Bản án cho nữ tiểu thương mua mỳ chính giả làm đám cưới cho con trai

Bản án cho nữ tiểu thương mua mỳ chính giả làm đám cưới cho con trai

Nguyễn Thị Thúy

Nguyễn Thị Thúy

Thứ 4, 17/10/2018 20:01

Tiếc rẻ vài túi mỳ chính còn thừa sau đám cưới con trai, sẵn có cửa hàng đồ khô, Đào Thị Lương mang ra chợ bán. Nào ngờ, vừa mang ra chợ đã có người hỏi mua, thậm chí là thiếu hàng để bán, Lương hớt hải chạy sang cửa hàng bên cạnh hỏi mua thêm. Đến khi bị bắt, người phụ nữ này mới biết mình phạm tội Buôn bán hàng giả.

Ngày 17/10, tại trụ sở TAND thị xã Sơn Tây, HĐXX đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm đối với bị cáo Đào Thị Lương (SN 1961, trú tại Vống Gốc Vải, Minh Quang, Ba Vì, Hà Nội).

Hồ sơ điều tra - Bản án cho nữ tiểu thương mua mỳ chính giả làm đám cưới cho con trai

Bị cáo Đào Thị Lương tại phiên tòa sơ thẩm

“Loại này đóng không đủ cân đâu, em về liệu mà bán”

Mặc dù ngồi một mình trước bàn khai báo dành cho bị cáo, song Đào Thị Lương không hề đơn độc khi có cả gia đình cùng tới tham dự phiên tòa. Ngoài quyền được tự bào chữa, nữ bị cáo này còn có hai luật sư thuộc đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.

Phần thủ tục phiên tòa nhanh chóng khép lại, nhường thời gian cho phần xét hỏi. Đào Thị Lương khai ngoài làm ruộng còn có cửa hàng bán đồ khô tại Chợ Mộc, xã Minh Quang nhiều năm nay. Bị cáo chủ yếu bán các loại mặt hàng như gạo, đỗ, chè…, chứ không bán mỳ chính.

Lý do bị cáo có mỳ chính bán cho vị khách tên Hồng vào ngày 18/12/2016 là do mỳ chính bị cáo mua trước đó dùng cho đám cưới con trai, còn thừa nên bị cáo mang ra chợ bán.

Về nội dung này, cáo trạng nêu rõ: “Khoảng 10h ngày 18/12/2016, có một người phụ nữ giới thiệu tên Hồng đến cửa hàng của Lương hỏi mua hàng khô và mỳ chính để về bán. Quá trình mua bán, Lương dặn khách: “Loại này đóng không đủ cân đâu, em về liệu mà bán”. Ý Lương muốn nói đây là mỳ chính giả.

Do số lượng mỳ chính không đủ để bán theo yêu cầu của khách nên Lương sang quầy hàng khô của Nguyễn Thị Tuyên (SN 1969, trú ở huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ), cùng bán hàng ở chợ để mua 18 gói mỳ chính Ajinomoto giả loại 140g và 01 gói mỳ chính Miwon loại 100g với giá 7.500 đồng/gói. Mua được số mỳ chính trên, Lương về bán lại cho khách với giá 8.000 đồng/gói.

Do người phụ nữ tên Hồng mua nhiều hàng nên đang có ý định nhờ Lương thuê người chở hàng giúp. Đúng lúc này, chị Nguyễn Hồng Nhung là con dâu của Lương đến cửa hàng nên hai bên thỏa thuận để chị Nhung chở hàng cho Hồng đến khu vực Gốc Mít, xã Tân Lĩnh, huyện Ba Vì với giá 100.000 đồng.

Tuy nhiên, cùng thời điểm, một tổ công tác Công an TX Sơn Tây phát hiện lô hàng nghi là hàng giả nên lập biên bản đưa về trụ sở để giải quyết.

Theo kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an thì số mỳ chính Lương bán cho Hồng đều là mỳ chính giả nhãn hiệu Ajinomoto và Miwon. Ngày 19/12/2016, cơ quan CSĐT – Công an TX Sơn Tây đã ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Đào Thị Lương về hành vi buôn bán mỳ chính giả.

Lời khai không đồng nhất

Riêng đối tượng Nguyễn Thị Tuyên có thừa nhận việc bán mỳ chính cho Lương vào ngày 18/12/2016 nhưng không thừa nhận đó là mỳ chính giả. Tuyên khai nhận đã mua số mỳ chính này của một người phụ nữ không quen biết với giá thấp hơn giá mỳ chính cùng loại mua tại công ty. Mặc dù không phân biệt được đặc điểm khác nhau giữa hai loại mỳ chính này nhưng Nguyễn Thị Tuyên cũng nghĩ số mỳ chính mua được rẻ là mỳ chính giả. Tuy nhiên, trước lời khai không nhận tội, ngoan cố của Tuyên nên người phụ nữ này đã được cơ quan điều tra tách hành vi để tiếp tục điều tra, làm rõ, xử lý sau.

Quá trình mở phiên tòa, khi được chủ tọa hỏi ý kiến về nội dung bản cáo trạng truy tố, cơ bản bị cáo Lương thừa nhận có hành vi mua bán mỳ chính nhưng bị cáo cho rằng thời điểm mua không biết mỳ chính là hàng giả.

Ngay lời khai của đối tượng Nguyễn Thị Tuyên thể hiện chỉ duy nhất 1 lần bán mỳ chính cho Lương. Song tại tòa, nữ bị cáo 57 tuổi này lại ấp úng, nhiều lần khai không đồng nhất cùng một nội dung.

Lúc bị cáo Lương khai 2 lần mua mỳ chính của Tuyên (1 lần mua dùng cho đám cưới con, còn thừa mang ra chợ bán. Nhưng do không đủ hàng theo yêu cầu của khách nên Lương tiếp tục chạy sang quán của Tuyên mua thêm 19 gói mỳ chính các loại).

Đến khi chủ tọa hỏi về nguồn gốc của số mỳ chính trên, bị cáo Lương lại khai: “Tôi mua của chị Tuyên để ăn trước đó, rồi mua sử dụng trong đám cưới con”.

“Như vậy, cộng với 1 lần mua 19 gói vào ngày 18/12/2016 để bán cho người phụ nữ tên Hồng, tổng cộng là 3 lần chứ không phải chỉ có 2 lần như bị cáo vừa khai trước đó”, Chủ tọa căn vặn. Lúc này bị cáo lại viện lý do tinh thần bấn loạn, lúc nhớ lúc quên.

Căn cứ vào quá trình xét hỏi công khai tại phiên tòa, về phía VKS cho rằng mặc dù bị cáo thay đổi lời khai, song căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ cùng tang vật vụ án có đủ cơ sở kết luận bị cáo phạm tội như cáo trạng truy tố.

VKS nhận định hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã trực tiếp xâm phạm tới trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước; quyền bảo hộ của các doanh nghiệp, các nhà sản xuất và quyền được bảo vệ về sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng. Do đó, cần phải xử lý theo pháp luật để giáo dục và phòng ngừa chung. Cuối bản luận tội của mình, VKS đã đề nghị HĐXX áp dụng mức án đối với bị cáo Đào Thị Lương từ 24 – 30 tháng tù nhưng cho bị cáo được hưởng án treo.

Do hết thời gian làm việc buổi chiều, Chủ tọa phiên tòa tuyên bố tạm dừng phiên tòa. 8h sáng mai (18/10) HĐXX tiếp tục đưa vụ án ra xét xử.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.