Bộ GD&ĐT phát động cuộc thi phòng ngừa bạo lực học đường
Thông tin trên báo Tiền Phong sáng 1/4, tại Trường THCS Nguyễn Công Trứ (Hà Nội), Bộ GD&ĐT phối hợp các đơn vị tổ chức phát động Cuộc thi "Sáng kiến bảo đảm trật tự trường học về phòng ngừa bạo lực học đường và lao động trẻ em" lần thứ nhất.
Cuộc thi "Sáng kiến bảo đảm trật tự trường học về phòng ngừa bạo lực học đường và lao động trẻ em" là sân chơi dành cho học sinh phổ thông trên cả nước nhằm tạo không gian sáng tạo, cởi mở, nơi học sinh có thể tự do bày tỏ quan điểm, thể hiện tài năng của bản thân về các vấn đề xã hội.
Đồng thời, qua cuộc thi cũng nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của từng cá nhân trong xã hội trong việc gìn giữ, bảo vệ trẻ em lớn lên khỏe mạnh, hạnh phúc và đầy yêu thương, góp phần phòng, chống bạo lực học đường và phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật.
Theo Bộ GD&ĐT, cuộc thi diễn ra từ ngày 1/3 đến hết ngày 30/06/2024 với 4 vòng thi (vòng cấp trường; cấp quận/huyện; cấp tỉnh và cấp toàn quốc) với hai chủ đề gồm: “Phòng ngừa bạo lực học đường” và “Phòng ngừa lao động trẻ em”.
Theo đó, học sinh tiểu học vẽ tranh cổ động trên khổ giấy A3 không giới hạn về màu sắc, không giới hạn nguyên vật liệu.
Học sinh THCS - THPT thi viết cá nhân bằng tay và có độ dài tối đa không quá 1.200 từ. Trong đó, bài viết chưa từng dự thi tại các cuộc thi khác, chưa được đăng báo, trang tin điện tử hoặc mạng xã hội. Mỗi học sinh chỉ thực hiện 1 bài thi.
Ban tổ chức dự kiến sẽ tổng kết và trao giải thưởng cho học sinh trong tháng 6/2024 tới. Ở mỗi vòng thi, mỗi cấp học sẽ có 1 giải Nhất, 2 giải Nhì và 2 giải Ba.
Phát biểu tại lễ phát động, Vụ trưởng Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) Trần Văn Đạt cho biết, cuộc thi là một trong nhiều giải pháp, hình thức đã và đang được triển khai tích cực, là cơ hội để học sinh thể hiện tài năng, sáng tạo và ý thức của mình trong việc xây dựng môi trường học tập tốt đẹp.
“Trường học không chỉ là nơi học tập kiến thức, mà còn là nơi hình thành nhân cách, giáo dục tình thần và đạo đức cho thế hệ trẻ. Trường còn là môi trường để mỗi học sinh phát triển toàn diện về thể chất lẫn tinh thần. An toàn trường học không chỉ dừng lại ở việc đảm bảo cơ sở vật chất, mà còn liên quan đến môi trường giáo dục không bạo lực, không áp lực và tôn trọng lẫn nhau”, ông Đạt khẳng định.
Mắc bệnh hiếm 100.000 ca mới có 1 người, do tự mua thuốc uống
Theo Pháp luật Việt Nam, Trung tâm y tế huyện Hải Hà (Quảng Ninh) mới tiếp nhận bệnh nhân 13 tuổi nhập viện trong tình trạng nổi mụn mủ toàn thân ngày thứ 2.
Người bệnh cho biết, do phát hiện mắc viêm long đường hô hấp nên đã tự đến quầy thuốc mua thuốc không rõ loại (được cho là kháng sinh) về uống.
Sau dùng thuốc 1 ngày, bệnh nhi xuất hiện mảng đỏ da tăng dần, sau đó bề mặt da có nhiều mụn mủ kích thước 2-3mm phân bố đối xứng hai bên ở da đầu ngực, lưng, chân, tay. Bệnh nhi không sốt, không ghi nhận khác ở lưỡi, đau khớp cũng như bệnh lý nền khác.
Qua hội chẩn, bác sĩ chuyên khoa da liễu chẩn đoán bệnh nhi mắc Hội chứng mụn mủ ngoại ban toàn thân cấp tính (AGEP).
Bệnh nhi sau đó được điều trị theo phác đồ. Sau 3 ngày theo dõi, hầu hết mụn mủ, hồ mủ trên người bệnh nhi đều tróc bong nhiều vảy, không nổi thêm sang thương mới. Bệnh nhi được xuất viện sau 5 ngày điều trị.
Theo bác sĩ điều trị cho bệnh nhi, dị ứng thuốc là phản ứng quá mức, bất thường, có hại cho người bệnh khi dùng hoặc tiếp xúc với thuốc do đã có giai đoạn mẫn cảm.
"Dị ứng thuốc thường không phụ thuộc vào liều lượng, có tính mẫn cảm chéo, với một số triệu chứng và hội chứng lâm sàng đặc trưng, thường có biểu hiện ngoài da và ngứa. Nếu dùng lại thuốc đã gây dị ứng thì phản ứng dị ứng sẽ xảy ra nặng hơn và có thể tử vong. Dị ứng thuốc chiếm khoảng 10 - 15% các phản ứng có hại do thuốc. Hội chứng mụn mủ ngoại ban toàn thân cấp tính là thể dị ứng hiếm gặp, tỉ lệ 1:100 000 người bệnh điều trị, 90% gây ra do thuốc. Những loại thuốc có thể dẫn đến đến tình trạng (AGEP) hay gặp nhất là thuốc kháng sinh", bác sĩ thông tin thêm.
Để hạn chế nguy cơ dị ứng thuốc, bác sĩ khuyến cáo người bệnh cần lưu ý: Chỉ nên dùng thuốc điều trị bệnh theo đúng toa chỉ định của bác sĩ và sử dụng thuốc đúng theo sự hướng dẫn của bác sĩ điều trị. Không tự ý mua thuốc để tự điều trị cũng như giới thiệu thuốc điều trị cho người khác vì nghĩ rằng họ có bệnh lý giống mình.
Khi đã bị dị ứng loại thuốc nào thì tuyệt đối không được dùng loại thuốc đó nữa. Khi đi khám bệnh ở cơ sở y tế hoặc đến nhà thuốc mua thuốc thì phải thông báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết những loại thuốc mà mình đã bị dị ứng trước đây và những loại thuốc hiện đang dùng để được hướng dẫn sử dụng thuốc hợp lý, an toàn.
8 quận, huyện, thị xã nào ở Hà Nội có số người tử vong do TNGT mức cao?
Theo số liệu trên báo Sức Khỏe & Đời Sống, trong 3 tháng đầu năm 2024, số vụ TNGT, số người thương vong vì TNGT tại Hà Nội đều tăng đáng kể so với cùng kỳ năm 2023.
Thông tin từ Ban An toàn giao thông Tp.Hà Nội, trong 3 tháng đầu năm 2024, toàn TP ghi nhận số vụ tai nạn giao thông (TNGT) và số người chết, số người bị thương do TNGT có diễn biến phức tạp, tỉ lệ gia tăng ở mức cao.
Theo đó, quý I/2024 tại Thủ đô xảy ra 385 vụ TNGT, làm 175 người chết, 313 người bị thương. Như vậy, nếu so với cùng kỳ năm 2023 thì số vụ TNGT tăng 106 vụ (37,99%), số người chết tăng 16 người (10,06%) và tăng 130 người bị thương (71,04%).
Theo thống kê của Ban An toàn giao thông Tp.Hà Nội, có 8/30 quận, huyện, thị xã có số người chết do TNGT ở mức cao (trên 10 người tử vong do TNGT/quý), tăng cả 3 tiêu chí (số vụ tai nạn, số người chết, số người bị thương) so với cùng kỳ năm 2023, bao gồm: Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Gia Lâm, Đông Anh, Sơn Tây, Chương Mỹ, Ứng Hòa.
Riêng đối với các quận, huyện, thị xã có số người chết do TNGT ở mức cao sẽ phải làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan. Đồng thời, kịp thời thực hiện các giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông trên địa bàn.
Văn phòng Ban An toàn giao thông TP cũng được giao tham mưu thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành làm việc với các địa phương có tai nạn giao thông tăng cao, tổng hợp, làm rõ nguyên nhân, giải pháp khắc phục, báo cáo Chủ tịch UBND TP kết quả thực hiện trong tháng 4/2024.
Công an Tp.Hà Nội và Sở Giao thông vận tải Tp.Hà Nội cũng được giao đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm về trật tự an toàn giao thông. Các đơn vị phối hợp rà soát các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông để xử lý kịp thời.
Đối với lực lượng công an, cần đặc biệt xử lý các hành vi là nguyên nhân chính gây tai nạn như: Vi phạm nồng độ cồn; vi phạm tốc độ; vượt ẩu; đi sai làn đường; không chấp hành tín hiệu đèn giao thông, biển báo hiệu đường bộ; xe quá khổ, quá tải, cơi nới thành thùng; học sinh, thanh thiếu niên điều khiển xe mô tô khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe...
Ưu tiên tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường có tình hình tai nạn giao thông diễn biến phức tạp, địa bàn có tai nạn giao thông tăng cao.
Còn đối với Sở Giao thông vận tải cần tăng cường công tác kiểm tra, duy tu, duy trì đối với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông quản lý theo phân cấp, bổ sung đầy đủ hệ thống an toàn giao thông (sơn kẻ, biển báo hiệu, hệ thống chiếu sáng, bảo đảm tầm nhìn, bán kính đường cong, mặt đường êm thuận...), không để xảy ra TNGT có nguyên nhân do hạ tầng giao thông.
Trúc Chi (t/h)