng đi khác: cho công ty chứng khoán vay tiền.
Ở hạng mục phải thu về cho vay ngắn hạn, MWG ghi nhận một khoản 500 tỷ đồng cho CTCP Chứng khoán Tp.HCM (HSC) vay. Cuối năm 2020, khoản cho vay này chưa xuất hiện và dần tăng theo quý (cuối quý 1/2021 ghi nhận cho vay 200 tỷ đồng). Đây là khoản cho vay kỳ hạn từ 3 tháng đến 1 năm, lãi suất hưởng từ 6,4% đến 7%/năm.
Thông thường, doanh nghiệp sử dụng tiền cho vay đối với các đối tượng là các bên có liên quan, tuy nhiên MWG lại mang 500 tỷ cho HSC vay lại trong khi doanh nghiệp này vốn dĩ đang tiếp tục vay vốn thêm từ ngân hàng.
Thuyết minh cho biết, trong 6 tháng đầu năm công ty đã vay ngắn hạn nhanh 31.978 tỷ và thanh toán 27.637 tỷ đồng khiến khoản vay ngắn hạn của MWG cuối quý 2/2021 là 19.966 tỷ đồng, tăng thêm 4.300 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Những con số trên cho thấy khả năng MWG đã tìm kiếm thêm các cơ hội để có thêm nguồn thu từ hoạt động tài chính trong ngắn hạn.
Bài toán về quản trị doanh nghiệp
Xét về triển vọng lâu dài, ngành hàng điện máy đã trở nên bão hòa, các con số tăng trưởng không thể bứt phá mạnh trong một giai đoạn dài đã chứng minh điều đó. Dù MWG đã tìm cách lấn sang thị trường nước ngoài như Campuchia hay xúc tiến sang Indonesia nhưng tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát cũng gây trở ngại không nhỏ.
Thay vào đó, MWG đã tập trung mạnh hơn vào hoạt động tài chính và phát triển Bách hóa Xanh.
Ngành tiêu dùng thiết yếu được đánh giá khả quan trong thời gian tới vì ảnh hưởng của dịch bệnh vẫn còn khá nặng nề, do vậy đà tăng trưởng của chuỗi siêu thị thực phẩm nhà MWG vẫn còn dư địa lớn. Tuy nhiên, đây cũng chính là bài toán khó cho lãnh đạo MWG.
Dù doanh thu được cải thiện với các đơn hàng online, nhưng thực tế các siêu thị BHX vẫn đang ghi nhận lỗ. Cùng với đó, năng lực quản trị của doanh nghiệp cũng phải tỷ lệ thuận với tốc độ gia tăng số lượng siêu thị. Tính đến cuối tháng 6, chuỗi BHX có tổng cộng 1.888 điểm bán tại 25 tỉnh thành.
Trong tháng 7 vừa qua, chuỗi Bách Hoá Xanh đang lộ nhiều sai sót khi người tiêu dùng liên tục tố doanh nghiệp tăng giá bán kiếm lợi trong mùa dịch, sai sót trong cân đo hàng hóa, thậm chí một thời gian đã dấy lên làn sóng kêu gọi “tẩy chay” chuỗi siêu thị này tại Tp.HCM. Dù lãnh đạo doanh nghiệp là ông Trần Kinh Doanh, Tổng giám đốc Hệ thống BHX thừa nhận có sai sót do khối lượng công việc lớn và cam kết khắc phục thì niềm tin và ấn tượng của người tiêu dùng đối với chuỗi siêu thị này phần nào cũng đã bị ảnh hưởng.
Cùng với đó, liên tục nhiều vụ việc các siêu thị BHX ở các tỉnh thành bị xử phạt vi phạm hành chính đã cho thấy năng lực quản trị của BHX vẫn chưa theo kịp quy mô, điều ít thấy trước đó đối với chuỗi Thế giới Di động.
Khả Doanh