Theo Reuters, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ hối thúc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tăng cường áp lực lên Triều Tiên khi ông thăm Bắc Kinh vào tháng tới. Thông tin trên do một quan chức cấp cao Nhà Trắng chia sẻ.
Việc cô lập Triều Tiên đối với thế giới sau khi nước này triển khai các vụ thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân được cho là mục tiêu chủ đích trong chuyến thăm nước ngoài dài ngày của Tổng thống Trump.
Ông Trump có thể sẽ khích lệ ông Tập thực hiện đầy đủ các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đối với Bình Nhưỡng và tiếp tục tăng cường sức ép vào Triều Tiên.
Trung Quốc, đồng minh chính duy nhất của Triều Tiên, chiếm đến 90% thương mại ở Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, Bắc Kinh thường xuyên khẳng định sẽ tăng cường các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về vấn đề nhập khẩu than, dệt may và hải sản, cũng như cắt nguồn cung ứng dầu vào Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, một quan chức Nhà Trắng chia sẻ, Trung Quốc cần phải làm nhiều hơn nữa trong việc tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
“Chúng tôi sẽ quan sát xem Trung Quốc có tuân thủ các cam kết này hay không. Chúng tôi mong muốn Bắc Kinh sẽ có thể tiếp tục tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và thực hiện nghiêm túc”, quan chức trên chia sẻ.
Trung Quốc dù tỏ ra không hài lòng với các vụ thử tên lửa, hạt nhân của Triều Tiên và nhiều lần đề nghị Bình Nhưỡng chấm dứt chương trình vũ khí này.
Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng cho rằng, Mỹ và Hàn Quốc cũng chịu trách nhiệm trong việc làm tăng căng thẳng trong khu vực vì những cuộc tập trận mà hai nước triển khai trong khu vực.
Những thách thức
Đặc phái viên Trung Quốc về vấn đề hạt nhân Triều Tiên Kong Xuanyou đã gặp người đồng cấp của Mỹ Joseph Yun tại Bắc Kinh. Hai bên đã có các trao đổi về vấn đề bán đảo Triều Tiên.
Các nhà quan sát phân tích, Tổng thống Trump đã từng có tuyên bố hủy diệt Triều Tiên và yêu cầu Trung Quốc hỗ trợ giải quyết các vấn đề Triều Tiên. Chiến lược này đã thất bại trong việc ngăn Bình Nhưỡng triển khai thử bom hạt nhân và tên lửa đạn đạo bay qua không phận Nhật Bản.
Mối đe dọa của Triều Tiên liên tục gia tăng mức độ nghiêm trọng khiến Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc phải họp bàn về vấn đề này, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera chia sẻ với các đối tác Mỹ và Hàn Quốc trong cuộc hội đàm mới đây.
Ông Onodera bày tỏ sự lo lắng sâu sắc của Nhật Bản về các vụ thử vũ khí Triều Tiên khi Bình Nhưỡng đang nỗ lực phát triển tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân có thể phóng tới Mỹ.
Một quan chức Nhà Trắng giấu tên cho hay, Tổng thống Trump mong muốn tiến tới nghị quyết hòa bình trong chính sách ngoại giao đối với Triều Tiên.
Không có giải pháp nhanh chóng
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long ngày 23/10 gợi ý, một mặt Mỹ có thể tiếp tục gây sức ép đối với Triều Tiên về chương trình hạt nhân, mặt khác các nhà lãnh đạo Mỹ cũng nên đàm phán với Bình Nhưỡng nhằm giải quyết xung đột.
“Không có bất kỳ hướng giải quyết dễ dàng và nhanh chóng nào. Sức ép là cần thiết nhưng vẫn cần đàm phán. Mỹ sẽ cần phải làm việc với các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Nga để giải quyết vấn đề này”, ông Lý Hiển Long cho biết.
Từ ngày 3-14/11, Tổng thống Trump sẽ có chuyến thăm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines.
Tổng thống Trump dự kiến cũng thể hiện quan điểm cứng rắn về thương mại trong các cuộc trao đổi với ông Tập, trong bối cảnh lãnh đạo Mỹ đang tìm cách giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc.
“Chúng tôi có rào cản lớn đó là việc các công ty Mỹ gặp khó khăn trong việc tiếp cận với thị trường Trung Quốc. Tổng thống Mỹ luôn muốn khắc phục tình hình này”, quan chức này cho biết.
Dù cho ông Trump chỉ trích hoạt động thương mại của Trung Quốc trong suốt chiến dịch bầu cử Tổng thống, tuy nhiên, Washington đang nỗ lực cùng Bắc Kinh giải quyết vấn đề Triều Tiên.
Trung Quốc nhấn mạnh rằng nước này đang làm tất cả những gì có thể về vấn đề Triều Tiên. Một số nhà ngoại giao Trung Quốc cho rằng, chính quyền Tổng thống Trump đã đánh giá quá cao ảnh hưởng của Bắc Kinh với Triều Tiên.
Xem thêm >> Trung Quốc: Chính thức đưa tư tưởng Tập Cận Bình vào điều lệ Đảng