Đề văn đó, con đã từng học, từng làm. Nhưng, con không làm được như thế, con chỉ chú tâm phải gạch ra những ý như thế nào cho đủ, triển khai nó ra sao cho giống một bài văn nghị luận. Đọc bài văn của Hiếu, con bất ngờ. Đó là một lá thư, một lá thư gửi cho mẹ của em (dù em không muốn cho mẹ mình đọc). Có những triết lý về đồng tiền mà đến giờ_sinh viên năm thứ 3, con cũng chưa chiêm nghiệm ra. Ít hơn con 5 tuổi, 5 tuổi mà em đánh thức con. Giật mình con nghĩ đến những đồng tiền vẫn tiêu hàng ngày. Đi học, nấu ăn và đi học. Công việc của con chỉ có thế.
Ở quê, bố mẹ và các em lúc nào cũng làm không hết việc. 4h bố đã dậy, đóng xe ngựa và đi kéo đất. Trời mùa đông lạnh buốt, có những ngày đến 18 độ. Bố vẫn đều đặn thức dậy và đi làm. Trời tối, mò mẫm đi trong đêm. Bố vẫn cặm cụi làm và làm.
Trời lạnh, cái lạnh tê buốt của mùa đông, trên thửa ruộng đã cày rồi, một mình bố bốc từng mê đất to ném lên xe. Đất nỏ, cứng như đá, chỉ chạm nhẹ vào đã thấy đau tay. Vậy mà chân đất, tay không bố vẫn bốc đầy những xe đất. Trong khi đó, con vẫn ngủ, vẫn kéo chiếc chăn ấm không muốn dậy. Có hôm con đi học muộn vì ngủ tái. Về quê, có ngày con đã cằn nhằn vì 6h bố đã gọi con dậy. Con đâu biết, bố đã kéo được 4 xe đất về đổ cho người ta. Là con gái không tốt, là con gái vô tâm sống trên mồ hôi, nước mắt của bố!
“Mỗi xe đất có 40 nghìn, bố làm làm gì? Bố để đến sáng ăn cơm xong thì đi… Chân bố chảy máu kìa,sao bố không đi giày và găng tay vào?”, con trách bố. Bố chỉ cười “Không tranh thủ thì một ngày được mấy xe, hanh khô thế này mới có việc để làm. Bố chân đất mắt toét quen rồi. Cha bố cô, lại còn dạy đời bố nữa”. Mấy ngày sau dọn nhà con mới biết, đôi giày con mua cho bố đã rách từ lâu. Bố bỏ vào góc nhà mà không nói với con hay mẹ một câu. Nếu giày con rách một chút, áo con không đẹp bằng các bạn, con đã kêu ca với bố, đã đòi bố cho tiền mua. Con hỏi mẹ găng tay để bố bốc đất đâu, mẹ bảo : “Bố đi không quen”. Nhà mình nghèo, lại đông có đến 5 đứa con “ăn bám” bố mẹ. bố mẹ chỉ biết làm và nuôi chị em con, không đòi hỏi, không kêu ca một câu.
Giật mình khi đọc bài văn của Hiếu, con khóc. Khóc vì đọc nó con nghĩ ngay đến bố mẹ (Ảnh minh họa)
Mỗi lần về quê, thấy bố mẹ ngày càng gầy, xanh xao. Con xót xa. Nhưng con chẳng làm được gì, chẳng làm được gì cả. 2 ngày cuối tuần về quê, con chỉ giúp thêm bố mẹ được việc vặt, bớt đi việc để bố mẹ đỡ lo, để mấy đứa em con có thời gian học bài hơn. Tất bật cả ngày, gian hàng nhỏ của nhà mình mỗi ngà cũng chỉ bán được ít, dù con không rõ nó là bao nhiêu. Toàn là người làng cả, họ hay mua chịu. Lãi chẳng được bao nhiêu mà họ vẫn chịu. Ở quê mà, con hiểu là như thế, nhưng con không thích. Giữa thời buổi này, nhà mình bán lại thêm bao nhiêu quán khác mọc lên. Bố mẹ vẫn phải cho chịu để giữ khách. Mẹ chiều khách, nhẹ nhàng, ai hỏi xin mấy nhánh hành, nhánh gừng mẹ vẫn cho. Dù nơi khác, 500 đ, 1 nghìn họ mới bán cho từng ấy. buôn bán nhỏ, mẹ có lãi được từng đó đâu? Cả nhà mình 7 người chỉ trông vào cái quán nhỏ. Nó là thu nhập chủ yếu của gia đình mình. Đôi khi, tranh thủ bố con vẫn đi kéo xe để kiếm thêm.
Bao nhiêu thứ tiền: mỗi tháng con về bố mẹ cho 1 triệu, lại chưa tính sẽ có thêm những khoản khác, tiền học thêm của các em, tiền lãi, tiền điện… Bao nhiêu thứ tiền đổ vào đôi vai nhỏ của bố và mẹ, nhưng chẳng khi nào bố mẹ cho con biết: nhà mình hết tiền. Vô tình một buổi sáng, con thấy bố mẹ loay hoay vì không có đủ 300 nghìn để đi chợ lấy hàng. Còn con, vẫn vô tư, xông xênh tiêu và tiêu tiền. Những đồng tiền từ mồ hôi và nước mắt của bố mẹ.
Con gái bất tài vô dụng, 21 tuổi vẫn chưa tự nuôi sống chính mình giữa Hà thành nhộn nhịp. Vẫn tháng tháng về lấy tiền của bố mẹ, vẫn chỉ biết đứng nhìn bố mẹ xoay sở từng đồng một. Biết con đi gia sư, bố mẹ không đồng ý. Bố mẹ lo con không tập trung học, kết quả lại kém đi. Con đã thuyết phục bố mẹ: “Nếu thấy vất vả thì con nghỉ đi, đừng cố quá. Thân con gái đi khuya về là không tốt đâu, nhỡ ra…”, mẹ bỏ ngỏ lời nói. Con hiểu mẹ lo gì, vì đã có quá nhiều thứ lời đồn về Hà Nội khiến mẹ phải lo.
Kiếm tiền quả thật không dễ. Những ngày đi gia sư, 10h đêm con mới về đến nhà. Biết con đi dạy xa, lại hay về muộn, bố mẹ đã bắt con nghỉ. Con gái bướng bỉnh không nghe, con nói con vẫn đi được. “Bình thường con có phải học mấy đâu bố, vè khuya chút nhưng đường Hà Nội sáng lắm bố ạ, lại có xe bus về gần phòng con, bố đừng lo”, con kiếm đủ cớ để vẫn được đi dạy. Kỳ thực, từ bến xe bus về phòng trọ của con là 2 km. Nhiều hôm mất công lên đến nhà, mẹ của học sinh lại bảo nghỉ. Con lại về. Họ mất tiền thuê mình mà, nhưng không báo trước, quá đáng thật. Con không tiếc buổi đó. Con chỉ tiếc công chen xe bus, đợi xe bus những 2h mới lên đến nhà của học sinh. Xe 13 nhỏ, đường đó lại có một mình nó chạy. Bao nhiêu lần nó bỏ bến là bấy nhiêu lần con cuốc bộ 4km vào. Nghĩ đến bố mẹ, con vẫn tiếp tục đi. Dù có hôm vừa đói, vừa mệt chạy từ trường lên thẳng nhà học sinh.
Đã lâu lắm, 2 năm rồi con mới lại nghĩ đến đồng tiền. Giật mình khi đọc bài văn của Hiếu, con khóc. Khóc vì đọc nó con nghĩ ngay đến bố mẹ. Khóc vì mấy tháng nay con chưa làm gì ra tiền. Con đã mất đi cái thú đi viết bài kiếm tiền? Con rụt rè hơn, con ngại tiếp xúc với mọi người hơn, con đã thu con vào cái thế giới 4 góc tường của phòng trọ. Điều mà một sinh viên báo chí như con không được phép làm.
Chiều nay, con gọi điện về nhà. “Bố mẹ vừa đi Đồng Kỵ về, đang chuẩn bị bán hàng”, nghe giọng mẹ qua điện thoại, con lặng người đi. Hơn 40 tuổi, cái tuổi mà nhiều người đã không phải lo cho con cái nữa, họ đã được làm những việc nhẹ hơn vì con họ đã kiếm ra tiền thì bố mẹ vẫn nai lưng đi làm thêm cho người ta. Con không dám hỏi tiếp vì nước mắt con đã rơi, con sợ mẹ biết con khóc. Mẹ vẫn dạy con “phải cứng rắn, đừng có động tý là rơi nước mắt”. Vâng, con không khóc, không rơi lệ, con không muốn làm người yếu đuối. Nhưng mẹ ơi, nước mắt con vẫn rơi. Bao giờ bố mẹ mới không phải lo lắng quay từng đồng tiền? Bao giờ con tự lo được cho bản thân?
Con muốn chạy về nhà ngay bây giờ, muốn được nhìn thấy bố mẹ cười, muốn thấy các em con. Về nhà để con cứng rắn hơn. Mẹ ơi, con nhớ nhà!
Nguyễn Thắm
Cảm nhận cuộc sống cùng Người đưa tin blog Độc giả có những cảm nhận về cuộc sống cần chia sẻ cùng bạn bè, người thân, hãy viết cảm xúc đó, và vui lòng gửi về chúng tôi theo địa chỉ email: blog@nguoiduatin.vn. Bài viết có tính chất phi thương mại nên không tính nhuận bút. Trân trọng! |